Quỹ đầu tư bất động sản: Vì sao vẫn khó phát triển?
Tại phiên hiến kế về tài chính - tín dụng trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019, nội dung thảo luận về quản lý quỹ đầu tư bất động sản nhận được khá nhiều sự quan tâm.
Lâu nay, câu chuyện hạn chế tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được coi là biện pháp siết tín dụng tại thị trường bất động sản. Dó đó, quỹ đầu tư bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp chính là giải pháp "chia lửa" cho nguồn vốn này.
Tuy nhiên, về quỹ đầu tư bất động sản, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết, cơ sở pháp lý đã có quy định từ năm 2012 nhưng đến tận 2016 cơ quan quản lý mới đồng ý cho quỹ của Techcombank với vốn khoảng 50 tỷ đồng thành lập. Nguồn tiền gặp khó, việc đầu tư của quỹ này vào các dự án tương đối khó khăn.
Bên cạnh khung pháp lý, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cho rằng, nguyên nhân khiến quỹ đầu tư bất động sản chưa thể mở rộng còn do thị trường bất động sản đang có dấu hiệu giảm sút theo xu hướng của nền kinh tế.
"Năm 2009 và 2010, thị trường sốt giá nhưng không có người mua gây nên khủng hoảng và đóng băng, kéo theo ngành ngân hàng khó khăn. Trước đây, tăng trưởng dư nợ tín dụng trong ngành bất động sản cao hơn tốc độ trung bình, đạt 18% vào năm 2016, trong khi thị trường chung chỉ 12%. Đến năm 2017, con số này lại ngược lại, dòng tiền vào bất động sản giảm mạnh", vị này nói.
Ông Nam nhận định, việc cho phép quỹ bất động sản đầu tư vào dự án chưa hoàn thành mới thực sự là động lực cho các dự án.
Trong khi các quy định chưa thúc đẩy hình thành và hoạt động quỹ đầu tư thì việc chuẩn bị sửa đổi Thông tư 36 sắp tới gồm lộ trình 2 năm siết giảm vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiếp tục gây khó cho thị trường bất động sản.
Do đó, ông Nguyễn Trần Nam kiến nghị xây dựng ngân hàng tiết kiệm nhà ở theo mô hình của Đức, Séc, những tổ chức này mang lại nhiều lợi ích cho người nghèo, người có thu nhập trung bình… Đồng thời, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Thông tư 36 trong vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn để phù hợp với các doanh nghiệp bất động sản.
Đánh giá cao những ý kiến của ông Nguyễn Trần Nam, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế tin rằng, thị trường bất động sản sẽ minh bạch hơn, việc phát triển nhà ở sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, thuế và niềm tin vẫn là hai vướng mắc lớn trong việc vận hành quỹ bất động sản. Về ý tưởng hình thành quỹ phát triển nhà ở của ông Nam, đây là vấn đề đang được các nhà quản lý quan tâm và sắp tới sẽ đẩy mạnh triển khai.
Về phía công ty quản lý quỹ, bà Dương Trần, đại diện VinaCapital cho rằng, ngoài vấn đề về thuế, chuyển nhượng cũng là rào cản khiến quỹ đầu tư bất động sản khó phát triển.
"Với quy định, nhà đầu tư rót vốn 13-30% vào quỹ bất động sản mất 6 năm để chuyển nhượng. Thời gian được phép chuyển nhượng dài khiến các nhà đầu tư không mặn mà rót tiền vào quỹ này", đại diện VinaCapital cho hay, đồng thời kiến nghị nên áp dụng thời gian hạn chế chuyển nhượng để kích thích nhà đầu tư và thời gian khoảng một năm là phù hợp.
"Bên cạnh đó, giới hạn vay cũng gây khó khăn cho việc vận hành quỹ bởi giới hạn vay của quỹ đầu tư bất động sản là 5% trên tổng giá trị tài sản ròng. Đây là giới hạn vay khiêm tốn, trong khi vốn chủ sở hữu lên đến 15%. Do đó, giới hạn vay cần phải lên đến 15%", bà chia sẻ thêm.
Đào Hưng
VNECONOMY
|