Reuters: Trung Quốc rút lại gần như toàn bộ cam kết với Mỹ
Bức điện ngoại giao từ Bắc Kinh đã tới Washington vào cuối ngày thứ Sáu (03/05), trong đó có bao gồm những thay đổi có tính hệ thống với dự thảo thỏa thuận thương mại dài gần 150 trang. Đây là động thái có thể đập tan những nỗ lực đàm phán nhiều tháng liền giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, dựa trên nguồn tin thân cận từ Reuters.
Tài liệu trên cho thấy sự quay ngoắt quan điểm của Trung Quốc, theo đó không còn đáp ứng những yêu cầu then chốt từ Mỹ, Reuters dẫn các nguồn tin thân cận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
|
Trong 7 chương của dự thảo thỏa thuận thương mại, Trung Quốc đã xóa bỏ các cam kết thay đổi luật để giải quyết những lời phàn nàn đã khiến Mỹ phải khởi đầu cuộc chiến thương mại: Đánh cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại; chuyển giao công nghệ bắt buộc; chính sách cạnh tranh; tiếp cận dịch vụ tài chính và thao túng tiền tệ.
Trước thông tin đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đáp trả trên mạng xã hội Twitter, cho biết Mỹ sẽ nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày thứ Sáu (10/05), đồng thời còn dọa áp thuế bổ sung lên 325 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc.
Việc gạch bỏ những từ ngữ pháp lý mang tính ràng buộc trong dự thảo thỏa thuận thương mại đã tác động trực tiếp đến ưu tiên hàng đầu của Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer – người xem sự thay đổi luật pháp Trung Quốc là điều then chốt để xác thực việc tuân thủ cam kết, sau nhiều năm Washington cho rằng Trung Quốc không giữ lời hứa.
Ông Lighthizer đã đẩy mạnh việc tạo ra một cơ chế triển khai thỏa thuận, trong đó sử dụng các biện pháp trừng phạt về kinh tế - như lệnh trừng phạt đã áp lên Triều Tiên hoặc Iran.
“Điều đó hủy hoại kiến trúc lõi của thỏa thuận”, Reuters dẫn lại nguồn tin thân cận.
Nhà Trắng, văn phòng đại diện thương mại Mỹ và Bộ Tài chính Mỹ chưa có bình luận.
Tại cuộc họp báo ngày thứ Tư (08/05), Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang cho biết việc giải quyết bất đồng thương mại là “một quá trình đàm phán” và Trung Quốc “không né tránh các vấn đề”.
Ông Cảnh đề nghị chuyển các câu hỏi cụ thể về vấn đề đàm phán thương mại cho Bộ Thương mại Trung Quốc.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đều cảm thấy sửng sốt vì những thay đổi trong bản phác thảo thỏa thuận. Cả hai vị quan chức này nói với các phóng viên trong ngày thứ Hai (06/05) rằng việc Trung Quốc rút lại các cam kết nhất trí trước đó đã buộc ông Trump đưa ra lệnh nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, nhưng không cung cấp chi tiết về những chỉnh sửa cả về chiều sâu lẫn chiều rộng.
Tuần trước, ông Lưu nói với ông Lighthizer và ông Mnuchin rằng họ cần phải tin tưởng Trung Quốc sẽ thực hiện các cam kết thông qua những sự thay đổi về hành chính và quy định, dựa trên nguồn tin thân cận. Cả ông Mnuchin và ông Lighthizer đều xem điều này là không thể chấp nhận được khi xét tới lịch sử “hứa suông” từ Trung Quốc.
Một nguồn tin thân cận cho biết vòng đàm phán mới đây diễn ra rất tệ vì “Trung Quốc trở nên quá tham lam”.
“Trung Quốc rút lại hơn 10 cam kết… Đàm phán diễn ra rất tệ và điều bất ngờ thực sự là phải tới ngày Chủ nhật (05/05), ông Trump mới phản ứng”. “Sau 20 năm đối xử với Mỹ theo cách của họ, Trung Quốc dường như đã tính toán sai với chính quyền này”.
Diễn biến xấu đi nhanh chóng của các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã làm chao đảo thị trường chứng khoán, trái phiếu và hàng hóa toàn cầu trong tuần này. Trước ngày Chủ nhật (05/05), nhà đầu tư còn tưởng cả hai bên đang rất gần với một thỏa thuận.
Nhà đầu tư và các chuyên viên phân tích tự hỏi liệu dòng tweet của ông Trump có phải là một chiến thuật đàm phán để có thêm sự nhượng bộ từ phía Trung Quốc. Reuters dẫn lại nguồn tin cho biết mức độ rút lại các cam kết trong văn bản điều chỉnh là rất nghiêm trọng và phản ứng của ông Trump không chỉ là chiến thuật đàm phán.
Các nhà đàm phán Trung Quốc cho biết họ không thể đụng tới luật, nguồn tin thân cận với Chính phủ cho hay.
Việc thay đổi luật của Trung Quốc đòi hỏi phải thông qua một chuỗi quá trình riêng và không thể được điều hướng quá nhanh chóng, một quan chức Trung quốc cho biết. Vị quan chức này phản đối lời khẳng định Trung Quốc rút lại các cam kết của họ, nói thêm rằng các yêu cầu của Mỹ trở nên “hà khắc” hơn và con đường tiến tới thỏa thuận có vẻ “hẹp” hơn trước.
Ông Lưu Hạc sắp tới Washington trong ngày thứ Năm (09/05) để đàm phán thương mại với Mỹ. Chỉ mới tuần trước, nhà đầu tư còn cho rằng vòng đàm phán tuần này có thể là một bước ngoặt trước khi tiến tới một thỏa thuận thương mại lịch sử. Giờ đây các quan chức Mỹ chẳng còn quá hy vọng rằng ông Lưu sẽ mang tới bất kỳ lời đề xuất nào để các cuộc đàm phán trở về đúng hướng, dựa trên nguồn tin thân cận.
Vũ Hạo (Theo Reuters)
FiLi
|