Kinh tế Mỹ-Trung sẽ ra sao nếu xảy ra chiến tranh thương mại toàn diện?
Cuộc chiến thương mại toàn diện có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu bớt 45 điểm cơ bản, trong khi tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm 1.2-1.5 điểm phần trăm, Keith Parker, Chiến lược gia tại UBS, cho biết.
Về phần mình, Michael Zezas, Trưởng bộ phận chính sách công Mỹ tại Morgan Stanley, cho rằng, trong kịch bản cơ sở, ông kỳ vọng tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt mức 6.5% trong quý 2 và quý 3/2019, nhưng việc Mỹ nâng thuế có thể làm giảm con số này bớt 0.3 điểm phần trăm.
“Mặc dù cho rằng tình trạng căng thẳng leo thang chỉ là tạm thời khi đà suy yếu trên thị trường có thể mang cả hai bên trở lại với nhau, nhưng bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào cũng làm tăng sự không chắc chắn và do đó tác động tiêu cực tới thị trường tài sản rủi ro cao”, Zezas nhận định.
Thêm vào đó, nếu Trung Quốc phản ứng bằng việc nâng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ 7% lên 15%, điều này có thể làm giảm tăng trưởng GDP Mỹ bớt 0.1 điểm phần trăm.
“Những thông tin tiêu cực không lường trước được như khả năng leo thang căng thẳng thương mại có thể tác động tới giá mạnh hơn là những yếu tố cơ bản”, Zezas nói với các khách hàng. “Trong ngắn hạn, cổ phiếu Trung Quốc ở trong nước và nước ngoài có thể giảm 8-12%, mạnh nhất trong số những thị trường lớn mà chúng tôi quan sát”.
Fed sẽ can thiệp?
Dĩ nhiên, những vấn đề về thương mại không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng tới thị trường. Tác động từ xung đột thương mại Mỹ-Trung Quốc có thể được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) xoa dịu bằng cách hạ lãi suất, Nick Colas, đồng sáng lập của DataTrek, cho biết.
“Trong bối cảnh mức độ biến động trên thị trường cổ phiếu Mỹ tăng mạnh trong tuần này, thị trường chắc chắn sẽ cho rằng chính sách của Fed buộc phải thay đổi”, Colas viết trong báo cáo ngày thứ Hai (06/05). “Ở mặt tích cực, điều này có thể kìm hãm mức giảm hàng ngày của giá cổ phiếu. Nhưng mặt khác, nó sẽ đẩy Fed vào tình thế khó khăn hơn. Từ đó, điều này buộc nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ giảm lãi suất, trong khi Fed chưa chắc nghĩ như vậy”.
Hồi tháng 3/2019, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc và châu Âu đang tác động tới tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
“Hiện giờ, chúng tôi nhận thấy tình huống nền kinh tế châu Âu giảm tốc mạnh và nền kinh tế Trung Quốc cũng vậy, mặc dù kinh tế châu Âu giảm tốc mạnh hơn”, ông Powell nói tại thời điểm đó. “Cũng giống như tăng trưởng toàn cầu mạnh là yếu tố tích cực, thì tăng trưởng toàn cầu suy yếu là yếu tố tác động tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ”.
Tại cuộc họp gần đây, ông Powell và các thành viên khác của Fed dành nhiều thời gian để bàn luận về câu chuyện tăng trưởng ở châu Á và châu Âu giảm tốc và Fed có thể can thiệp bằng cách hạ lãi suất nếu họ cảm thấy nền kinh tế Mỹ cần có một cú huých.
Dù vậy, nhiều chuyên gia trên Phố Wall trước đó cho rằng Mỹ và Trung Quốc có thể sớm tiến tới một giải pháp lâu dài. Trên thực tế thì lại khác. Hồi cuối tuần trước, ông Trump tweet rằng Mỹ sẽ nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày thứ Sáu (10/05) vì các cuộc đàm phán tiến triển quá chậm chạp. Điều này khiến nhiều chuyên gia – bao gồm Chris Krueger, Chiến lược gia tại Cowen Washington – hoàn toàn bất ngờ.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói với các phóng viên trong ngày thứ Hai (06/05) rằng Mỹ định nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 0h01 ngày thứ Sáu (10/05 – giờ ET), nhưng nói thêm Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cũng sẽ tham gia đàm phán ở Washington trong tuần này.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|