NHNN: Kiến nghị dùng NSNN tăng vốn điều lệ cho NHTM Nhà nước
Theo Báo cáo 68/BC-NHNN trình Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận định các ngân hàng thương mại (NHTM) do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tiếp tục đóng vai trò chi phối trong hệ thống các tổ chức tín dụng.
Kiến nghị dùng NSNN để tăng vốn điều lệ cho NHTM Nhà nước
Đến cuối tháng 3/2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 578.9 nghìn tỷ đồng, tăng 0.45% so với cuối năm 2018 và tăng 13% so với cuối năm 2017; vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 792.6 nghìn tỷ đồng, tăng 4.2% so với cuối năm 2018 và 20.1% so với cuối năm 2017. Việc triển khai Basel II được tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn. Đến nay, đã có 7 NHTM được NHNN công nhận đạt chuẩn Basel II gồm: Vietcombank, VIB, OCB, MB, VPBank, TPBank, ACB.
Ngoài ra báo cáo cũng có nêu rõ, NHNN kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi hoặc ban hành một Nghị quyết mới của Quốc hội theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước (ngoại trừ các NHTM mua bắt buộc).
Nợ bán cho VAMC chưa xử lý giảm mạnh
Quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng, tính đến cuối tháng 3/2019, tổng tài sản của hệ thống các TCTD đạt hơn 11 triệu tỷ đồng, tăng 0.8% so với cuối năm 2018; huy động vốn từ thị trường 1 đạt 8.5 triệu tỷ đồng, tăng 2.5% so với năm 2018.
Theo báo cáo, năm 2018, tín dụng tăng 13.89% so với cuối năm 2017; năm 2019 (tính đến ngày 29/4/2019), tín dụng tăng 4.44% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Tín dụng ngoại tệ được kiểm soát phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để xử lý nợ xấu và tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%, đến cuối tháng 3/2019 là 2.02%.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD đến 3/2019 ở mức 5.88%, giảm mạnh so với mức 10.08% cuối năm 2016 và mức 7.36% cuối năm 2017.
- Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42: Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 227.86 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng đạt 117.8 nghìn tỷ đồng.
- Kết quả mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC:
+ Đối với việc mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, lũy kế từ 2013 đến 3/2019, VAMC mua nợ xấu đạt 338,849 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng tương ứng với giá mua nợ là 307,567 tỷ đồng.
+ Mua nợ theo giá trị thị trường, lũy kế đến 3/2019, VAMC đã mua được 46 khoản nợ với dư nợ gốc đạt 5,882 tỷ đồng và giá mua bán nợ đạt 5,960 tỷ đồng.
+ Lũy kế từ 2013 đến 3/2019, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ ước đạt 120.511.6 tỷ đồng. Đặc biệt từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC trong năm 2017, 2018 ước đạt 67,891 tỷ đồng, gần bằng 57% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến năm 2018.
Hàn Đông
FILI
|