“Doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn khát vốn”
Đó là nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế tại Hội thảo quốc gia “Cải cách hành chính ngành Ngân hàng: Doanh nghiệp và người dân thuận lợi trong giao dịch ngân hàng” diễn ra tại Trường Đại học Ngân hàng TPHCM sáng ngày 16/05/2019.
Mục tiêu cải cách hành chính của ngành Ngân hàng luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, do đó việc cải cách phải tạo được điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn và dịch vụ của ngân hàng. Trong đó, bao gồm minh bạch hóa các thông tin liên quan đến các các dịch vụ ngân hàng như tiết kiệm, vay vốn, thanh toán… nhằm tránh tiêu cực, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong các dịch vụ ngân hàng để giảm thiểu chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp. Đa dạng hoác các sản phẩm dịch vụ đảm bảo nguyên tắc thị trường để người dân và doanh nghiệp có lợi nhất trong việc tiếp cận sản phẩm và dịch vụ ngân hàng.
TS. Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN Việt Nam chia sẻ tại hội thảo: “ Những năm qua, các ngân hàng đã cải cách hành chính theo hình thức một cửa quy trình gửi tiết kiệm, dịch vụ chuyển tiền, kiều hồi, dịch vụ thẻ, dịch vụ tiền mặt và các dịch vụ thanh toán khác… để giảm chi phí, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ, cung cấp thông tin đầy đủ tới các khách hàng, phối hợp trong nội bộ để xử lý kịp thời phản ánh, khiếu nại của khách hàng về chất lượng và giá cả dịch vụ… Nhưng thời gian tới, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa, chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại đưa ra các sản hẩm tiện ích đa dạng và đề xuất, tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm tạo môi trường kinh doanh tích cực trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ngày càng tốt hơn”.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) luôn khát vốn
TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế chia sẻ những năm qua, ngành ngân hàng có sự tiến bộ ổn định hơn. Sắp tới, NHNN sẽ thực hiện 2 thông tư rất quan trọng là Thông tư 41 về tỷ lệ an toàn vốn và Thông tư 13 về quản lý rủi ro.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang gây xáo trộn kinh tế toàn cầu, sắp áp thuế nhập khẩu 25% trên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc và có thể sẽ áp đặt thuế nhập khẩu tương tự như vậy trên 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tạo ra thuận lợi và bất lợi cho các nước, trong đó có Việt Nam. Lợi ích là Việt Nam được hưởng một lượng đầu tư rất lớn từ các nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam. Tuy nhiên, khi đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ cạnh tranh như thế nào? Đây là bài toán mà Việt Nam cần phải quan sát.
Năm qua, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP 7.08%, lạm phát dưới 4%. Trong quý 1/2019 tiếp tục tăng trưởng tín dụng 2.23% và kiểm soát lạm phát, năm nay chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng không quá 14%. Tùy tình hình thực tế năm 2019 mà chỉ tiêu cụ thể tại mỗi ngân hàng có thay đổi.
Thế nhưng các doanh nghiệp luôn khát vốn, nhất là DNVVN. “Thực ra các ngân hàng Việt Nam đang hoạt động như tiệm cầm đồ, doanh nghiệp cần phải thế chấp tài sản thì mới xem xét cho vay được”, ông Hiếu nói thêm.
Bên cạnh đó, vấn đề hành chính vẫn còn đè nặng lên các doanh nghiệp, “giấy phép mẹ đẻ giấy phép con”. Nhiều doanh nghiệp đang bị trói buộc bởi thủ tục hành chính, cơ chế máy móc.
Về phía Chính phủ, phải tăng cường quỹ bảo lãnh tín dụng. Chúng ta có quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương nhưng chỉ bảo lãnh cho một số doanh nghiệp nhỏ.
Về phía NHNN, ông Hiếu đề nghị NHNN nên xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm và điểm tín dụng cho tất cả mọi người. Dựa trên điểm tín nhiệm đó để đánh giá và cho khách hàng vay.
Quan trọng nhất của cải cách thủ tục hành chính là con người
Phó Thống đốc NHNN – ông Đào Minh Tú khẳng định quan hệ giữa NHTM và doanh nghiệp là làm sao để tiếp cận được dịch vụ của ngân hàng một cách nhanh chóng và tiện lợi.
Quan trọng nhất của cải cách thủ tục hành chính là con người, khi còn cơ chế xin cho, còn cơ chế người cho vay là người mạnh, đi vay là người yếu thì không bao giờ cải cách được.
Về phía NHNN, tiếp tục trao quyền rộng rãi, chủ động hơn cho các NHTM trong vấn đề huy động vốn và cho vay. Thông tư 39 là thông tư cơ bản cho câu chuyện cho vay tín dụng của các NHTM sẽ được sửa đổi theo hướng tạo điều kiện và chủ động hơn. Đồng thời cũng phải tự chịu trách nhiệm về quyền cho vay đối với các TCTD. Phấn đấu xử lý nợ xấu về dưới 3%. Xử lý, thu hồi các tài sản tham nhũng từ các vụ án kinh tế lớn.
Thứ hai, chỉ đạo NHTM khẩn trương ứng dụng công nghệ 4.0, ngân hàng số, blockchain, đưa ra những sản phẩm ứng dụng công nghệ thanh toán. Nhiều doanh nghiệp xin cấp phép được làm trung gian thanh toán. Có quan điểm cho rằng ngân hàng là trung tâm thanh toán của nền kinh tế. Nếu không qua ngân hàng liệu có an toàn về pháp lý và giám sát được dòng tiền hay không?
Thứ ba, vai trò của con người. NHNN cán bộ là công chức, NHTM là người lao động. Làm sao để có ý thức phục vụ khách hàng. Khi chuyển sang hợp tác xộng sinh với nhau, sẽ hông còn câu chuyện xin cho.
Thứ tư, liên quan đến minh bạch, công khai trong nền kinh tế, khi mà tỷ lệ sử dụng tiền mặt còn nhiều. Nền kinh tế ngầm rất thích dùng tiền mặt để trốn thuế.
Các NHTM phải công khai minh bạch trong hồ sơ, quy trình, thủ tục, các loại phí khi cho vay.
Cát Lam
FILI
|