Thứ Năm, 16/05/2019 08:36

Khó lường với tỷ giá

Tỷ giá trong 2 tuần trở lại có những biến động đáng kể, với giá mua bán tại các ngân hàng và trên thị trường tự do bứt phá khá mạnh so với tỷ giá trung tâm. Với căng thẳng thương mại gần đây, tỷ giá đã bị tác động tiêu cực và có thể trở nên khó lường trong thời gian tới nếu không có những giải pháp can thiệp kịp thời.

Tác động từ Nhân dân tệ

Ngày 06/05/2019, đồng Nhân dân tệ giao dịch ở nước ngoài (CNH) rớt đến 1.3% so với đô la Mỹ (USD), theo đó cặp tỷ giá USD/CNH tăng một mạch từ 6.7350 lên đến 6.8235. Nguyên nhân là trước đó một ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc với lý do Bắc Kinh cố tình “câu giờ” và tiến độ đàm phán diễn ra chậm trễ, khiến giới đầu tư tháo chạy khỏi đồng Nhân dân tệ.

Trong cùng ngày, giá giao dịch USD tại các ngân hàng trong nước bất ngờ tăng nhanh thêm 35 - 50 đồng, tiếp nối đà đi lên trở lại thiết lập từ cuối tháng 4, trong khi giá giao dịch trên thị trường tự do cũng tăng thêm 30 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra, dù tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thay đổi.

Cặp tỷ giá USD/CNH tăng liên tiếp 4 phiên sau đó và khép lại tuần ở mức 6.8483, sau khi đã có lúc chạm mức cao nhất tuần ở 6.8666 vào ngày 10/05/2019, thời điểm mà chính quyền Mỹ cũng chính thức tăng thuế như tuyên bố của ông Trump. Như vậy chỉ trong vòng 1 tuần, đồng Nhân dân tệ đã mất giá đến 1.6% so với USD.

Diễn biến tương tự cũng diễn ra tại thị trường Việt Nam, cặp tỷ giá USD/VNĐ do các ngân hàng niêm yết cũng duy trì xu hướng đi lên liên tục trong cùng thời gian, khi tăng thêm từ 90 - 100 đồng trong 3 ngày từ 07-09/05/2019, trước khi có bước điều chỉnh giảm trở lại vào ngày thứ 6 khi Mỹ hiện thức hóa tuyên bố tăng thuế. Trong khoảng thời gian này, tỷ giá trung tâm cũng tăng mạnh thêm 27 đồng.

Xu hướng trên tiếp tục diễn ra trong đầu tuần này, khi đồng Nhân dân tệ ngày 13/05/2019 tiếp tục mất giá thêm 1.1% so với cuối tuần trước, sau khi Trung Quốc tuyên bố đáp trả bằng cách tăng thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa từ Hoa Kỳ nhập vào Trung Quốc.

Ngay lập tức, tỷ giá trung tâm trong nước sáng 14/05/2019 được điều chỉnh tăng thêm 7 đồng, còn giá mua bán tại các ngân hàng có dấu hiệu tiếp tục nổi sóng trở lại, khi tăng nhanh từ 50 - 80 đồng. Giá USD trên thị trường tự do cũng có diễn biến đi lên trở lại và hiện đã tiếp cận ngưỡng 23,400.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng trở lại không chỉ tác động lên tâm lý thị trường ngoại hối, khiến nhiều người mua USD như một tài sản an toàn giữa lúc rủi ro dâng cao, mà thực tế gây ra những tác động tiềm tàng lên tỷ giá trong nước.

Do tỷ giá trung tâm hiện nay đang được tính toán dựa trên tham chiếu 8 đồng tiền của đối tác thương mại lớn, gồm USD, EUR, Nhân dân tệ, Yên Nhật, Đô la Singapore, Won (Hàn Quốc), đô la Đài Loan, Bath (Thái Lan), trong đó Mỹ và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất hiện nay. Do đó, sự biến động của đồng USD và Nhân dân tệ sẽ tác động đáng kể lên tỷ giá trung tâm là tất yếu. Vì vậy, dù đồng USD thời gian qua không tăng nhiều nhưng do Nhân dân tệ mất giá quá mạnh đã ảnh hưởng làm suy yếu tiền đồng theo.

Rủi ro khó lường trước

Cũng cần lưu ý làviệc Mỹ quyết định tăng thuế suất lên hàng hóa Trung Quốc, không loại trừ nhà cầm quyền tại Bắc Kinh có thể chủ động phá giá tiền tệ để giảm thiểu ảnh hưởng từ việc tăng thuế của Mỹ. Cụ thể, nếu Mỹ tăng thuế thêm 15% thì Trung Quốc có thể phá giá đồng Nhân dân tệ tương ứng 15%, khi đó tác động từ việc tăng thuế của Mỹ gần như biến mất.

Dù việc phá giá mạnh trong một lúc có thể khiến dòng vốn đầu tư quốc tế tháo chạy và mang lại những rủi ro khó lường cho nền kinh tế Trung Quốc, nhưng điều đó cũng không loại trừ khả năng nước này sẽ duy trì xu hướng làm yếu đồng tiền một cách có chủ đích, chính sách mà Mỹ luôn chỉ trích rằng Bắc Kinh đang thao túng tiền tệ.

Thực tế quá khứ cũng đã từng chứng kiến diễn biến tương tự. Sau khi Mỹ bắt đầu áp thuế đợt đầu tiên vào ngày 06/07/2018 lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ liên tục giảm giá mạnh trong 2 tuần sau đó, đánh dấu đợt suy giảm mạnh nhất kể từ lần phá giá gần 3% vào tháng 08/2015. Thời điểm đó nhiều người cũng tin rằng Bắc Kinh đang cố tình can thiệp để phá giá đồng nội tệ của mình nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuât khẩu, hạn chế thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong vòng xoáy chiến tranh thương mại.

Chính vì vậy, với đợt tăng thuế mới nhất, những ý kiến cho rằng đồng nhân dân tệ có thể tiếp tục suy yếu là có cơ sở, thậm chí có những dự báo rớt về mức tâm lý 7.0, không chỉ là do dòng vốn đầu tư quốc tế rút ra trở lại mà có thể còn đến từ chính sách chủ động phá giá đồng nội tệ như đã nói. Khi đó, tác động rủi ro lên tỷ giá trong nước sẽ trở nên khó lường, nên thị trường ngoại hối liên tiếp phản ứng trong thời gian gần đây là có thể hiểu được.

Làm gì để ổn định?

Bên cạnh những tác động từ tình hình quốc tế, trạng thái ngoại hối của nhiều ngân hàng trong nước thời gian gần đây rơi vào tình trạng âm khá lớn. Điều này đến từ việc các ngân hàng thương mại đã bán một lượng lớn ngoại tệ cho NHNN từ đầu năm đến nay, mà theo con số chia sẻ gần đây nhất là NHNN đã mua vào được 8.35 tỷ USD.

Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ của toàn hệ thống trong những tháng đầu năm nay cũng ở mức rất cao, tính đến 17/04/2019 lên đến 7.62%, càng làm gia tăng tình trạng căng thẳng thanh khoản ngoại tệ ở các nhà băng.

Để giải quyết tình trạng này, nhà điều hành có thể bán ngoại tệ trở lại cho các nhà băng để giải tỏa áp lực, tuy nhiên với giá bán ra USD tại Sở giao dịch NHNN đang cao hơn rất nhiều so với giá mà các ngân hàng mua từ khách hàng, chênh lệch lên đến 300 đồng, thì rõ ràng các ngân hàng vẫn ưu tiên lựa chọn mua trên thị trường nhiều hơn.

Tuy nhiên, nếu thị trường ngoại hối tiếp tục chịu áp lực và tỷ giá vẫn trong tình trạng ngày càng căng thẳng trong giai đoạn tới, NHNN có thể phải cân nhắc bơm ngoại tệ cho thị trường, và có thể sử dụng đến các hợp đồng kỳ hạn như đã từng thực hiện trong giai đoạn trước.

Giải pháp trên tuy có thể giúp giải quyết tình trạng ngoại hối âm của các ngân hàng trong nhất thời, nhưng nếu đồng Nhân dân tệ tiếp tục mất giá mạnh kéo VNĐ mất giá theo thì chính sách tiếp tục bơm ngoại tệ để can thiệp dường như là không phù hợp. Vì khi đó sẽ càng làm tăng kỳ vọng phá giá của thị trường, hao hụt kho dự trữ ngoại hối và có thể khiến hàng Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trước hàng Trung Quốc. Vì vậy, việc để thị trường tự vận động theo cung cầu và những yếu tố tác động từ quốc tế vẫn nên được lựa chọn.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng trở lại không chỉ tác động lên tâm lý thị trường ngoại hối, khiến nhiều người mua USD như một tài sản an toàn giữa lúc rủi ro dâng cao, mà thực tế gây ra những tác động tiềm tàng lên tỷ giá trong nước.

Nhung Võ

FILI

Các tin tức khác

>   Nợ xấu ngân hàng biến động ra sao trong quý 1/2019? (15/05/2019)

>   NHNN bổ nhiệm Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (15/05/2019)

>   Sacombank dẫn đầu mạng lưới chấp nhận công nghệ thanh toán không tiếp xúc và đột phá trong công nghệ thanh toán QR (14/05/2019)

>   Hạn mức tăng trưởng tín dụng các ngân hàng năm 2019 (14/05/2019)

>   Mua sắm mê ly cùng Tiki khi dùng thẻ HDBank (14/05/2019)

>   Giá USD tăng mạnh trở lại (14/05/2019)

>   VIB vươn lên nhóm ngân hàng dẫn đầu về doanh số chi tiêu thẻ tín dụng MasterCard (14/05/2019)

>   Ngân hàng Nhà nước đấu giá hơn 600 tấn phế liệu tiền xu (14/05/2019)

>   Đến Singapore xem giải bóng đá International Champions Cup (ICC) 2019 cùng thẻ Sacombank UnionPay (13/05/2019)

>   VietABank: Không trích lập dự phòng rủi ro, lãi ròng quý 1/2019 vẫn giảm 68% (13/05/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật