Thứ Ba, 14/05/2019 20:30

Hạn mức tăng trưởng tín dụng các ngân hàng năm 2019

Theo báo cáo của CTCK Rồng Việt (VDSC) về “Hạn mức tăng trưởng tín dụng các ngân hàng năm 2019”, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm dần mục tiêu tăng trưởng tín dụng là một động thái phù hợp để duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định.

Theo định hướng của  NHNN, mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2019 ở mức khoảng 14%, tương đương năm 2018, có thể thay đổi linh hoạt theo tình hình thị trường và kinh tế vĩ mô. Như vậy, NHNN tiếp tục định hướng quản lý  tín dụng chặt chẽ hơn sau khi đưa tăng trưởng tín dụng năm 2018 về 14%, mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Việt Nam đang đối mặt với rủi ro đến từ việc tổng tín dụng trong nước đang tăng nhanh hơn nhiều so với GDP danh nghĩa. Sau nhiều năm duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức cao, tổng tín dụng trong nước hiện đã tăng lên mức tương đương 130% của GDP (so với mức 20% cách đây 20 năm).

Trong bối cảnh đó, các tổ chức tài chính quốc tế như IMF và World Bank khuyến nghị rằng tăng trưởng tín dụng cần phải được tiết chế lại nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong những năm tới. Do vậy, VDSC cho rằng việc NHNN giảm dần mục tiêu tăng trưởng tín dụng là một động thái phù hợp để duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định.

Tiến độ thực hiện Thông tư 41 ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng

Cho năm 2019, theo thông tin của các ngân hàng, phần lớn đều được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2019 ban đầu ở mức 13% (bao gồm ACB, MBB, HDB, TPB, TCB). Một số ngân hàng được giao chỉ tiêu thấp hơn bao gồm BID (12%), VPB (12%) và CTG (trường hợp đặc biệt do CTG đang triển khai đề án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt).

Ngược lại, VCB (một trong 3 ngân hàng đầu tiên được NHNN công nhận đáp ứng Thông tư 41 trước thời hạn vào cuối năm 2018) được giao chỉ tiêu cao hơn một chút, ở mức 15%. Trước đó, NHNN đã tuyên bố rằng các ngân hàng tuân thủ trước hạn sẽ được ưu tiên về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng như phát triển mạng lưới.

VDSC kỳ vọng rằng hai ngân hàng được phê duyệt tuân thủ từ 2018 còn lại là VIBOCB, mặc dù chưa có thông tin về chỉ tiêu cuối cùng được NHNN giao, cũng sẽ nhận được hạn mức ban đầu cao hơn so với các ngân hàng khác.

Trong tháng 4/2019, có thêm 4 ngân hàng được NHNN phê duyệt tuân thủ Thông tư 41 trước hạn là MBB, ACB, TPB và VPB, theo đó các ngân hàng này sẽ bắt đầu áp dụng chuẩn mực an toàn vốn mới bắt đầu từ ngày 1/5/2019.

Như vậy, đã có tổng cộng 7 ngân hàng được chấp thuận tuân thủ sớm. Hầu hết các ngân hàng này đều kỳ vọng rất lớn rằng NHNN sẽ xem xét nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã giao hồi đầu năm.

Ngoài ra, các ngân hàng còn lại cũng đang gấp rút hoàn tất các thủ tục liên quan để được công nhận tuân thủ, với hy vọng cũng được xem xét cấp thêm chỉ tiêu tín dụng. TCB (nằm trong danh sách thí điểm) và HDB (không nằm trong danh sách thí điểm) đã nộp hồ sơ xin tuân thủ trước hạn từ đầu năm và kỳ vọng sẽ được phê duyệt chính thức vào quý II năm nay.

Đây là lý do chung vì sao tại mùa đại hội cổ đông vừa qua, nhiều ngân hàng vẫn đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn so với chỉ tiêu được giao, như MBB (15%), VPB (15%), TPB (20%), HDB (24%), OCB (30%) và VIB (35%).

Một số ngân hàng có mục tiêu tăng trưởng tín dụng bằng với chỉ tiêu được giao bao gồm VCB (15%), TCB (13%), ACB (13%), BID (12%) và CTG (7%). Trong đó, VCB và ACB (đã được phê duyệt tuân thủ Thông tư 41) và TCB (đang chờ phê duyệt) sẵn sàng đẩy mạnh tín dụng cao hơn nữa nếu được NHNN nới thêm chỉ tiêu. Ngược lại, với BID và CTG, VDSC cho rằng hai ngân hàng này sẽ chỉ duy trì được tăng trưởng tín dụng thực tế bằng hoặc thấp hơn mức mục tiêu nêu trên do những hạn chế hiện tại về vốn.

Không chỉ quản lý chặt hơn tín dụng của các ngân hàng thương mại, NHNN cũng chủ động siết lại hạn mức cho các công ty tài chính tiêu dùng trong bối cảnh tăng trưởng cho vay tiêu dùng cũng đang đà chậm lại.

Hạn mức tăng trưởng cho vay được cấp cho FE Credit năm nay chỉ là 10%. MCredit, vốn là một công ty tài chính tiêu dùng quy mô tương đối nhỏ, chiếm khoảng 6% thị phần và trước đây được tăng trưởng tự do (năm 2018 là gấp khoảng 4 lần dư nợ), cũng đã bắt đầu bị áp hạn mức tăng trưởng tín dụng tối đa 37% từ năm nay. Điều này sẽ có ảnh hưởng khá lớn đến tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của MCredit.

MBB đã phải giảm mục tiêu tỷ trọng lợi nhuận trước thuế của MCredit so với lợi nhuận hợp nhất từ trên 6% xuống còn khoảng 4% do ảnh hưởng của giới hạn tăng trưởng tín dụng nêu trên. VDSC cũng dự kiến rằng trần tăng trưởng cho vay của HD Saison được giao năm nay sẽ thấp hơn nhiều so với mức 35% của năm ngoái.

Tình hình tăng trưởng tín dụng quý 1 thực tế của các ngân hàng

Theo kết quả quý 1 tại BCTC do các ngân hàng công bố, tăng trưởng tín dụng thực tế quý 1/2019 tiếp tục có sự phân hóa giữa các ngân hàng. CTG (+1.1% YTD), BID (+3.6% YTD), ACB (+2.7% YTD) và TCB (-0.3% YTD) là những ngân hàng mở rộng tín dụng quý 1 khá khiêm tốn nên vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng cho 3 quý cuối năm.

Đặc biệt, do tích cực phân phối danh mục trái phiếu doanh nghiệp cho các nhà đầu tư cá nhân nên TCB có tăng trưởng tín dụng âm dù cho vay khách hàng mở rộng 2.4% YTD.

Ngược lại, một số ngân hàng đẩy mạnh tín dụng ngay từ quý đầu năm, như TPB (+11.3% YTD), OCB (8.6% YTD), MBB riêng lẻ (+8.4% YTD), VPB riêng lẻ (+6.9% YTD), tức đã sử dụng quá nửa chỉ tiêu được giao ban đầu. Đây đều là những ngân hàng đặt ra mục tiêu tăng trưởng cả năm cao hơn so với hạn mức được giao và kỳ vọng được cấp thêm hạn mức tín dụng nhờ đáp ứng tuân thủ Thông tư 41.

Với tình hình dư địa tăng trưởng NIM trở nên hạn chế cũng như các nguồn thu nhập không thường xuyên không còn dồi dào như trước, các ngân hàng sẽ phải trông cậy nhiều hơn vào khả năng mở rộng tín dụng.

Tuy vậy, hiện nay mức tăng trưởng tín dụng lại bị hạn chế bởi chỉ tiêu do NHNN giao, vốn ở mức thấp hơn so với kỳ vọng của nhiều ngân hàng. Vì vậy, việc có được điều chỉnh nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng so với mức hiện tại hay không sẽ có nhiều ảnh hưởng đến tăng trưởng thu nhập lãi cũng như kết quả lợi nhuận cả năm của các ngân hàng.

Không thể phủ nhận rằng việc điều hành bằng công cụ hạn mức tín dụng đã góp phần giúp NHNN kiểm soát được các mục tiêu vĩ mô như lạm phát, tăng trưởng tín dụng và tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức hợp lý hơn.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cơ chế này cũng làm hạn chế khả năng tăng trưởng của nhiều ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng tốt, nhất là những tổ chức có quy mô nhỏ hơn và lẽ ra có thể tăng trưởng tín dụng cao hơn so với trung bình ngành mà vẫn đảm bảo tuân thủ theo các quy định về an toàn hoạt động do NHNN đặt ra.

Căn cứ theo diễn biến của năm 2018, dù NHNN có chấp thuận nới chỉ tiêu thì mức tối đa cho từng ngân hàng vẫn khó có thể vượt quá 20%, vì vậy mức độ tăng trưởng tín dụng cao của nhiều ngân hàng đặt ra năm nay có thể là mục tiêu khá tham vọng.

Từ năm 2019, nhiều ngân hàng đang và chuẩn bị được áp dụng chính thức Thông tư 41, với những quy định chặt chẽ hơn nhiều về tiêu chuẩn an toàn vốn so với Thông tư 36 hiện tại.

Do đó, VDSC cho rằng sẽ là hợp lý hơn nếu NHNN xem xét phương án để cho các ngân hàng này có thể tự chủ tốc độ tăng trưởng tín dụng, miễn là vẫn thỏa mãn các hệ số an toàn theo quy định. Điều này nhằm đảm bảo nguồn lực tín dụng được phân bổ hợp lý và các ngân hàng sẽ thực sự có động lực phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả và các chỉ số an toàn hoạt động để được hưởng các ưu đãi về tăng trưởng tín dụng xứng đáng.

Khang Di

FILI

Các tin tức khác

>   Mua sắm mê ly cùng Tiki khi dùng thẻ HDBank (14/05/2019)

>   Giá USD tăng mạnh trở lại (14/05/2019)

>   VIB vươn lên nhóm ngân hàng dẫn đầu về doanh số chi tiêu thẻ tín dụng MasterCard (14/05/2019)

>   Ngân hàng Nhà nước đấu giá hơn 600 tấn phế liệu tiền xu (14/05/2019)

>   Đến Singapore xem giải bóng đá International Champions Cup (ICC) 2019 cùng thẻ Sacombank UnionPay (13/05/2019)

>   VietABank: Không trích lập dự phòng rủi ro, lãi ròng quý 1/2019 vẫn giảm 68% (13/05/2019)

>   Giá USD tiếp tục giảm mạnh (13/05/2019)

>   Techcombank giảm lãi suất huy động kỳ hạn dưới 24 tháng (13/05/2019)

>   Ngân hàng Nhà Nước bán đấu giá hơn 600,000 kg phế liệu tiền kim loại sau tiêu hủy (13/05/2019)

>   Tìm cách dẹp nạn 'cho vay thả ga, đòi nợ khủng bố' (12/05/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật