Ký ức đau thương cuối năm 2018 hiện rõ trên thị trường chứng khoán Mỹ
Hiếm khi nào mà đà giảm 2% lại đáng sợ như thế này.
Chỉ mới sang tháng 5/2019 được 7 ngày, và mặc dù điều kỳ diệu năm 2019 trên thị trường chứng khoán vẫn chưa bị tác động nhiều, nhưng nó lại bắt đầu cho thấy dấu hiệu vụn vỡ. Chỉ với hai dòng tweet đe dọa nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, vốn hóa của chỉ số S&P 500 nhanh chóng “bốc hơi” 500 tỷ USD. Nỗi sợ hãi đang len lỏi qua mọi ngõ ngách. Chỉ số S&P 500 giảm 2.1% trong 5 ngày kể từ khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đập tan kỳ vọng giảm lãi suất.
Khi chứng khoán Mỹ leo dốc, một câu hỏi bỗng dưng xuất hiện trong tâm trí của nhà đầu tư: Nỗi đau của năm 2018 sẽ ảnh hưởng thế nào đến tâm lý của ngày hôm nay khi thị trường đã trên đà tăng mạnh trong năm 2019? Trong phần lớn thời gian năm 2019, nhà đầu tư dường như đã quen dần với những sự kiện bất ngờ, tự thuyết phục bản thân rằng họ đã chứng kiến điều tồi tệ nhất và vẫn còn vượt qua được. Sau ngày thứ Ba (07/05), họ có vẻ không còn lạc quan như thế nữa.
“Chắc chắn là có giọng nói trong đầu bạn nói rằng ‘ồ, lại một lần nữa ư’”, Delores Rubin, trader cổ phiếu cấp cao tại Deutsche Bank Wealth Management, nhận định. “Có một chút lo sợ, hãy nhìn lại những gì chúng ta có và đừng đánh mất những thành quả, như mọi người đã làm vào cuối năm 2018”.
Chứng khoán Mỹ khép lại 2 ngày giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 1/2019 trong ngày thứ Ba (07/05), trong đó S&P 500 giảm 1.7%. Minh chứng cho những căng thẳng mà các trader đang đối mặt là nhu cầu phòng ngừa thua lỗ trên thị trường quyền chọn đã tăng vọt và vượt bất kỳ mức nào trong quý 4/2019. Tại một thời điểm, khối lượng cổ phiếu giảm còn cao hơn cả những gì diễn ra vào đêm Vọng Giáng sinh năm 2018, một trong những phiên tệ nhất trong năm ngoái.
Dĩ nhiên, những sự kiện trong 2 ngày qua chỉ mới xóa bớt một chút thành quả của năm nay và vẫn chưa đạt tới mức hoảng loạn trong năm 2018. Thế nhưng, họ cảm thấy lạ thường sau đà tăng gần như chưa gián đoạn trong 4 tháng năm ngoái. Tính tới ngày thứ Sáu tuần trước (03/05), Nasdaq 100 đã leo dốc 18 tuần trong 19 tuần qua, một chuỗi tăng thậm chí chưa từng xảy ra trong năm 1999, một năm mà chỉ số tăng gấp đôi.
“Liệu mức 1.5% hoặc 400 điểm của Dow Jones có phải là quá nhiều? Đúng, nó nhiều, nhưng không quá đáng kể”, Ernie Cecilia, Giám đốc đầu tư tại Bryn Mawr Trust Co., cho hay. “Thế nhưng, bạn phải nhận ra rằng thị trường đã trở lại và lấy lại gần như toàn bộ những gì đã mất trong quý 4/2018”.
Dù mức giảm không quá đáng kể, nhưng nó là lời xác nhận rằng nhà đầu tư vẫn cực kỳ nhạy cảm với hai vấn đề lớn nhất của năm ngoái: Lãi suất và thương mại. Những nhà đầu tư giá lên đã nhận được một lời cảnh báo trong tuần trước khi ông Powell cho biết áp lực suy giảm của chỉ số giá có thể chỉ là tạm thời, qua đó khiến S&P 500 ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong hơn 1 tháng. Thị trường cổ phiếu chẳng còn xu hướng đi lên kể từ khi ông Trump cảnh báo nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Lẽ nào diễn biến của năm 2018 lại tái diễn trong năm nay? Dòng vốn chảy vào các quỹ chứng khoán đã bị rút ra và chuyển sang trái phiếu, đồng thời các chuyên gia quản lý quỹ cũng không dám “tất tay”. Vào cuối tháng 4/2019, tỷ lệ phân bổ vốn vào cổ phiếu của các quỹ đầu cơ nằm ở bách phân vị thứ 22 trong 12 tháng vừa qua, trong đó số vị thế đặt cược vào giá tăng vượt trội hơn số vị thế đặt cược vào giá giảm với tỷ lệ 1.6/1, dữ liệu từ đơn vị môi giới JPMorgan cho thấy.
“Những nỗi đau từ tháng 12/2018 vẫn còn đó”, Frank Ingarra, Trader trưởng tại NorthCoast Asset Management LLC, cho hay. “Nếu bạn nghĩ về những nhà đầu tư nhỏ lẻ - những người đã từng trải qua nỗi đau của tháng 12/2018 và bị thua lỗ quá nhiều – họ cảm thấy làn sóng bán tháo vì nỗi lo thương mại sẽ lấy mất thành quả của thị trường”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|