Vì sao Dow Jones rớt 473 điểm trong ngày 07/05?
Dow Jones vừa có một phiên giao dịch tồi tệ. Chẳng thể chối cãi được chuyện đó.
Chỉ số này sụt 473 điểm, đồng thời rớt ngưỡng 26,000 điểm – phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ ngày 03/01/2019, thời điểm Apple cảnh báo họ sẽ không đạt kỳ vọng lợi nhuận vì doanh số bán iPhone ở Trung Quốc yếu ớt.
Chỉ số S&P 500 sụt 1.8% và Nasdaq composite lao dốc 2%, rớt ngưỡng 8,000 điểm lần đầu tiên kể từ ngày 18/04/2019.
Điều gì đã diễn ra?
Hôm Chủ nhật (05/05), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dọa nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Lo ngại vì lời đe dọa trên, thị trường giảm mạnh vào đầu phiên ngày thứ Hai (06/05). Nhưng sau đó, nhà đầu tư đã suy nghĩ lại và cho rằng những nhận định của ông Trump có lẽ chỉ là chiến thuật đàm phán. Thế là Dow Jones xóa bớt đà giảm và phục hồi gần như toàn bộ những gì đã mất. Khép lại ngày thứ Hai (06/05), Dow Jones chỉ giảm 66 điểm.
Thế nhưng, sau khi thị trường khép phiên, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã lên tiếng xác nhận về những lời đe dọa nâng thuế, nói rằng Tổng thống Mỹ đang rất nghiêm túc và Mỹ sẽ nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ ngày thứ Sáu (10/05).
Vì vậy, thị trường lại đổ đèo một lần nữa trong ngày thứ Ba (07/05), giảm từ từ và Dow Jones khép lại phiên này với mức lao dốc 473 điểm.
Nhà đầu tư lo ngại chuyện gì?
Trong vài tuần trước đó, Phố Wall tin rằng Washington và Bắc Kinh đã tiến gần hơn tới một thỏa thuận thương mại.
Khi căng thẳng thương mại lắng xuống (nhà đầu tư nghĩ vậy), thị trường tập trung vào chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và đà tăng trưởng mạnh của nền kinh tế Mỹ.
Giữa lúc Fed giữ nguyên lãi suất, lạm phát thấp và tăng trưởng mạnh, nhà đầu tư chứng kiến thị trường đi lên chậm rãi: Mọi thứ dường như đang đi đúng hướng. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite chạm mức kỷ lục nhiều lần trong tuần trước.
Vậy mà chỉ với hai dòng Tweet của Donald Trump trong ngày Chủ nhật (05/05), thị trường gần như hoảng loạn và sự chắc chắn đã biến mất. Chỉ số biến động CBOE (VIX) – thước đo mức độ biến động ẩn 30 ngày của S&P 500 – chạm mức đỉnh mới 21.09 trong ngày thứ Ba (07/05), cao nhất kể từ ngày 22/01/2019.
Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?
Tại thời điểm này, nhà đầu tư đang nghiền ngẫm về những nhận định của ông Trump và xác định liệu đây có phải chỉ là chiến thuật đàm phán hay không.
Nếu Mỹ và Trung Quốc không tiến tới thỏa thuận và nhất là nếu họ leo thang căng thẳng thương mại, nền kinh tế toàn cầu có thể “chịu trận”. Hàng rào thuế quan làm gia tăng chi phí đối với hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời khiến các công ty khó lòng đưa ra kế hoạch dài hạn khi có quá nhiều bất ổn tại thời điểm này.
Không chỉ có Trung Quốc, ông Trump còn muốn thay đổi mối quan hệ thương mại với nhiều quốc gia khác. Ngành xe hơi châu Âu cũng nằm trong tầm ngắm của ông và có thể bị Mỹ áp thêm thuế. Việc thay thế thỏa thuận NAFTA bằng thỏa thuận USMCA đã mất hơn 1 năm để đàm phán nhưng cho đến nay vẫn chưa được Quốc hội Mỹ phê duyệt.
Việc leo thang xung đột với Trung Quốc là một hồi chuông cảnh báo cho những vấn đề liên quan tới thương mại.
Góp phần xoa dịu tâm lý trên thị trường là Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vẫn còn tới Washington trong tuần này để tiếp tục đàm phán. Tuy nhiên, ông Lưu sẽ chỉ tham gia đàm phán trong ngày thứ Năm và thứ Sáu (10/05). Theo lịch trình trước đó, ông Lưu Hạc dự định tham gia đàm phán từ ngày thứ Tư (08/05) cho tới ngày thứ Bảy (11/05).
Vũ Hạo (Theo CNN Business)
FiLi
|