Đồng Nhân dân tệ sắp giảm tiếp?
Đồng Nhân dân tệ – vốn chịu áp lực quá nhiều từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung – sẽ sớm có lý do để suy yếu thêm.
Các công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài sẽ bán đồng Nhân dân tệ để mua ngoại tệ và tài trợ cho lượng chi trả cổ tức 18.8 tỷ USD trong giai đoạn tháng 6-8/2019, dựa trên tính toán của Bloomberg. Mặc dù vẫn thấp hơn mức 19.6 tỷ USD, nhưng khoản thanh toán này đến vào thời điểm vô cùng nhạy cảm: Đồng Nhân dân tệ đang ở mức yếu nhất trong năm 2019 và nhà đầu tư suy đoán đồng tiền này sẽ giảm vượt ngưỡng 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD, vốn được xem là một cột mốc tâm lý quan trọng.
Đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài đã giảm 2.8% từ đầu tháng 5/2019 và là một trong những đồng tiền có thành quả tệ nhất trên thế giới. Thương chiến với Mỹ đã gây áp lực lên đồng Nhân dân tệ vì nó có khả năng gây tổn thương tới tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và thu hẹp thặng dư thương mại, đồng thời cũng có khả năng là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ chủ động làm suy yếu đồng Nhân dân tệ để giảm bớt tác động từ hàng rào thuế quan. Mỹ đã nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 10/05/2019 và còn dọa áp thêm thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa khác của nước này.
Điều quan trọng là: Đà suy yếu của Nhân dân tệ có phải là chủ ý của Trung Quốc hay không? Liệu các quan chức Trung Quốc sẽ nhảy vào để ngăn chặn đồng Nhân dân tệ chạm mức tâm lý quan trọng 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD hay không? Cột mốc 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD trở thành ngưỡng cảnh báo cho thị trường trên toàn thế giới và nếu ngưỡng này bị phá vỡ, sẽ truyền tải tín hiệu rất tiêu cực và châm ngòi cho phản ứng tiêu cực trên thị trường tài sản rủi ro cao toàn cầu, khi nhà đầu tư tiến hành phản ánh các tác động kinh tế lớn hơn từ cuộc chiến thương mại căng thẳng và kéo dài vào thị trường.
* Giảm 2.7% so USD, Nhân dân tệ đang phát tín hiệu đáng sợ về chiến tranh thương mại
“Đồng Nhân dân tệ còn phải đối diện với áp lực suy yếu mang tính mùa vụ”, Tommy Ong, Giám đốc quản lý thị trường tại DBS Hong Kong Ltd., cho hay. “Thế nhưng, một yếu tố quan trọng hơn chi phối tới tỷ giá Nhân dân tệ là cuộc đàm phán thương mại. Đồng tiền này có thể hướng về ngưỡng 7 đổi 1 USD giữa lúc đàm phán, nhưng sẽ không phá vỡ cột mốc này vì điều đó sẽ kích động Mỹ”.
Đồng Nhân dân tệ giao dịch ở Hồng Kông có lúc giảm xuống 6.9514 đổi 1 USD vào sáng ngày thứ Hai (20/05). Vào lúc 8h32 (giờ Hồng Kông), đồng tiền này đã hồi phục về mức 6.9336 đổi 1 USD.
Giai đoạn đỉnh điểm của việc chi trả cổ tức sẽ đến vào tháng 7/2019 khi các công ty Trung Quốc phải trả 9.9 tỷ USD cho cổ đông. Áp lực đối với đồng Nhân dân tệ có thể gia tăng trước đó, khi các công ty mua ngoại tệ để chuẩn bị chi trả cổ tức, mặc dù họ có thể không cần phải làm thế vì họ có dự trữ đồng USD ở nước ngoài.
Các ngân hàng niêm yết ở Hồng Kông nằm trong nhóm công ty trả cổ tức nhiều nhất. Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) sẽ trả 4.2 tỷ USD trong tháng 7/2019 và Bank of China sẽ trả 2.1 tỷ USD, theo tính toán của Bloomberg dựa trên hồ sơ pháp lý.
Dòng vốn nước ngoài chảy vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc nhờ động thái nâng tỷ trọng của MSCI có thể giúp giảm bớt áp lực chi trả cổ tức đối với đồng Nhân dân tệ, Alan Yip, Chiến lược gia ngoại hối cấp cao tại Bank of East Asia Ltd., cho hay. Thế nhưng, đồng tiền này có thể giảm xuống tới 6.98 Nhân dân tệ đổi 1 USD vì thương chiến Mỹ-Trung, ông nói.
Lượng cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc mà nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ có tổng giá trị khoảng 3.5 ngàn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 506 tỷ USD) vào cuối tháng 3/2019, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, dựa trên dữ liệu chính thức. Con số này sắp tăng thêm khi MSCI thêm cổ phiếu Trung Quốc loại A vào các chỉ số MSCI và sau khi trái phiếu định danh bằng đồng Nhân dân tệ được thêm vào các chỉ số toàn cầu trong tháng 4/2019.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|