1,000 điểm và ngưỡng thiên đường
Mốc 1,000 điểm của VN-Index luôn được giới đầu tư chú ý quan tâm và kỳ vọng. Bởi lẽ đây là một trong những ngưỡng tâm lý có ý nghĩa lớn với toàn thị trường.
Mốc VN-Index 1,000 điểm, ngưỡng tâm lý quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
|
Ngưỡng cửa thiên đường của chứng khoán Việt
Kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức đi vào hoạt động vào trung tuần tháng 7 năm 2000, VN-Index được biết đến với tư cách chỉ số tham chiếu quan trọng của thị trường. Không chỉ mất ăn mất ngủ dõi theo diễn biến của từng cổ phiếu riêng lẻ trên bảng điện, hầu như tất cả các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán đều ít nhiều để tâm tới chỉ số này. Bởi bản chất của VN-Index (cũng như các chỉ số khác) là một giá trị thống kê phản ánh tình hình của thị trường. Ở đây là tình hình của sàn HOSE, nơi tập trung của những cổ phiếu có sức khỏe tốt nhất nền kinh tế.
Nếu coi thị trường chứng khoán là phong vũ biểu của nền kinh tế thì VN-Index chính là phong vũ biểu của thị trường chứng khoán. Như vậy, dù muốn dù không, biết và nắm tình hình VN-Index là một trong những yêu cầu tối thiểu của bất kỳ chủ thể nào tham gia thị trường chứng khoán. Nếu một nhà đầu tư chứng khoán, chuyên viên phân tích mà nói rằng mình không biết hay không quan tâm tới VN-Index, người nghe hẳn sẽ phải nghi ngại về mục đích tham gia thị trường của cá nhân đó.
Nói thế cũng chỉ để cho thấy tầm quan trọng của chỉ số này trên thị trường. Ở thời điểm hiện tại, VN-Index một lần nữa đang loay hoay về lại mốc 1,000 điểm. Chúng ta, những mảnh ghép góp phần tạo nên thị trường chứng khoán cũng nên dành chút thời gian ngồi lại với nhau chiêm nghiệm về mấy chuyện quanh mốc điểm này.
Ngược dòng lịch sử, kể từ sau lần đỉnh 1,179.3 điểm ngày 12/03/2007, VN-Index phải chờ tới 10 năm mới lại lần nữa vượt mốc 1,000 điểm vào quý 1/2018 và xác lập đỉnh mới 1,204 điểm. Ở đỉnh này, ai ai cũng hân hoan và đầy lạc quan rằng thị trường chứng khoán sẽ còn tốt hơn nữa. Ngay cả một vị lãnh đạo của một công ty chứng khoán lớn cũng đã nhận xét: “Chứng khoán đang tốt nhất từ trước tới nay”.
Tuy nhiên, VN-Index lại sụt mạnh từ đỉnh này với nhiều lý do được đưa ra. Thị trường dần chấp nhận chỉ số giảm sốc từ đỉnh như muốn xóa tan thành quả tích góp trước đó.
Sau đợt điều chỉnh giảm mạnh đó, nhìn chung VN-Index đã có 3 lần vượt trở lại mốc 1,000 điểm vào tháng 6/2018, tháng 10/2018 và lần đây nhất là tháng 3/2019. Kịch bản chung cho VN-Index trong 3 lần đó chỉ là giữ được mốc 1,000 trong vài phiên ngắn ngủi trước khi giảm sốc trở lại.
Từ đầu năm 2019 tới nay, VN-Index chẳng có mấy phiên giao dịch trên 1,000 điểm
|
Hiện, VN-Index cũng không giảm quá sâu dù những diễn biến trên trường quốc tế, điển hình là cuộc thương chiến tiếp tục diễn biến phức tạp. Những phiên giao dịch ấn tượng từ đầu tháng 5 cứ tưởng chỉ số VN-Index sẽ tái chiếm mốc 1,000 điểm nhưng mãi vẫn chưa thành công.
Mốc 1,000 vốn dĩ đã là ngưỡng tâm lý có ý nghĩa đặc biệt với thị trường chứng khoán Việt Nam và tất nhiên ở thời điểm hiện tại thì vẫn không sai.
Xét ở góc độ triết học, việc VN-Index chuyển từ mức điểm 999 sang 1,000 điểm, không chỉ đơn thuần là quá trình tăng 1 điểm. Ở đó, phản ánh quá trình chuyển hóa về chất của thị trường. Nói cho dễ hình dung, thị trường chứng khoán Việt Nam với VN-Index 1,000 điểm là một thị trường 4 chữ số. Và con số khả dĩ không chỉ là 1,000 mà còn có thể lên tới 2,000; 3,000 hoặc hơn nữa.
Chung quy, 1,000 điểm là mốc mà thị trường bắt buộc phải vượt qua để có thể mở ra cánh cửa đến tới thiên đường. Nhưng đó chỉ là những bước đi qua cửa, sẽ còn nhiều công cuộc cải thiện sức khỏe nội tại, chính sách quản lý, phát triển sản phẩm và hàng loạt vấn đề khác để thị trường chứng khoán Việt ngày càng phát triển. Lúc ấy, bản chất thị trường lành mạnh sẽ được biểu hiện qua chỉ số, VN-Index không biết chừng còn lên tới 5 chữ số.
Dự đoán thị trường có còn quan trọng?
Và trước mắt, ngưỡng tâm lý 1,000 điểm vẫn cần được vượt qua.
Theo ông Nguyễn Kim Chi – Giám đốc CTCK KIS Việt Nam chi nhánh Phạm Ngọc Thạch nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam ở thời điểm hiện tại đang diễn biến rất khác so với giai đoạn 1-2 năm trước. Tính phân hoá thể hiện rất rõ ở từng nhóm ngành, và ở từng cổ phiếu cùng ngành. Những ngành và nhóm cổ phiếu còn dư địa tăng trưởng, hưởng lợi từ chính sách và kinh tế vĩ mô, điển hình như thuỷ sản, dệt may, khu công nghiệp có mức tăng khá tốt và bền vững và kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, tuy nhiên trọng số của nhóm trong VN-Index là khá thấp.
Ngược lại, những ngành hay nhóm cổ phiếu đóng vai trò dẫn dắt chỉ số như nhóm ngân hàng hay nhóm trụ VN30, lại có mức tăng trưởng chậm lại, dẫn đến kỳ vọng tăng giá khá thấp. Bên cạnh đó, thị trường hiện tại đang phải đối mặt với khá nhiều luồng thông tin có phần trái chiều từ bên trong lẫn bên ngoài.
Với những diễn biến trên, sự vận động của chỉ số VN-Index trong năm 2019 sẽ rất khó lường. Liệu chỉ số này có vượt ngưỡng tâm lý 1,000 hay không? Đối với nhà đầu tư, việc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này không quá quan trọng. Hành động khôn ngoan và cần thiết ngay lúc này không phải là dự đoán thị trường mà là quan sát theo dõi lựa chọn những ngành những doanh nghiệp mang lại cơ hội đầu tư tốt nhất.
Với cái nhìn của một người tham gia thị trường hơn nửa thập kỷ, ông Nguyễn Huy Quang - môi giới của một công ty chứng khoán lớn nhận xét: Mốc 1,000 điểm là đơn giản mốc tâm lý của thị trường. Mỗi lần chạm mốc này số lượng nhà đầu tư cũng tăng đột biến. Chứng tỏ nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Từ đó, lượng tiền đầu cơ trên thị trường lớn. Chỉ khi lượng nhà đầu tư mới ở mốc này tăng ổn định thì thị trường mới có cửa tăng tiếp.
Chí Kiên
FILI
|