Kỳ vọng đúng chỗ cho cổ phiếu ngân hàng
“Giá cổ phiếu ngân hàng sẽ đi về đâu trong năm nay và năm sau?” - người viết đặt câu hỏi cho một cựu banker giàu kinh nghiệm trên thương trường, nay đã lui về nghỉ hưu. Ông bảo “tôi rửa tay gác kiếm rồi”, nhưng ông vẫn sẵn sàng trao đổi ý kiến bởi thông tin vẫn “dội” đến ông, vẫn được sàng lọc qua nguồn này nguồn khác.
“Nhiều ngân hàng đã thực sự được cải tổ, đã lột xác, đang và sẽ còn ăn nên làm ra. Họ kiểm soát được nợ xấu, được các khoản vay và việc trả cổ tức 20-30%/năm bằng tiền cộng bằng cổ phiếu cho nhà đầu tư trong tầm tay” - ông thủng thẳng nhận xét - “Còn một bộ phận ngân hàng yếu kém thì vẫn như 3-5 năm trước đây. Thậm chí có ngân hàng tình hình tài chính còn đáng e ngại hơn trước”.
Kỳ vọng một mức giá cao hơn mức hiện tại cho cổ phiếu ngân hàng có vẻ không thực tế, đặc biệt trong quí 1 vừa qua trích lập dự phòng rủi ro của một tỷ lệ lớn ngân hàng thấp hơn so với cùng kỳ. Ảnh minh họa: TTXVN
|
Một cách công bằng và khách quan, công việc điều hành vĩ mô của cơ quan quản lý ngành ngân hàng đã tiến bộ rất nhiều. Tỷ giá, lãi suất, lạm phát được kiểm soát hợp lý và góp phần tích cực vào tăng trưởng GDP. Tuy nhiên trong cải cách hệ thống, việc xử lý những tổ chức tín dụng bị mua bắt buộc, Ngân hàng Đông Á... diễn biến chậm chạp.
Trong phiên họp ngày 21-5-2019, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã yêu cầu tập trung điều tra, truy tố, đưa ra xét xử hàng loạt vụ án nghiêm trọng, trong đó có vụ “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam. Đây là lần đầu tiên cái tên Ngân hàng Phương Nam được chính thức đề cập đến kể từ sau thời điểm nó được sáp nhập vào Sacombank.
Trong bối cảnh như vậy, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục phân hóa. Những ngân hàng tốt, thị giá cổ phiếu có thể duy trì ở mức hiện tại. Với những ngân hàng yếu kém, giá cổ phiếu sẽ biến động. Cái khó là hầu hết ngân hàng yếu kém đều chưa niêm yết. Nhưng cũng may mắn là chúng chưa niêm yết, nên giới đầu tư không dễ quan sát thị giá cổ phiếu của chúng lên xuống ra sao hàng ngày.
Ảnh hưởng của những ngân hàng yếu kém lên hệ thống ngân hàng nói chung thể hiện ở những điểm nào? Thứ nhất, các ngân hàng này cần duy trì lượng vốn huy động lớn để bù đắp cho những khoản nợ xấu chưa thu hồi được. Họ buộc phải đưa ra lãi suất tiết kiệm cao hơn những ngân hàng khác để hấp dẫn người gửi tiền. Dù muốn hay không, các ngân hàng tốt không thể niêm yết lãi suất tiết kiệm quá chênh lệch với lãi suất tiền gửi của những ngân hàng yếu kém. Từ đây mặt bằng lãi suất đầu vào không thể giảm được so với mức hiện tại.
Thứ hai, hiện số tuyệt đối tổng dư nợ cho vay của ngành ngân hàng với nền kinh tế đã rất cao, tới 7,3 triệu tỉ đồng, và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang quyết liệt điều hành mức tăng trưởng tín dụng 14% cho năm nay và thấp dần cho những năm sau nhằm quản lý rủi ro. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN là phù hợp. Chỉ có điều các ngân hàng yếu kém vẫn nhận được hạn mức tín dụng không thấp hơn mức chung của cả ngành vì họ cần phải tiếp tục cho vay, trong không ít trường hợp là đảo nợ.
Thứ ba, việc xử lý các ngân hàng bị mua bắt buộc thông qua chuyển nhượng tối đa tới 100% vốn cho nước ngoài đòi hỏi phải có kiểm toán độc lập và phải đợi đến khi các vụ án liên quan đến chúng như Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại dương kết thúc.
Không giống những lĩnh vực khác, kinh doanh tiền tệ của các tổ chức tín dụng có mối quan hệ với nhau và tác động qua lại giữa chúng có tính dây chuyền. Một ngân hàng yếu kém gặp vấn đề về thanh khoản, các ngân hàng khác cũng phải đề phòng. Về nguyên tắc, hiện tại những ngân hàng yếu kém đã bị “cách ly”, nhưng đó không phải là sự “cách ly” tuyệt đối.
Cổ phiếu ngân hàng, do đó, không chỉ đang phân hóa mà còn có thể chịu những tác động không tích cực từ các ngân hàng yếu kém. Ngoài ra một số ngân hàng vừa qua phát hành cổ phiếu cho nước ngoài với mức định giá cao, giờ đang điều chỉnh theo mặt bằng giá chung của thị trường chứng khoán, cũng ít nhiều ảnh hưởng đến giá cổ phiếu ngân hàng khác.
Kỳ vọng một mức giá cao hơn mức hiện tại cho cổ phiếu ngân hàng có vẻ không thực tế, đặc biệt trong quí 1 vừa qua trích lập dự phòng rủi ro của một tỷ lệ lớn ngân hàng thấp hơn so với cùng kỳ. Khoảng 4-5 ngân hàng không trích lập dự phòng cho quí 1 song lợi nhuận vẫn chỉ đạt vài chục tỉ đồng.
Nhìn lại quá khứ năm 2012 là năm lợi nhuận ngân hàng “bùng nổ” và đạt mức cao nhất từ trước cho đến thời điểm bấy giờ. Sau đó các ngân hàng chuyển sang thời kỳ khó khăn kéo dài năm năm. Giờ đây đã phảng phất những nét tương đồng của năm 2012 ở một số tổ chức tín dụng. Đáng nói năm 2012 quy mô của hệ thống ngân hàng nhỏ hơn bây giờ cả về tổng vốn huy động, dư nợ tín dụng và vai trò trong nền kinh tế.
Thành Nam
TBKTSG