Shanghai Composite giảm gần 1.5%, giá dầu tăng mạnh
Chứng khoán châu Á rơi vào trạng thái trái chiều trong buổi sáng ngày thứ Hai (22/04), trong khi các thị trường ở Australia và Hồng Kông tạm ngưng giao dịch nhân ngày lễ Thứ Hai Phục Sinh (Easter Monday).
Tính tới lúc 11h ngày thứ Hai (22/04 – giờ Việt Nam), trên thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 45.4 điểm (tương đương 1.39%), còn Shenzhen Composite hạ 0.306% và Shenzhen Composite lùi 0.5%.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản trồi sụt qua lại quanh ngưỡng tham chiếu, tăng 0.02%, khi các cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung là Fast Retailing, Softbank Group và Fanuc đều giảm. Chỉ số Topix cũng dao động quanh ngưỡng tham chiếu.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 11h giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi quay đầu giảm 0.16% dù cổ phiếu Samsung Electronics tăng 0.4%.
Sở Giao dịch Chứng khoán Colombo ở Sri Lanka đã tạm ngưng hoạt động trong ngày thứ Hai (22/04) sau khi một loạt cuộc tấn công trong ngày Chủ nhật khiến hơn 200 người thiệt mạng.
“Trong trường hợp cụ thể của Sri Lanka, tỷ trọng của họ trong thị trường châu Á tổng hợp vẫn khá nhỏ về sức ảnh hưởng, vì vậy chúng tôi không nhận thấy tác động quá lớn và lâu dài tới thị trường châu Á, nhưng với nền kinh tế Sri Lanka thì tác động lại rất lớn”, Corrine Png, Trưởng bộ phận nghiên cứu cổ phiếu khu vực tại AIA Investment Management, cho hay trên chương trình “Street Signs” trong ngày thứ Hai (22/04).
“Ngay cả khi trước các cuộc tấn công, chúng tôi đã thấy tăng trưởng du lịch đã giảm mạnh từ 10% (năm 2018) xuống 4% trong quý 1/2019 vì sự bất ổn chính trị”, Png cho hay.
Chứng khoán Mỹ khép lại tuần trước bằng sắc xanh nhờ dữ liệu doanh số bán lẻ và lợi nhuận doanh nghiệp lạc quan hơn dự báo.
Doanh số bán lẻ ở Mỹ tăng trưởng 1.6% trong tháng trước, mạnh nhất kể từ tháng 9/2017 và cao hơn dự báo tăng trưởng 0.9% của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Refinitiv.
Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 97.375 sau khi chạm mức dưới 96.9 trong tuần trước.
Đồng JPY được giao dịch ở mức 111.97 đổi 1 USD sau khi chạm mức 111.84 đổi 1 USD trước đó, còn đồng AUD được “sang tay” ở mức 0.7142 USD sau khi lên tới 0.72 USD trong tuần trước.
Giá dầu tăng vọt
Giá dầu nhảy vọt vào phiên giao dịch châu Á buổi sáng, trong đó hợp đồng dầu Brent tương lai cộng 2.56% lên 73.81 USD/thùng, còn hợp đồng dầu WTI tương lai tiến 2.33% lên 65.49 USD/thùng.
Kết quả là giá dầu Brent đã tăng hơn 35% từ đầu năm, còn giá dầu WTI leo dốc hơn 40% trong cùng kỳ.
Giá dầu tăng mạnh sau khi xuất hiện nguồn tin từ Washington Post cho biết Mỹ chuẩn bị thông báo tất cả hoạt động dầu Iran phải chấm dứt hoặc bị trừng phạt.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ thông báo “vào ngày 02/05/2019, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ không còn trao lệnh miễn trừng phạt tới bất kỳ quốc gia nào hiện đang nhập khẩu dầu thô hoặc khí ngưng tụ (condensate) từ Iran, tờ Washington Post dẫn lại nguồn tin thân cận.
Hồi tháng 11/2018, Mỹ đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên hoạt động xuất khẩu dầu của Iran sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Iran và 6 cường quốc trên thế giới.
Tuy nhiên, Washington lại trao thời hạn miễn lệnh trừng phạt đối với 8 quốc gia mua dầu ở Iran, chủ yếu là ở châu Á, theo đó cho phép họ mua một lượng dầu giới hạn từ Iarn trong khoảng nửa năm.
Thông tin trên được đưa ra giữa lúc thị trường dầu đang trong tình trạng khá thắt chặt.
“Những ‘chú diều hâu’ về Iran trong chính quyền Mỹ thực sự đã tác động tới Tổng thống Mỹ, khi Ngoại trưởng Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia Bolton rất tập trung vào việc hạ bệ Iran”, Stephen Innes, Trưởng bộ phận giao dịch tại SPI Asset Management, nhận định. “Có thể đoán được, giá dầu sẽ tăng”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|