Phải chăng Fed đã chuyển từ “quá diều hâu” sang “quá bồ câu”?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chuyển đổi lập trường từ “quá diều hâu” (cuối năm 2018) sang “quá bồ câu” ở hiện tại, Mohamed El-Erian, Cố vấn Kinh tế trưởng tại Allianz, nhận định.
Mặc dù sự quay ngoắt về lập trường này có lẽ không tác động quá mạnh tới nền kinh tế Mỹ, nhưng lại dẫn tới sự biến động mạnh hơn trên các thị trường tài chính toàn cầu, ông nói trên chương trình “Capital Connection” của CNBC trong ngày thứ Sáu (12/04). Đánh giá về kinh tế và thị trường thế giới của El-Erian được rất nhiều nhà đầu tư theo dõi.
Mohamed El-Erian, Cố vấn Kinh tế trưởng tại Allianz
|
“Tôi nghĩ là họ (Fed) đã đi quá trớn một chút”, ông nói. “Trong quý 4/2018, họ chắc chắn là quá ‘diều hâu’… và giờ thì tôi nghĩ họ chuyển sang quá ‘bồ câu’”.
Tháng 12/2018, Fed đã nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản – lần nâng lãi suất thứ 4 trong năm 2018 và là lần thứ 9 kể từ khi Fed bắt đầu bình thường hóa lãi suất tại thời điểm cuối năm 2015. Ba tháng sau đó, Fed lại quyết định giữ nguyên lãi suất và phát tín hiệu không nâng lãi suất trong năm nay.
Ông El-Erian cho biết nền kinh tế Mỹ “vẫn đang trong trạng thái tốt”, vì vậy ông ngạc nhiên khi Fed có vẻ từ bỏ phương án điều chỉnh chính sách tiền tệ trong cả năm 2019. Trên thực tế, ông dự báo kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 2.5-3% trong năm nay. Trong năm 2018, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2.9%.
Tại cuộc họp chính sách gần nhất, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để ngỏ khả năng nâng lãi suất trước khi kết thúc năm 2019, nếu các điều kiện kinh tế cải thiện, dựa trên biên bản họp tháng 3/2019 vừa được công bố trong ngày thứ Tư (10/04).
“Một vài thành phần tham gia lưu ý rằng quan điểm về phạm vi lãi suất chuẩn hợp lý của họ có thể thay đổi theo cả hai hướng, tùy thuộc vào dữ liệu sắp tới và các diễn biến khác”, trích từ biên bản họp tháng 3/2019 của Fed. “Một số quan chức báo hiệu rằng nếu nền kinh tế diễn biến đúng như họ dự báo hiện nay, trong đó tăng trưởng kinh tế vượt lên trên xu hướng dài hạn, thì họ có khả năng cho rằng tình hình phù hợp để nâng nhẹ phạm vi lãi suất chuẩn trong năm nay”.
Sự phân kỳ về tăng trưởng
Bất chấp mức tăng trưởng ổn định ở Mỹ, triển vọng kinh tế ở những khu vực khác có vẻ khá thách thức, theo ông El-Erian.
Ông cho biết, nếu may mắn, châu Âu sẽ tăng trưởng 1% trong năm nay, trong lúc các nền kinh tế lớn nhất trong khu vực này phải đối mặt với nhiều thách thức. Dựa trên dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khu vực đồng Euro (Eurozone) – bao gồm cả Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha – tăng trưởng 1.8% trong năm 2018. IMF ước tính, 4 nền kinh tế này sẽ tăng trưởng 1.3% trong năm nay.
Cùng lúc đó, tình hình kinh tế Trung Quốc vẫn còn khá mù mờ dù rằng đã có sự cải thiện ở một vài chỉ báo trong thời gian gần đây, ông El-Erian nói với CNBC.
Ông nói thêm gã khổng lồ châu Á này vẫn đối mặt với một môi trường bên ngoài đầy thách thức (một yếu tố có thể tác động tới xuất khẩu Trung Quốc), trong lúc thỏa thuận thương mại với Mỹ có thể “chỉ là đình chiến tạm thời thay vì hòa bình lâu dài”.
“Đối với tôi, chủ đề chính trong năm nay không phải là đà giảm tốc đồng bộ. Đà giảm tốc đồng bộ có nghĩa là các quốc gia ăn nhập với nhau và toàn bộ mọi thứ bắt đầu đi xuống một cách dữ dội”, vị Cố vấn kinh tế này cho biết.
Thay vào đó, ông El-Erian cho hay “chủ đề chính là sự phân kỳ”.
Từ góc nhìn đầu tư, thị trường ngoại hối sẽ khó mà điều hướng rõ ràng khi xuất hiện tình trạng này, ông nói thêm.
Trong khi một số chuyên gia dự báo đồng USD sẽ suy yếu hoặc ổn định trong vài tháng tới, thì ông El-Erian lại nghĩ đồng bạc xanh sẽ tăng giá thêm. Điều này sẽ gây áp lực lên đồng tiền của các thị trường mới nổi và tác động tới các công ty vay nợ bằng đồng USD nhưng lại có nguồn thu bằng đồng nội tệ, ông lý giải.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|