Chỉ số CPI của Mỹ tăng mạnh nhất trong 14 tháng
Chỉ số giá tiêu dùng Mỹ (CPI) tháng 3/2019 tăng mạnh nhất trong 14 tháng, nhưng xu hướng lạm phát cơ bản vẫn còn yếu ớt giữa lúc tăng trưởng nội địa và tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ trong ngày thứ Tư (10/04) củng cố thêm cho quyết định tạm ngưng nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Sau khi nâng lãi suất 4 lần trong năm 2018, Fed phát tín hiệu không nâng lãi suất trong năm nay.
Biên bản họp tháng 3/2019 của Fed được công bố trong ngày thứ Tư (10/04) cho thấy hầu hết các nhà hoạch định chính sách xem áp lực lạm phát vẫn còn yếu ớt, nhưng kỳ vọng lạm phát sẽ tăng lên tới hoặc gần mức mục tiêu 2% của Fed. Thước đo lạm phát yêu thích của Fed – chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đã loại trừ giá thực phẩm và năng lượng – hiện ở mức 1.8%.
“Nhìn chung, lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát”, Joel Naroff, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Naroff Economic Advisors ở Holland, Pennsylvania, nhận định. “Fed có lẽ đã tạm nghỉ xả hơi và có khả năng giữ trạng thái như vậy thêm một vài tháng”.
Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số CPI tăng trưởng 0.4% nhờ đà tăng về giá thực phẩm, xăng và giá thuê nhà. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2018 và nối tiếp đà tăng 0.2% trong tháng 2/2019.
Trong giai đoạn 12 tháng kết thúc vào tháng 3/2019, chỉ số CPI tăng trưởng 1.9%, mạnh hơn mức 1.5% của tháng 2/2019 – vốn là mức tăng yếu nhất kể từu tháng 9/2016. Trước đó, các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters dự báo chỉ số CPI tăng trưởng 0.3% trong tháng 3/2019 và nếu xét trong giai đoạn 12 tháng thì chỉ số này tăng 1.8%.
Loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng – vốn biến động rất mạnh, chỉ số CPI lõi của Mỹ chỉ nhích nhẹ 0.1%, bằng với mức tăng trưởng của tháng 2/2019. Chỉ số CPI lõi bị kìm hãm bởi đà giảm 1.9% của giá hàng may mặc, mức lao dốc mạnh nhất kể từ tháng 1/1949.
Tháng trước, Chính phủ Mỹ đưa ra cách thức và dữ liệu mới để tính toán giá hàng may mặc. Giá hàng may mặc – vốn đã tăng liền hai tháng – làm CPI lõi giảm bớt 0.07 điểm phần trăm trong tháng 3/2019. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo xu hướng này sẽ đảo ngược trong tháng 4/2019.
Kỳ vọng lạm phát thấp
Trong 12 tháng kết thúc vào tháng 3/2019, chỉ số CPI lõi tăng trưởng 2%, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ tháng 2/2018. Trong tháng 2/2019, chỉ số này tăng trưởng 2.1% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng USD suy giảm so với các đồng tiền chủ chốt khác, còn giá trái phiếu Chính phủ Mỹ lại tăng. Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ.
Lạm phát vẫn còn yếu ớt, trong đó tăng trưởng tiền lương ở mức khiêm tốn mặc dù thị trường lao động thắt chặt mạnh. Biên bản họp tháng 3/2019 của Fed cho thấy một số quan chức cho rằng áp lực giá yếu ớt có thể là kết quả của kỳ vọng lạm phát thấp và cũng như một chỉ báo cho thấy thị trường lao động có lẽ không thắt chặt như vẫn tưởng.
“Biên bản họp của Fed củng cố quan điểm của chúng tôi rằng lãi suất sẽ được giữ nguyên trong tương lai gần, mặc dù điều này có thể thay đổi nếu nền kinh tế hoạc lạm phát bất ngờ tăng hoặc giảm”, Sal Guatieri, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại BMO Capital Markets ở Toronto, nhận định.
Đà tăng 3.5% của giá năng lượng trong tháng 3/2019 đóng góp tới 60% vào đà tăng của CPI. Giá xăng leo dốc 6.5%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2017, sau khi tăng 1.5% trong tháng 2/2019.
Giá thực phẩm tăng 0.3% sau khi tiến 0.4% hồi tháng 2/2019. Lượng thực phẩm tiêu thụ tại nhà tăng trưởng 0.4%. Người tiêu dùng cũng phải trả nhiều tiền hơn để thuê nhà.
Chi phí y tế hồi phục 0.3% sau khi giảm 0.2% hồi tháng 2/2019, do đà tăng của chi phí thuốc theo toa và dịch vụ bệnh viện.
Vũ Hạo (Theo Reuters)
FiLi
|