Ngành hàng không (kỳ 2): Bầu trời rộng mở?
Đầu năm 2019, báo cáo phân tích của một số công ty chứng khoán (CTCK) nhận định những hãng hàng không mới tham gia sẽ không thay đổi đáng kể tình hình thị trường trong nước. Hiện nay, nhận định trên có còn đúng?
VJC vững vàng vượt khó khăn?
Trong báo cáo phân tích công bố gần đây, CTCK Bản Việt (VCSC) cho rằng tăng trưởng lượng hành khách trong nước của VJC sẽ vẫn duy trì tích cực dù có cạnh tranh mới. Tuy nhiên, dự báo thị phần trong nước của VJC tính theo RPK sẽ giảm nhẹ từ 46% năm 2018 xuống còn 44% năm 2019, do ghi nhận sự canh tranh gay gắt hơn từ Bamboo Airways (BA) so với dự kiến. Nhưng trong trung hạn, VJC có thể duy trì cạnh tranh với BA, chủ yếu do cơ cấu chi phí thấp, cho phép VJC cạnh tranh giá vé hàng không.
Năm 2018, VJC ghi nhận doanh thu thuần đạt 53,577 tỷ đồng - tăng 26.7%, lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 5,335 tỷ đồng - tăng gần 5.2% so với năm 2017. Tuy nhiên, trong quý vừa qua tính đến hết ngày 12/04, giá cổ phiếu VJC giảm hơn 3%.
Tại cuộc gặp gỡ các chuyên viên phân tích ngày 19/02, VJC cho biết năm 2019 được dự báo tăng trưởng doanh thu vận tải hàng không hơn 40%; doanh thu phụ tăng 50%, nâng tỷ lệ doanh thu phụ trợ trên tổng doanh thu vận tải hàng không lên 27%. Tổng lượng khách vận chuyển trong năm nay được dự báo tăng 24% lên 29 triệu lượt. Thị trường quốc tế sẽ là động lực tăng trưởng chính cho VJC. Bên cạnh đó, công ty sẽ tiết kiệm chi phí để tăng lợi thế cạnh tranh với các hãng hàng không khác.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên, năm 2019, công ty định hướng sẽ tăng trưởng đội tàu bay với các dòng tàu bay mới, hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu. Cùng với việc phát triển đội tàu bay, VJC sẽ tiếp tục tập trung mở rộng mạng đường bay quốc tế khu vực Bắc Á và Đông Bắc Á, tiếp tục mở rộng hợp tác liên doanh (codeshare) hay hợp tác interline với các hãng hàng không có các đường bay đi châu Âu, châu Mỹ. Mạng đường bay nội địa sẽ được củng cố, với việc tăng tần suất các đường bay tới hầu hết các sân bay nội địa với giá vé tiết kiệm. Tuy nhiên, VJC chưa đưa ra chỉ tiêu kế hoạch doanh thu, lợi nhuận năm 2019.
VJC có khả năng tăng trưởng vượt dự báo nếu lợi nhuận từ các tuyến quốc tế tăng trưởng cao, thành công trong việc thành lập các liên doanh hàng không tại nước ngoài, giá dầu tiếp tục giảm, nới room khối ngoại đối với ngành hàng không.
Tiềm năng từ HVN
Về dài hạn, HVN được cho là sẽ hưởng lợi từ vị thế thị trường của hãng này, thống trị với thị phần 30-80% trên các tuyến bay có tỷ suất sinh lời cao nhất trong nước và quốc tế - kết nối các thành phố của Việt Nam đến các trung tâm tài chính trong khu vực; hoạt động ngoài hàng không phát triển nhanh chóng và có mức sinh lời cao; dịch vụ với mức giá cạnh tranh so với các hãng hàng không cung cấp đầy đủ dịch vụ trong khu vực.
Rủi ro đối với HVN là mức giá dầu thô tăng mạnh; VNĐ trượt giá mạnh so với USD dẫn đến lỗ tỷ giá từ khoản nợ USD; cạnh tranh gay gắt hơn dự kiến; hạn chế công suất cảng hàng không tại SGN có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của nhiều công ty con ngoài hàng không có mức sinh lời cao của HVN.
Năm 2018, HVN ghi nhận doanh thu thuần tăng 16.7%, nhưng LNST lại giảm nhẹ gần 1.3% so với năm 2017. Hiện, chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 chưa được công bố do HVN xin gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2019 trước ngày 30/06/2019.
Theo các phân tích, HVN có khả năng tăng trưởng vượt dự báo khi thoái vốn khỏi các công ty con/liên kết; niêm yết trên sàn HOSE; bán cổ phần Nhà nước. Trong quý vừa qua tính đến hết ngày 12/04, giá cổ phiếu HVN đã tăng gần 11%.
Gia Nghi
FILI
Đọc thêm:
>>> Bức tranh ngành hàng không sẽ ra sao khi có thêm hãng bay?
|