Thứ Năm, 11/04/2019 11:00

Lãnh đạo ngã ngựa, Nhiệt điện Quảng Ninh có đủ lực để “đảo chiều dòng điện”?

Ngày 25/03 vừa qua, ông Lê Duy Hạnh - Chủ tịch HĐQT CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM: QTP) đã bị bắt để điều tra hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Trong thời gian mà ông Hạnh nắm quyền thì tình hình làm ăn của QTP cũng lâm vào tình trạng bế tắc.

* Bắt chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh

Được biết, ông Lê Duy Hạnh bắt đầu gắn bó với QTP từ năm 2014 ở vị trí Tổng giám đốc. Kể từ ngày 22/06/2018, ông Hạnh đã rời vị trí Tổng giám đốc để lên làm Chủ tịch HĐQT tại QTP. Được biết trước khi về làm việc cho QTP, ông Hạnh đã có thời gian dài công tác tại CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC) từ năm 1986 đến năm 2014.

QTP hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Công ty hiện có vốn điều lệ 4,500 tỷ đồng. Tháng 3/2017, QTP chính thức đưa 450 triệu cp lên giao dịch trên thị trường UPCoM.

Tính đến ngày 31/12/2018, QTP được đầu tư góp vốn bởi các cổ đông lớn như: Tổng công ty phát điện 1 (EVNGENCO1); Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC); Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE), Tổng công ty Điện lực TKV-CTCP (Vinacomin Power).

Ông Lê Duy Hạnh chính là người đại diện phần góp vốn của EVNGENCO1 tại QTP.

QTP hiện đang sở hữu 2 nhà máy nhiệt điện than là nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 1&2 với tổng công suất là 1,200 MW, cùng với 4 tổ máy, đấu nối vào hệ thống điện Quốc gia qua trạm biến áp 500kV Quảng Ninh với cấp điện áp 500kV và 220kV, sản lượng bình quân thiết kế là 7.2 tỷ kWh/năm.

Điêu đứng vì tỷ giá

Năm 2015 được coi là một năm đầy biến động, nhiều thách thức trong chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá trước bối cảnh USD liên tục lên giá do kỳ vọng Fed điều chỉnh tăng lãi suất và Trung Quốc bất ngờ điều chỉnh mạnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ, kéo theo làn sóng giảm giá mạnh của các đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Việt Nam.

Diễn biến tỷ giá leo thang trong giai đoạn 2013 – 2015
Nguồn: VCBS

QTP lúc ấy lại đang gánh khoản lớn vay ngoại tệ. Thực chất các khoản vay ngoại tệ của Công ty là do nhận nợ lại khoản vay giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc theo Hợp đồng tín dụng với tổng giá trị khoản vay là 763.2 triệu USD.

Mục đích sử dụng để thanh toán phần khối lượng công việc hoàn thành của dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 1 và 2. Thời hạn vay từ 120 tháng đến 166 tháng với lãi suất là 5.12%/năm – 5.25%/năm.

Trước những diễn biến phức tạp của thị trường, các khoản vay ngoại tệ của QTP đối mặt với một phen điêu đứng vì tỷ giá. Tại ngày 31/12/2015, tổng chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục vay và nợ phải trả gần 603 tỷ đồng. Lỗ chênh lệch tỷ giá năm 2015 lên đến hơn 1,470 tỷ đồng, gấp 5.7 lần năm 2014.

Còn thêm áp lực về nợ vay

Không chỉ vấn đề tỷ giá, nợ vay cũng là một yếu tố có ảnh hưởng khá mạnh lên chính kết quả kinh doanh của QTP những năm qua, khi doanh nghiệp này sử dụng khá nhiều nợ vay, tỷ lệ nợ/tài sản luôn chiếm trên 70%.

Tính đến ngày 31/12/2018, QTP có khoản vay ngắn hạn hơn 1,891 tỷ đồng và gần 5,642 tỷ đồng vay dài hạn. Chủ yếu là các khoản vay đồng USDVND của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (HOSE: CTG), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HOSE: VCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHB). Trong đó, các khoản USD chiếm đến 73% tổng số nợ vay.

Việc sử dụng nợ vay lớn dù là một “đặc thù” đối với những doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện như QTP nhưng khi không kiểm soát tốt thì chi phí lãi vay sẽ vô hình trung trở thành gánh nặng ăn mòn lợi nhuận.

Tại QTP, con số chi phí lãi vay trả hàng năm luôn chiếm một tỷ trọng khá lớn so với lợi nhuận gộp. Do đó mà cùng với yếu tố tỷ giá, kết quả kinh doanh cuối cùng của QTP thực sự quá thấp so với quy mô vốn lẫn doanh thu.

Đỉnh điểm vào năm 2015, QTP ghi nhận lỗ gần 1,321 tỷ đồng, kết quả tệ nhất từ năm 2011 đến nay. Trước đó, Công ty cũng một lần ngậm ngùi ghi nhận lỗ nhưng con số chưa bằng phân nửa chỉ hơn 589 tỷ đồng vào năm 2013 do nguyên nhân vì giá vốn hàng bán tăng cao (chiếm đến 99% tổng doanh thu). Nguyên nhân thua lỗ nặng năm 2015 không chỉ phát sinh từ lỗ tỷ giá mà còn do gánh nặng chi phí lãi vay.

Kết quả kinh doanh năm 2018: Đang vui lại đứt dây đàn

Sau khi lỗ nặng, QTP đạt lãi gần 367 tỷ đồng năm 2016 và tăng lên con số gần 709 tỷ đồng năm 2017, tức tăng trưởng gần gấp đôi. Song, đà tăng trưởng của QTP lại không thể duy trì đến năm 2018.

Cụ thể, năm 2018 vừa rồi, dù có doanh thu tăng 10% nhưng lãi ròng của QTP đột ngột giảm mạnh đến 61% so với năm 2017, ghi nhận giá trị hơn 275 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2018 của QTP vẫn còn ở mức gần 500 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía QTP, nguyên nhân lợi nhuận giảm tốc là vì sản lượng sản xuất tăng 21% kéo theo giá vốn hàng bán tăng 16%. Chi phí tài chính gần 857 tỷ đồng, chủ yếu do QTP phải ghi nhận 569 tỷ chi phí lãi vay và gần 300 tỷ liên quan đến lỗ chênh lệch tỷ giá (do sự biến động tăng tỷ giá đồng USD/VND).

Đáng chú ý hơn đó là việc kể từ khi ông Hạnh lên ghế nóng tháng 6/2018 với cương vị là Chủ tịch HĐQT thì kết quả kinh doanh của quý này lỗ nặng. Cụ thể, doanh thu quý 3/2018 đạt 1,503 tỷ đồng, giảm 15% so cùng kỳ. Hơn nữa, chi phí giá vốn lại vượt cả doanh thu, lên đến 1,513 tỷ đồng nên QTP đã chịu lỗ gộp hơn 10 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong khi cùng kỳ vẫn lãi hơn 491 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh năm 2018 theo từng quý của QTP

Năm 2019, QTP có đủ lực để đảo chiều?

Năm 2019, QTP đưa ra mục tiêu sản lượng điện thương phẩm đạt 6,515 tỷ kWh. Tiếp tục kiến nghị cấp thẩm quyền về thanh toán khoản lỗ chênh lệch tỷ giá theo quy định hợp đồng mua bán điện, từng bước ổn định tình hình tài chính.

Còn theo FPTS dự báo, lợi nhuận của QTP sẽ giảm mạnh trong năm 2019 và tăng chậm trở lại nhờ nợ vay giảm. Mức biên lợi nhuận gộp giảm về khoảng 7% sẽ kéo giảm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Công ty. Đồng thời, các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do phân bổ và đánh giá lại cũng sẽ có tác động mạnh tới lợi nhuận thuần của QTP.

Trong các năm tới, QTP dự kiến vẫn sẽ phải ghi nhận 2 khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá gồm có phần còn lại 500 tỷ đồng của khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư cuối năm 2015 đang được doanh nghiệp phân bổ dần trong thời gian 4 năm liên tiếp giai đoạn 2016 – 2019 theo phương pháp phân bổ đường thẳng, mỗi năm khoảng 129 tỷ đồng. Và khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại trong năm của Công ty, khoản lỗ này sẽ giảm dần qua các năm khi QTP dần thực hiện trả nợ.

Nhằm đảm bảo hoạt động điều hành công việc của Công ty, HĐQT của QTP đã họp khẩn cấp và tiến hành miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Duy Hạnh đồng thời chỉ định ông Ngô Sinh Nghĩa – thành viên HĐQT tạm thời thực hiện chức trách, nhiệm vụ của Chủ tịch HĐQT. Lãnh đạo EVNGENCO1 cũng đã làm việc với lãnh đạo và Công đoàn QTP để ổn định tâm lý của các cán bộ công nhân viên trong Công ty. Hiện nay, các hoạt động công tác hằng ngày của QTP vẫn diễn ra bình thường, không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh chung.

Phương Nguyễn

FILI

Các tin tức khác

>   VNDS: Thông báo thời gian họp và link cung cấp tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 (09/04/2019)

>   Bức tranh ngành hàng không sẽ ra sao khi có thêm hãng bay? (Kỳ 1) (10/04/2019)

>   PGD đặt kế hoạch lãi 190 tỷ đồng, đi lùi so năm trước (09/04/2019)

>   Cổ đông lớn nhất của Coteccons phản đối thương vụ sáp nhập với Ricons (09/04/2019)

>   TCBS: Nghị quyết HĐQT về việc giao dịch mua/bán trái phiếu VPL2019 (09/04/2019)

>   HDBS: Đính chính giải trình BCTC năm 2018 (09/04/2019)

>   DTT: Thông báo ngày ĐKCC tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 (09/04/2019)

>   PAC: Báo cáo thường niên năm 2018 (09/04/2019)

>   CTC: Giải trình ý kiến ngoại trừ trên BCTC tổng hợp (09/04/2019)

>   ĐHĐCĐ BED: Chia cổ tức 2018 tỷ lệ 93% (09/04/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật