Gay cấn cuộc đua thị phần giao hàng
Đầu tư vốn mạnh mẽ cùng việc gia tăng sử dụng công nghệ hiện đại đã “vô tình” biến cuộc chiến trong mảng giao hàng tại Việt Nam ngày càng “căng thẳng” hơn.
Thị trường giao nhận hàng tại Việt Nam đang trở nên "chật chội" khi có nhiều đối thủ muốn nhảy vào "so găng".
|
Với sự phát triển của công nghệ, thị trường giao nhận, đặc biệt ở phân khúc giao nhận hàng hóa, thức ăn hiện không còn là độc tôn của VNPost, Viettel Post, Kerry, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm... Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử (Vecom), mặc dù vẫn giữ thị phần hàng đầu nhưng Vietnam Post và Viettel Post đang mất một lượng khách hàng đáng kể vào tay các đơn vị giao nhận khác, đặc biệt ở hai trung tâm thương mại điện tử là Hà Nội và TP HCM. Thậm chí tại TP HCM, mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp chuyển phát rất cao, đơn vị nắm giữ thị phần cao nhất là Viettel Post cũng chỉ có khoảng 28%, sau đó là Vietnam Post 15%, EMS 10%, Giao hàng nhanh 5%, Giao hàng tiết kiệm 7%. Các doanh nghiệp chuyển phát khác chiếm tới 43%.
Ở Hà Nội, số đơn vị thuê Viettel Post đang chiếm áp đảo với hơn 52%, Vietnam Post là 20%, EMS 4%, Giao hàng nhanh 10%, Giao hàng tiết kiệm là 9%. Các doanh nghiệp chuyển phát khác chỉ chiếm 20%, thấp hơn tại TP HCM. Tuy nhiên, theo nhận định của Vecom, nhìn chung các doanh nghiệp chuyển phát đang trên đà phát triển tốt. Tốc độ tăng trưởng trung bình năm 2018 so với năm 2017 của các doanh nghiệp chuyển phát tham gia khảo sát là 70%, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp thấp nhất vẫn đạt 30% và có 3 doanh nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng trên 100%.
Nhận định về thị trường giao hàng hiện nay, ông Lương Duy Hoài, Tổng giám đốc Công ty Scommerce.asia (công ty mẹ của hai đơn vị Giao hàng nhanh và Ahamove), với sự xuất hiện của các nền tảng giao hàng công nghệ như Grab, Lalamove hay Ahamove với mô hình giao hàng tức thời và sự linh hoạt có được từ hàng trăm ngàn tài xế cùng người giao hàng (shipper) tự do sẽ trở thành đối thủ chính của các doanh nghiệp giao hàng truyền thống trong các năm tiếp theo.
“Thị trường TMĐT tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 1,5 - 2% thị trường bán lẻ, trong những năm tiếp theo con số này sẽ tăng lên đến 10 - 15%. Từ đó, kéo theo nhiều doanh nghiệp ngoại lớn sẽ tiếp tục đầu tư để chiếm lĩnh thị trường giao hàng trong những năm tiếp theo”, ông Hoài nói.
Còn theo ông Đỗ Xuân Quang, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Việt Nam là một trong những thị trường phát triển TMĐT nhanh nhất Đông Nam Á. Do đó, tốc độ phát triển của thị trường cung cấp dịch vụ vận chuyển giao hàng nhanh sẽ rất lớn. Ước chừng trong vòng từ 5 - 10 năm nữa, giá trị thị trường vận tải hàng hóa trực tuyến tại Việt Nam có thể sẽ vào khoảng 10 tỉ USD. Đây là miếng bánh béo bở đối với các doanh nghiệp Việt, nhưng nếu không có sự chuẩn bị rõ ràng, thị trường này sẽ lại đi theo vết xe đổ của ngành logistics, đó là để doanh nghiệp ngoại bành trướng và chiếm tới hơn 60% thị phần hiện nay.
“Để tận dụng tối đa nguồn lực của các doanh nghiệp trong nước, trước tiên, bản thân các doanh nghiệp phải tự vận động, thay đổi tư duy, nhận thức, chiến lược, phát triển liên tục không ngừng về công nghệ. Đồng thời, cần sự hỗ trợ về các chính sách, hạ tầng từ phía nhà nước”, ông Quang cho biết.
Một khảo sát gần đây của Temando đã cho thấy, 80% khách hàng muốn được vận chuyển hàng mua trong ngày, 61% muốn tốc độ nhanh hơn, trong vòng 1 - 3 giờ. Vì thế, sau hợp tác với DHL eCommerce, Sen Đỏ bắt tay với GrabExpress triển khai gói dịch vụ "Giao hàng siêu tốc 3 giờ". Và nói như ông Trần Hải Linh - Tổng giám đốc Công ty CP Sen Đỏ, "điểm hơn nhau của các dịch vụ giao nhận nằm ở tốc độ giao hàng nên các doanh nghiệp phải biết hợp tác, tận dụng thế mạnh của nhau".
Nguyễn Việt
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|