Taxi lại kiện Grab: Khi quản lý chưa “chạy” kịp thời đại 4.0
Trong khi vụ kiện giữa hãng taxi Vinasun và Cty TNHH Grab vẫn chưa đi tới hồi kết thì thông tin Hiệp hội Taxi Đà Nẵng đang chuẩn bị hồ sơ để kiện Grab vì hoạt động chui, gây thiệt hại cho 8 hãng taxi trên địa bàn thành phố khiến nhiều người ngao ngán. Bởi, chưa biết bên nào đúng sai nhưng câu chuyện quản lý trong thời đại 4.0 bị bỏ ngỏ đang làm thiệt hại cho người dân và chính phủ.
Nhà nước cần có quy định mới về quản lý các doanh nghiệp, dịch vụ trong thời đại 4.0 như Grab. Ảnh: P.V
|
Mâu thuẫn lợi ích giữa truyền thống và hiện đại
Hiệp hội Taxi Đà Nẵng cho rằng, mục đích của việc khởi kiện là làm rõ những dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách của Grab, qua đó đòi lại quyền lợi cho taxi truyền thống.
Trước đó, ngày 25.11.2016, UBND TP.Đà Nẵng có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đề nghị tạm thời chưa triển khai dịch vụ Grab tại Đà Nẵng, cho đến khi hoàn thiện các quy định để quản lý loại hình này. Tại thời điểm đó, ý kiến này của Đà Nẵng đã vấp phải sự phản ứng của người dân cũng là khách hàng của cả hai loại hình taxi truyền thống và Grab. Bởi, một dịch vụ mới có nhiều ưu điểm như hiện rõ bản đồ đường đi, thông báo giá tiền, đặc biệt là cách tương tác thân thiện với người dùng qua ứng dụng trên điện thoại đã chiếm ưu thế hơn các dịch vụ truyền thống thì mong muốn được thụ hưởng dịch vụ này của người dân và du khách tại Đà Nẵng là điều tất yếu.
Sau hơn 2 năm được thí điểm, Grab và các ứng dụng công nghệ tương tự đã phần nào thúc đẩy các dịch vụ truyền thống thay đổi cách hoạt động, tạo tiện ích hơn cho khách hàng. Thế nhưng, thay vì cạnh tranh lành mạnh, đã có những hành động “xấu xí” của các hãng taxi truyền thống như vụ hàng loạt xe taxi đình công, không nhận khách tại sân bay Đà Nẵng hồi tháng 11.2018 để phản đối Grab.
Quản lý thời đại 4.0 chưa rõ, bất công bằng với các bên
Ngay khi từ chối thí điểm với Grab, Sở GTVT Đà Nẵng cho rằng, về cơ bản loại hình kinh doanh vận tải của Grab có hoạt động tương tự loại hình kinh doanh vận tải bằng xe taxi, khi đưa vào hoạt động sẽ làm gia tăng số lượng xe được cấp phép hoạt động theo quy hoạch của thành phố đã phê duyệt năm 2012 đến 2020, tầm nhìn đến 2030.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ GTVT chưa có quy định để địa phương quản lý loại hình hoạt động này một cách chặt chẽ, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.
Điều này cho thấy, Việt Nam chưa có cách quản lý phù hợp, không chỉ với Grab mà là các hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong thời đại 4.0. Bởi, nếu các hãng taxi được kiện Grab vì gây thiệt hại cho họ thì doanh nghiệp này sẽ còn bị nhiều đơn vị khác về vận chuyển hàng, mua thức ăn, thậm chí đến ông xe ôm cũng có thể đi kiện vì đụng chạm đến lợi ích.
Ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho rằng, việc quản lý Grab như taxi truyền thống là không hợp lý. “Nếu giờ chúng ta quản lý Grab như taxi truyền thống thì tất cả về con số 0, còn gọi gì là 4.0” - ông Liên nói.
Từ thực tế đó, mới đây, phía Grab đã gửi đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về mô hình quản lý đối với hệ sinh thái đặt xe qua ứng dụng trực tuyến (dịch vụ GrabCar và các dịch vụ tương tự). Những đề xuất này nêu rõ, mặc dù đã đăng ký hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) với Bộ Công Thương, tuy nhiên, Grab đề xuất phân loại dịch vụ đặt xe qua ứng dụng trực tuyến là Dịch vụ kết nối vận tải. Cơ quan quản lý có thể áp dụng những quy định, điều kiện phù hợp và đặc thù đối với các nhà cung cấp dịch vụ kết nối vận tải, bên cạnh những quy định TMĐT hiện hành.
Loại hình xe hợp đồng được kết nối thông qua dịch vụ kết nối vận tải thì có những điểm tương đồng với taxi truyền thống.
Tuy nhiên, hai loại hình này có nhiều khác biệt quan trọng về cách thức vận hành, công cụ tính cước và nhận diện xe như cách đón khách... Do đó, bên cạnh những tiêu chuẩn chung, cần có những phân biệt trong quy định dành cho hai loại hình - phương tiện taxi được kết nối qua ứng dụng trực tuyến (taxi công nghệ) và phương tiện taxi sử dụng đồng hồ tính tiền taxi meter (taxi truyền thống).
Thùy Trang
Lao Động
|