Điều chỉnh lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư Quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thông tư này quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động mà các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thường xuyên duy trì, bao gồm: Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, trừ tỷ lệ an toàn vốn áp dụng đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước; hạn chế, giới hạn cấp tín dụng; tỷ lệ khả năng chi trả; tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn; tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; giới hạn góp vốn, mua cổ phần; tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi.
Đối tượng áp dụng được thay đổi trong Dự thảo mới so với Thông tư 36 gồm Ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Đồng thời, dự thảo mới sửa đổi, bổ sung một số khái niệm về khoản phải đòi, kinh doanh bất động sản, lợi nhuận không chia, cấp tín dụng, dư nợ cấp tín dụng, khái niệm sản phẩm phái sinh...
Đáng chú ý, NHNN đưa ra hai phương án điều chỉnh lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn.
Phương án 1:
- Từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2020: tối đa 40%;
- Từ 01/7/2020 đến hết ngày 30/6/2021: tối đa 35%;
- Từ 01/7/2021: tối đa 30%.
Phương án 2:
- Từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2020: tối đa 40%;
- Từ 01/7/2020 đến hết ngày 30/6/2021: tối đa 37%;
- Từ 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022: tối đa 34%;
- Từ 01/7/2022: tối đa 30%.
Các cấu phần xác định tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn được kế thừa quy định tại Thông tư 36.
Theo số liệu cập nhật từ NHNN, tính đến hết quý 1/2019, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống đạt 28.77%. Trong đó NHTM Nhà nước là 31.56%; NHTM cổ phần là 32.94%.
|
Áp dụng hệ số rủi ro 150% đối với cá nhân vay phục vụ đời sống từ 3 tỷ đồng
Ngoài ra, Dự thảo còn điều chỉnh, làm rõ hệ số rủi ro đối với một số khoản phải đòi là 50% áp dụng cho khoản cho một số khoản cho vay.
Theo đó, hệ số rủi ro 50% áp dụng với các khoản phải đòi được bảo đảm toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, là khoản cho vay để phục vụ hoạt động kinh doanh theo quy định của Ngân hàng Nhà nước quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thứ hai, là khoản cho vay cá nhân để khách hàng mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án của Chính phủ.
Thứ ba, là khoản cho vay cá nhân để khách hàng mua nhà có giá trị dư nợ gốc dưới 1.5 tỷ đồng.
Trường hợp hệ số rủi ro 150% áp dụng đối với khoản phải đòi đối với cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống mà dư nợ gốc của một khách hàng có giá trị từ 3 tỷ đồng trở lên.
Quy định này thể hiện thông điệp của NHNN kiểm soát cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến bất động sản để mua nhà ở phân khúc cao cấp, gián tiếp yêu cầu ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNNg) cần dự trữ thêm vốn đối với lĩnh vực bất động sản có tiềm ẩn rủi ro. Do đó, ngân hàng, chi nhánh NHNNg cần kiểm soát dư nợ cho vay cá nhân để phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến bất động sản ở phân khúc cao cấp.
Đồng thời, quy định về tăng hệ số rủi ro này là một thông điệp để tạo động lực cho các ngân hàng, chi nhánh NHNNg sớm chuẩn bị sẵn sàng cho việc tuân thủ Thông tư 41 kể từ ngày 01/01/2020. Ngoài ra, không ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn để mua nhà ở xã hội, mua nhà theo các chương trình, dự án của Chính phủ, nhà ở có giá trị dư nợ gốc dưới 1.5 tỷ đồng/căn cũng như nhu cầu vay vốn để phục vụ sinh hoạt thiết yếu hàng ngày của khách hàng (hệ số rủi ro không thay đổi).
Thông tư này không áp dụng đối với ngân hàng được đặt vào kiểm soát đặc biệt và ngân hàng chưa đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư này và được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.
Tài liệu tham khảo:
du-thao-sua-doi-thong-tu.pdf
Hàn Đông
FILI
|