Dầu WTI quay đầu giảm sau 3 phiên tăng liên tiếp
Các hợp đồng dầu WTI tương lai vào ngày thứ Tư (24/04) đã quay đầu giảm nhẹ từ mức cao nhất kể từ tháng 10/2018, khi đà tăng mạnh của dự trữ dầu thô tại Mỹ đã khiến dầu WTI chứng kiến phiên suy giảm đầu tiên trong 4 phiên, MarketWatch đưa tin.
Các hợp đồng dầu Brent tương lai xoay sở để tăng vài xu khi những người tham gia thị trường năng lượng đánh giá khả năng các nhà sản xuất nhanh chóng gia tăng nguồn cung trong động thái phản ứng với hành động cứng rắn hơn của Mỹ đối với thị trường dầu mỏ Iran.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 trên sàn Nymex lùi 41 xu (tương đương 0.6%) xuống 65.89 USD/thùng, sau khi khép phiên ngày thứ Ba (23/04) tại mức cao nhất kể từ ngày 29/10/2018, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn nhích 6 xu (tương đương gần 0.1%) lên 74.57 USD/thùng, đánh dấu mức đóng cửa cao nhất khác kể từ cuối tháng 10/2018.
Vào ngày thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa tăng 5.5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 19/04/2019, thấp hơn dự báo vọt 6.9 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API), nhưng trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 500,000 thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Bên cạnh đó, EIA cũng cho biết dự trữ xăng sụt 2.1 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn dự báo giảm 1.1 triệu thùng từ một cuộc thăm dò. Còn dự trữ các sản phẩm chưng cất mất 700,000 thùng, thấp hơn dự báo giảm 1 triệu thùng từ cuộc thăm dò của Platts.
Đà leo dốc nhiều phiên của dầu thô xảy ra sau khi Mỹ quyết định chấm dứt việc miễn trừ đối với các quốc gia nhập khẩu dầu từ Iran, như một phần trong nỗ lực của Chính quyền ông Trump để kéo kim ngạch xuất khẩu của Iran về 0. Các lệnh miễn trừ hiện tại sẽ hết hạn vào ngày 02/05 tới.
Có suy đoán rằng việc thắt chặt các lệnh trừng phạt Iran và Venezuela có thể khiến chấm dứt thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các thành viên trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào tháng 6/2019. Các nhà phân tích cho hay thỏa thuận cắt giảm sản lượng đang giúp giá dầu ổn định trong bối cảnh sản lượng tại Mỹ gia tăng.
Chính quyền ông Trump cho biết các thành viên OPEC khác như Ả-rập Xê-út và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sẽ đảm bảo cung cấp đủ lượng dầu. Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út, Khalid al-Falih, cho hay vào ngày thứ Tư rằng “chúng tôi vẫn tập trung vào việc cân bằng thị trường dầu mỏ toàn cầu”.
S&P Global Ratings đã nâng dự báo giá bình quân của dầu WTI cho những tháng còn lại trong năm 2019 và 2020 thêm 5 USD/thùng lên 55 USD/thùng. Cơ quan này duy trì dự báo giá dầu Brent trong năm 2019 và 2020 ở mốc 60 USD/thùng, nhưng hạ dự báo giá xuống 55 USD/thùng trong năm 2021 và các năm về sau.
“Rủi ro ngày càng tăng đối với giá dầu bao gồm khủng hoảng ở Venezuela và tuyên bố gần đây của Mỹ về việc chấm dứt miễn trừ trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Iran. Tuy nhiên, chúng tôi dự đoán rằng Ả-rập Xê-út cùng với các đồng minh có thể dễ dàng gia tăng sản lượng để lấp đầy bất kỳ khoảng trống nào”, các chuyên gia phân tích nhận định.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng xăng giao tháng 5 lùi 0.2% xuống 2.129 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 5 mất 0.9% còn 2.099 USD/gallon.
Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 5 tiến 0.3% lên 2.462 USD/MMBtu.
An Trần
FIli
|