Các chiến lược 5 năm mà giới trẻ nên áp dụng để trở nên giàu có
Không có định nghĩa chính xác nào dành cho từ “giàu có” – mỗi người lại có một định nghĩa khác nhau về từ này.
“Tôi quen khá nhiều người có thu nhập ít hơn 50,000 USD mỗi năm nhưng họ vẫn tự xem bản thân là giàu có, bởi vì họ có sức khỏe, gia đình và bạn bè”, Douglas A. Boneparth, Nhà hoạch định tài chính kiêm Chủ tịch của Bone Fide Wealth, người đưa ra những kế hoạch tài chính và lời khuyên cho những người nhiều tiền thuộc thế hệ Millennial, trả lời với Business Insider.
Nhưng khi nói đến những đồng USD, nó giúp chúng ta hiểu được rằng top 1% những người có thu nhập cao nhất nước Mỹ kiếm được bao nhiêu và tài sản ròng của họ có những gì. “Xét theo khía cạnh thu nhập, top 1% hộ gia đình có thu nhập cao kiếm được khoảng 430,000 USD”, ông Boneparth nói. “Xét theo khía cạnh tài sản ròng, thì họ có khoảng 10 triệu USD”.
Liệu bạn sẽ định nghĩa giàu có là kiếm được 50,000 USD, 100,000 USD, 1 triệu USD hay 10 triệu USD – hay bạn định nghĩa sự giàu có bằng chất lượng cuộc sống nói chung – dù sao đi nữa thì không bao giờ là quá sớm để bắt đầu tích cóp tài sản. Tác giả bài viết đã trao đổi với ông Boneparth để tìm ra những bước đi quan trọng mà những người thuộc thế hệ Millennial nên làm tại những mốc tuổi quan trọng của họ để tạo nên sự giàu có cho bản thân.
25 tuổi: Định hình mục tiêu
Lúc này là khoảng thời gian để bạn tập trung vào việc xác định, định lượng và thiết lập độ ưu tiên cho những mục tiêu của bạn, ông Boneparth cho biết.
“Hãy xây dựng một nền tảng vững chắc cho việc tiết kiệm bằng cách nắm bắt được dòng tiền. Có nghĩa là phải xem xét dữ liệu”, ông Boneparth nói. “Bạn đã dùng tiền để chi tiêu cho những gì trong vòng 6 đến 12 tháng qua? Bạn có thể liên tục tiết kiệm được cái gì? Hãy vạch rõ một phong cách sống thoải mái và thực tế”.
Hãy cùng xét đến Brandon Copeland, vận động viên tham gia Giải bóng bầu dục Mỹ (NFL): 27 tuổi, anh ấy đã tiết kiệm gần như toàn bộ tiền lương của anh. Trước đó, anh trả lời Business Insider rằng việc tiết kiệm không phụ thuộc vào việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền – mà phụ thuộc vào việc bạn đã chi bao nhiêu tiền. Tiết kiệm tiền bắt đầu với việc theo dõi mức tiêu xài hàng ngày của bạn, việc làm này sẽ giúp bạn biết được nên cắt giảm chi tiêu ở khoản nào, Copeland nói.
Thực tế, những năm lưng chừng của tuổi đôi mươi này là thời điểm mà bạn tiêu xài ít nhất, Alicia Butera, Chuyên gia hoạch định tài chính tại Planning Within Reach, cho biết. Đây là thời điểm bạn bắt đầu thực sự kiếm ra tiền nhưng vẫn sống theo cách sống hồi còn học Đại học, điều đó giúp bạn tiến đến việc có mức thu nhập tốt, bà Butera nói: “Tiết kiệm từ khi còn trẻ là việc làm tất yếu và quan trọng nhất đối với việc tích lũy – thời gian bạn có càng nhiều thì lợi ích bạn nhận được càng lớn”.
30 tuổi: Tiếp tục xây dựng nền tảng
“Nếu bạn vẫn chưa xây dựng được nền tảng cho bản thân tại thời điểm này, thì đừng trì hoãn thêm nữa”, ông Boneparth nói. “Bạn nên tập trung vào thực hiện những mục tiêu ngắn hạn ví dụ như dự trữ tiền mặt, lập những khoản thanh toán tiêu chuẩn cho khoản nợ sinh viên và/hoặc tiết kiệm để mua thứ gì đó mà bạn muốn có trong nhiều nhất là 4 năm nữa (ví dụ như mua một ngôi nhà chẳng hạn)”.
Business Insider đã tìm hiểu về khoản tiền mà một người cần phải tiết kiệm hàng tháng để mua được một căn nhà ở tuổi 35. Nếu bạn bắt đầu tiết kiệm từ năm 30 tuổi để có thể trả trước 10% cho một căn nhà trị giá 250,000 USD, thì bạn cần phải tiết kiệm 400 USD một tháng – còn nếu để có thể trả trước 20% cho căn nhà thì bạn phải tiết kiệm gấp đôi, tức là 800 USD một tháng. Nếu bạn bắt đầu tiết kiệm từ sớm hơn vào năm 25 tuổi, thì bạn nên tiếp tục để dành 192 USD một tháng để trả trước 10% hoặc 284 USD một tháng để trả trước 20% số tiền để mua căn nhà như trên.
Bạn cũng nên tiết kiệm tiền mặt trong những tài khoản tiết kiệm lãi suất cao hoặc trong những quỹ thị trường tiền tệ và tận dụng bất kỳ khoản đóng góp hưu trí phù hợp nào.
35 tuổi: Tập trung vào những mục tiêu dài hạn
“Bắt đầu tiết kiệm nhiều hơn cho việc nghỉ hưu và các mục tiêu dài hạn nếu như bạn đã hoàn thành những mục tiêu ngắn hạn hoặc nếu bạn có khả năng tiết kiệm nhiều hơn”, ông Boneparth nói, đồng thời cho biết thêm rằng bạn nên tự động hóa tất cả các khoản tiết kiệm. “Xa mặt thì cách lòng. Nếu bạn không thật sự cầm tiền trong tay thì việc tự động tăng khoản tiền tiết kiệm sẽ trở nên dễ hơn nhiều”.
Tự động hóa tài chính của bạn là bước đầu tiên “quan trọng nhất” để bắt đầu tích lũy tài sản, theo David Bach, tác giả cuốn sách “Triệu phú tự động”, cho biết.
Ông Bach gọi việc đó là “kế hoạch chi tiêu cho bản thân trước” – tự động hóa tài khoản của bạn để một phần tiền lương của bạn tự động chuyển vào kế hoạch 401(k) (một quỹ hưu trí tư nhân của Mỹ) hoặc chuyển vào tài khoản tiết kiệm trước khi bạn được nhìn thấy số tiền đó, ông Bach trả lời với Business Insider trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên Facebook rằng: “Khi số tiền đó được chuyển đi trước khi bạn chạm được vào nó, thì đó là lúc bạn biết được tài sản thật sự của bạn đang được tạo nên”.
Phóng viên Tanza Loudenback của Business Insider đã tiết kiệm được gấp đôi trong năm 2018 bằng cách tự động hóa việc tiết kiệm của cô bằng tài khoản tiết kiệm lãi suất cao của Ally Bank, một ngân hàng khác với ngân hàng mà cô đăng ký tài khoản vãng lai.
40 tuổi: Nhìn lại các mục tiêu
“Quay trở lại với các nguyên tắc cơ bản và phân tích lại dòng tiền”, ông Boneparth nói. “Tiếp tục chi tiêu và tiết kiệm có kỷ luật. Hãy xem thử liệu những mục tiêu của bạn có bị thay đổi không hoặc xem thử bạn có cần thay đổi việc gì không”.
Các mục tiêu tài chính của bạn có khả năng thay đổi nếu như bạn bước vào những năm được xem là đoạn giữa của sự nghiệp. Đây là thời điểm bạn có khả năng kiếm được mức thu nhập cao nhất, vì vậy bạn nên tập trung vào những nguồn lực từ bên ngoài – ví dụ như thuê một người kế toán để tính toán các loại thuế giúp bạn – như vậy, bạn có thể tập trung vào sự nghiệp và mở rộng mức thu nhập và lợi nhuận, theo bà Butera.
Còn điều gì khác mà bạn nên xem lại nữa không? Có, đó là tài sản ròng của bạn và bạn nên làm việc này 2 lần 1 năm, dựa theo thông tin mà Nhà hoạch định tài chính Sophia Bera viết trong quyển sách “Những kiến thức về tiền mà bạn nên học, nhưng chưa bao giờ học”. Xem lại quá trình bạn đang thực hiện để đạt được những loại tài sản ròng sẽ giúp bạn giữ đúng con đường hướng đến những mục tiêu khác.
Vũ Hạo (Theo Business Insider)
Fili
|