Việt Nam phấn đấu xuất khẩu 3,6 tỷ USD trái cây năm 2020
Năm 2018, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 3,8 tỷ USD, tăng trên 47% so năm 2017, trong đó ước tính các sản phẩm từ quả chiếm trên 80% tổng giá trị...
Theo dự báo của FAO, rau và trái cây có tốc độ tăng trưởng 2,88% trong giai đoạn 2016-2021. Ảnh minh họa
|
Đến năm 2020, Việt Nam kỳ vọng sẽ xuất khẩu 3,6 tỷ USD trái cây, đồng thời tập trung xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng chiếm 30-35% trên tổng sản lượng.
Theo báo cáo từ Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2018, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 3,8 tỷ USD, tăng trên 47,3% so năm 2017.
Trong đó, ước tính các sản phẩm từ quả chiếm trên 80% tổng giá trị. Các loại quả xuất khẩu chủ yếu là thanh long (chiếm 1,1 tỷ USD); kế đó là chuối, chôm chôm, nhãn, vải, xoài, măng cụt, sầu riêng.
Cũng trong năm 2018, hàng rau quả của Việt Nam xuất sang 13 thị trường lớn trên thế giới, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất chiếm 73,1% thị phần, còn lại là các thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Malaysia, Thái Lan, Úc…
Mặt khác, hiện cả nước có khoảng 145 cơ sở chế biến rau, quả quy mô công nghiệp với tổng công suất trên 800.000 tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên, trái cây được đưa vào chế biến còn ít cả về chủng loại và sản lượng.
Riêng miền Nam có 71 cơ sở chế biến, nhưng hầu hết các nhà máy chế biến đều trong tình trạng thiếu nguyên liệu, công suất thực tế chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế.
Cùng với đó, riêng khu vực phía Nam hiện có 14 loại quả có diện tích lớn, trên 10.000 ha/loại. Trong đó, đứng đầu là xoài 80.000ha, chuối 78.000ha, thanh long 53.000ha, cam 44.000ha, bưởi 44.000ha, nhãn 35.000ha, sầu riêng 47.000ha, dứa 33.000ha, chanh 27.000ha…
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trồng cây ăn quả chủ lực, chiếm khoảng 58% diện tích cây ăn quả ở phía Nam; còn vùng Đông Nam bộ chiếm 17%; vùng Duyên hải Nam Trung bộ 15% và vùng Tây Nguyên 10%.
Theo dự báo của FAO, thị trường rau quả có tỷ trọng lớn nhất trong nhóm thực phẩm tươi sống toàn cầu, trong đó, rau và trái cây chiếm tới hơn 59% và có tốc độ tăng trưởng 2,88% trong giai đoạn 2016-2021.
Đặc biệt, trong thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ rau quả tươi và chế biến trên thị trường thế giới dự báo sẽ tăng. Đây có thể coi là cơ hội tốt cho rau quả Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang các thị trường "khó tính" như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…
Từ đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam sẽ đạt trên 3,6 tỷ USD, đồng thời tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng sẽ chiếm 30-35% trên tổng sản lượng.
Để làm được điều đó, Bộ Nông nghiệp cho rằng, việc tổ chức lại sản xuất là vấn đề cấp bách, trong đó chú trọng yếu tố thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn.
Mỗi tỉnh, thành phố nên chọn một số chủng loại cây ăn quả chủ lực, xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới trên địa bàn.
Đồng thời, tuyên truyền vận động nông dân liên kết với nhau tổ chức sản xuất, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, xây dựng vùng trồng tập trung chuyên canh. Đặc biệt là các hợp tác xã kiểu mới với vai trò liên kết sản xuất đảm bảo truy xuất nguồn gốc, kết nối các doanh nghiệp thu mua tiêu thụ sản phẩm.
DUYÊN DUYÊN
VNECONOMY
|