Vì đâu tỷ giá tự do ngày càng thu hẹp với tỷ giá chính thức?
Từ mức chênh lệch hơn 700 đồng vào những tháng cuối năm 2018, đến nay giá USD tự do chỉ còn cao hơn tỷ giá trung tâm vỏn vẹn 250 đồng. Diễn biến ngược chiều của tỷ giá trên các thị trường là điểm đáng chú ý trong quý 1 đầu năm nay. Vậy đâu là yếu tố dẫn dắt xu hướng này?
Diễn biến ngược chiều
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm qua (11/03/2019) tiếp tục nâng tỷ giá trung tâm thêm 4 đồng so với cuối tuần qua, lên mức 22,950 đồng, cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. So với đầu năm nay, tỷ giá trung tâm đã tăng 125 đồng, tương đương 0.55%. Đây là mức tăng đáng kể nếu như so với năm 2018, vì cùng kỳ giai đoạn này năm trước tỷ giá trung tâm chỉ mới tăng vỏn vẹn 0.14%.
Ngược lại, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng và trên thị trường tự do khá ổn định, diễn biến hiếm hoi trong thời gian gần đây. Trong khi giá mua bán tại các ngân hàng gần như không thay đổi trong hơn 2 tháng qua, thì giá USD trên thị trường tự do tiếp tục xu hướng đi xuống, khi đã giảm xấp xỉ hơn 0.2% so với đầu năm nay.
Với xu hướng ngược chiều như trên, giá USD tự do so với tỷ giá trung tâm chỉ còn cao hơn khoảng 250 đồng, giảm mạnh so với mức chênh lệch 700-750 đồng thời điểm đầu quý 4/2018. Điều này không chỉ thể hiện tâm lý đầu tư/đầu cơ trên thị trường phi chính thức gần như đã biến mất, mà còn cho thấy NHNN trong giai đoạn đầu năm nay khá chủ động và linh hoạt trong việc thiết lập chính sách tỷ giá mà vẫn quản lý được thị trường ngoại hối.
Yếu tố hỗ trợ thị trường
Việc tỷ giá trên thị trường chợ đen duy trì xu hướng đi xuống có thể khiến không ít người ngạc nhiên, nhưng nếu nhìn vào những yếu tố tác động lên thị trường hiện nay có lẽ đó là điều tất yếu. Đầu tiên là nguồn cung ngoại tệ tiếp tục được cải thiện theo hướng dồi dào hơn, với dòng chảy từ nhiều kênh duy trì mạnh mẽ trong giai đoạn vừa qua.
Sau khi nhận được 19.1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân và 9.89 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) trong năm 2018, 2 tháng đầu năm nay dòng vốn đầu tư tiếp tục lựa chọn Việt Nam như là một điểm đến tiềm năng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn FDI đăng ký trong 2 tháng đầu năm nay đạt 2.4 tỷ USD, tăng mạnh 75.7% so với cùng kỳ 2018. Dòng vốn FDI giải ngân đạt 2.58 tỷ USD, tăng 9.8% so với cùng kỳ.
Ở dòng vốn FII, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót thêm gần 5.2 tỷ USD, tức là đã hơn 50% của cả năm 2018, dù chỉ mới trôi qua 2 tháng đầu năm. Đáng lưu ý là vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 4.28 tỷ USD, chiếm 82.8% tổng giá trị góp vốn. Với lộ trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước sẽ được đẩy nhanh trong năm nay cũng như hàng loạt ông lớn niêm yết chính thức, thì dòng vốn đầu tư này chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng cao và có khả năng vượt mạnh năm 2018.
Diễn biến trên càng củng cố nhận định dòng vốn đầu tư trực tiếp ở thị trường Trung Quốc sẽ chảy ồ ạt vào Việt Nam như là điểm trú ẩn an toàn trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, trong khi dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ đón đầu cơ hội được nâng hạng của chứng khoán Việt Nam. Thống kê cũng cho thấy từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã mua ròng hơn 3.3 ngàn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.
Ngoài nguồn cung ngoại tệ từ hoạt động đầu tư, các dòng vốn từ kiều hối hay thương mại cũng góp phần hỗ trợ cán cân thanh toán. Sau khi xuất siêu 7.2 tỷ USD trong năm 2018, tháng 1 đầu năm nay tiếp tục xuất siêu 816 triệu USD, dù trước đó ước tính của Tổng cục Thống kê nhập siêu 800 triệu USD. Riêng tháng 2 cũng đang ước tính nhập siêu 900 triệu USD, tuy nhiên tính chung 2 tháng vẫn chỉ đang nhập siêu 84 triệu USD.
Về kiều hối, sau khi đạt kỷ lục 16 tỷ USD trong năm 2018, 2 tháng đầu năm nay cũng chứng kiến dòng vốn này gia tăng mạnh mẽ theo chu kỳ mùa vụ trước tết, ước đạt 1.5-2 tỷ USD, tăng 50-60% so với cùng kỳ năm 2018. Chính những yếu tố trên đã khiến tâm lý găm giữ ngoại tệ gần như không còn.
Nhưng vì đâu NHNN vẫn liên tiếp nâng tỷ giá trung tâm?
Dù nguồn cung ngoại tệ đang có xu thế vượt trội hơn, nhưng việc NHNN liên tiếp nâng mạnh tỷ giá trung tâm trong hơn 2 tháng đầu năm nay có thể khiến nhiều người phải đặt câu hỏi. Nhưng nhìn vào diễn biến thị trường ngoại hối vẫn ổn định trong tầm kiểm soát đã cho thấy những hiệu quả trong chính sách điều hành.
Về yếu tố tác động lên tỷ giá trung tâm, thứ nhất đến từ việc đồng USD trên thị trường quốc tế có xu hướng phục hồi trở lại, khi mà tỷ giá trung tâm có mức độ tham chiếu vào diễn biến đồng USD khá lớn. Cụ thể, sau khi rớt xuống mức thấp nhất ở mức 95 hồi đầu tháng 1, thì chỉ số USD Index hiện đã tăng hơn 2.5% kể từ đó đến nay, lên mức 97.4 điểm. Rõ ràng nếu so với mức tăng của đồng USD so với các đồng tiền chính, thì tỷ giá trung tâm USD/VNĐ theo NHNN tăng 0.5% là chỉ ở mức tương đối.
Thứ hai là NHNN cũng tỏ rõ ý định tranh thủ thị trường đang thuận lợi để tăng cường mua mạnh ngoại tệ gia tăng dự trữ ngoại hối, nhằm bù đắp cho lượng ngoại tệ đã bán ra trong giai đoạn quý 4/2018 để bình ổn thị trường. Chính vì vậy mà cùng với việc nâng tỷ giá trung tâm, ngay từ ngày đầu tiên làm việc của năm nay (02/01/2019), cơ quan này đã tăng mạnh 500 đồng giá mua USD vào ở Sở giao dịch NHNN. Và kết quả đạt được đúng như kỳ vọng, khi NHNN đã mua thêm được hơn 4 tỷ USD, sau khi mua ròng 6 tỷ USD trong năm 2018.
Thứ ba là việc nâng tỷ giá ngay từ đầu năm cũng góp phần giúp hỗ trợ cho hàng xuất khẩu Việt Nam, nhất là khi trong năm 2018 nhiều đồng tiền bị phá giá mạnh so với USD nhưng tiền đồng chỉ giảm ở mức tương đối, khiến lợi thế hàng xuất khẩu Việt Nam bị ảnh hưởng, đặc biệt nếu đặt trong tình hình chính sách bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng như hiện nay.
Ngoài ra, việc nâng tỷ giá linh hoạt ngay từ đầu năm cũng giúp rải đều mức điều chỉnh tỷ giá, tránh việc dồn mức tăng vào những tháng cuối năm mà có thể tác động tiêu cực lên tâm lý thị trường, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu kiểm soát đặt ra. Đây cũng là điều đã diễn ra trong năm 2018.
Chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tự do đã thu hẹp đáng kể từ đầu năm đến nay
|
Dù nguồn cung ngoại tệ đang có xu thế vượt trội hơn, nhưng việc NHNN liên tiếp nâng mạnh tỷ giá trung tâm trong hơn 2 tháng đầu năm nay có thể khiến nhiều người phải đặt câu hỏi. Nhưng nhìn vào diễn biến thị trường ngoại hối vẫn ổn định trong tầm kiểm soát đã cho thấy những hiệu quả trong chính sách điều hành.
|
Phan Thụy
FILI
|