Thứ Sáu, 15/03/2019 08:24

Thách thức niêm yết ngân hàng

Yêu cầu 100% ngân hàng phải niêm yết chậm nhất vào 2020 có thể gặp nhiều thách thức, khi mà một số ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu và chưa rõ có về đích kịp theo Đề án tái cơ cấu đặt ra hay không.

50% ngân hàng chưa niêm yết

Quyết định 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” mới được công bố gần đây gây không ít xôn xao, ngoài các mục tiêu đầy tham vọng về việc phát triển thị trường chứng khoán và gia tăng tỷ trọng dân số tham gia đầu tư, thì đề án trên tỏ ra quan tâm đặc biệt đến ngành ngân hàng.

Cụ thể trong nhóm giải pháp cơ cấu lại hàng hóa trên thị trường chứng khoán, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng TMCP theo hướng đến hết năm 2020, 100% ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức.

Thật ra, giải pháp trên cũng tương ứng với mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8/2018, theo đó cũng yêu cầu đến 2020 là hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Hiện tại trong số 34 ngân hàng hiện nay, chỉ mới có 17 ngân hàng, tương đương tỷ lệ 50% là đã chính thức lên sàn, bao gồm 10 ngân hàng niêm yết trên HOSE là BIDV (BID), VietinBank (CTG), Eximbank (EIB), HDBank (HDB), MBB, Sacombank (STB), Techcombank (TCB), TPBank (TPB), Vietcombank (VCB) và VPBank (VPB); 3 ngân hàng trên HNX là ACB, NCB và SHB; 4 ngân hàng trên UPCoM là BAB, KLB, LPBVIB. Như vậy còn đến 17 ngân hàng (tính luôn 3 ngân hàng bị mua lại 0 đồng) vẫn chưa niêm yết.

Như vậy, còn chưa đến 2 năm nữa để các ngân hàng này phải hoàn thành mục tiêu niêm yết chính thức, một nhiệm vụ không hề dễ dàng nếu xét đến bối cảnh trong quá khứ cũng như tình hình hiện nay. Về phía NHNN, rõ ràng cơ quan này có những động lực và mục tiêu hợp lý để buộc các ngân hàng phải hoàn tất lộ trình niêm yết, không chỉ để gia tăng lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán mà còn kỳ vọng có thể tăng độ minh bạch trong hoạt động của các ngân hàng thông qua thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, việc niêm yết sẽ giúp các ngân hàng tiếp cận được với số lượng nhà đầu tư rộng rãi hơn, từ đó có nhiều điều kiện để tăng thêm vốn, không chỉ là từ các cổ đông hiện hữu, các nhà đầu tư cá nhân mà còn có thể thu hút cả những nhà đầu tư quốc tế, khi việc niêm yết về dài hạn buộc các ngân hàng phải chuẩn hóa hoạt động, báo cáo theo tiêu chí quốc tế.

Các ngân hàng cũng phải có trách nhiệm công bố thông tin hoạt động rõ ràng và thường xuyên hơn khi đã lên sàn, không chỉ giúp thị trường, nhà đầu tư mà ngay cả người gửi tiền có cơ hội đánh giá đầy đủ và chuẩn xác hơn hiệu quả hoạt động của mỗi nhà băng, khi đó buộc các tổ chức này phải luôn nâng cao uy tín, thương hiệu và kiểm soát chặt chẽ hơn các rủi ro, vi phạm trong hoạt động, vì một sai sót xảy ra có thể ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ lên giá cổ phiếu mà còn là hoạt động kinh doanh, như phải đối mặt với áp lực rút tiền hay những hệ quá khó lường khác.

Còn không ít khó khăn

Như đã nói để hoàn thành mục tiêu trên trong thời gian ngắn ngủi còn lại sẽ gặp không ít thách thức. Nhìn lại quá khứ, những năm qua, dù nhà điều hành luôn kêu gọi và chính bản thân các ngân hàng cũng đặt ra kế hoạch niêm yết, nhưng thực tế như thế nào thì chúng ta cũng đã thấy rõ. Các mốc kế hoạch luôn bị bỏ lỡ, trì hoãn, hứa hẹn vì những lý do khách quan lẫn chủ quan. Gần đây nhất như năm 2018 vừa qua, cũng có một lượng lớn nhà băng lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, nhưng cuối cùng chỉ 3 ngân hàng giữ đúng cam kết là Techcombank, HDBank và TPBank.

Thực tế là trong bối cảnh ngành ngân hàng bước vào giai đoạn tái cấu trúc lần 1 giai đoạn 2011-2015 và mới đây là kế hoạch tái cấu trúc lần 2 giai đoạn 2016-2020, thì không ít ngân hàng vẫn đang phải nỗ lực tái cơ cấu theo Đề án tái cấu trúc đã đặt ra, trong đó còn rất nhiền vấn đề, tồn đọng chưa thể giải quyết, nên kế hoạch niêm yết cũng bị ảnh hưởng là tất yếu.

Thực tế trong số những ngân hàng này, có tổ chức thì vẫn còn đau đầu với câu chuyện xử lý nợ xấu, các khoản phải thu tồn đọng, có ngân hàng thì hiệu quả kinh doanh thấp, quy mô vốn quá nhỏ và không thể tăng vốn được trong suốt thời gian dài qua. Theo thống kê của NHNN, tính đến 31/12/2018, có 6 ngân hàng chưa niêm yết vẫn đang có vốn điều lệ khiêm tốn từ 3,000 tỷ đồng đến 3,500 tỷ đồng, gồm Ngân hàng Bản Việt và PGBank đều cùng 3,000 tỷ đồng, SGB (3,080 tỷ đồng), Ngân hàng Bảo Việt (3,150 tỷ đồng), Ngân hàng Nam Á (3,353 tỷ đồng) và Ngân hàng Việt Á (gần 3,500 tỷ đồng).

Rõ ràng khi chưa thể thành công trong lộ trình tái cơ cấu kịp tiến độ kế hoạch, thì hiệu quả của ngân hàng sẽ bị hạn chế, do đó việc niêm yết sẽ không có nhiều thuận lợi và định giá cổ phiếu không thể đạt được điểm tối ưu nhất. Do đó, đối với nhóm ngân hàng này thì chưa biết sẽ xử lý ra sao? Nếu vẫn bắt buộc phải niêm yết đúng hạn thì liệu có mang lại lợi ích tốt nhất cho tổ chức đó.

Đó là còn chưa nói đến nhóm ngân hàng bị mua lại 0 đồng hoặc đang bị kiểm soát đặc biệt, theo đó cần phải có thời gian xử lý nhiều hơn trước khi có thể nghĩ đến câu chuyện tăng thêm vốn, cổ phần hóa trở lại và niêm yết.

Cũng cần nói thêm là lộ trình áp dụng Basel II cũng sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020, trong nhóm các ngân hàng thí điểm ngoài phần lớn các nhà băng đã niêm yết thì cũng có tổ chức cho đến nay chưa niêm yết. Như vậy trong trường hợp việc đáp ứng tiêu chí Basel II của ngân hàng này còn chưa biết có về đích kịp hay không, thì mốc hạn chót niêm yết sẽ tiếp tục là một thách thức.

Dù vậy, trong số 17 ngân hàng chưa niêm yết, thì có một số ngân hàng có khả năng sẽ hoàn thành việc niêm yết ngay trong năm nay khi mà năm 2018 đã bỏ lỡ kế hoạch này, trong đó có thể kể đến như Ngân hàng Phương Đông (OCB), Ngân hàng Nam Á (NamABank). Ngoài ra, các ngân hàng có kế hoạch chuyển từ sàn UPCoM sang HOSE trong năm nay là VIB và LPB.

Rõ ràng khi chưa thể thành công trong lộ trình tái cơ cấu kịp tiến độ kế hoạch, thì hiệu quả của ngân hàng sẽ bị hạn chế, do đó việc niêm yết sẽ không có nhiều thuận lợi và định giá cổ phiếu không thể đạt được điểm tối ưu nhất. Do đó, đối với nhóm ngân hàng này thì chưa biết sẽ xử lý ra sao? Nếu vẫn bắt buộc phải niêm yết đúng hạn thì liệu có mang lại lợi ích tốt nhất cho tổ chức đó.

Phan Thụy

FILI

Các tin tức khác

>   Thủ tướng chỉ thị củng cố vững chắc hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân (14/03/2019)

>   VDS: Tăng trưởng tín dụng 2019 sẽ chậm lại? (13/03/2019)

>   Société Générale thoái 20% vốn ở SeABank sau 10 năm đầu tư (13/03/2019)

>   Ngân hàng đẩy cao tăng trưởng cho vay phục vụ đời sống (13/03/2019)

>   ACB có trở lại như xưa? (13/03/2019)

>   Xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng tại thời điểm xét xử sơ thẩm (12/03/2019)

>   Chứng khoán vẫn nhiều lạc quan dù thị trường tài chính Việt Nam còn thách thức (12/03/2019)

>   Tỷ giá trung tâm tăng thêm 124 đồng so với hồi đầu năm (12/03/2019)

>   ACB: Chị gái của Chủ tịch Trần Hùng Huy đã bán sạch cổ phiếu (12/03/2019)

>   Vì đâu tỷ giá tự do ngày càng thu hẹp với tỷ giá chính thức? (12/03/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật