OPEC hủy bỏ cuộc họp tháng 4, thỏa thuận cắt giảm sản lượng được triển khai tới tháng 6
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dầu lớn khác đã hủy bỏ cuộc họp tháng 4/2019 – vốn đã được lên kế hoạch từ trước, qua đó tạo điều kiện để thỏa thuận cắt giảm sản lượng của liên minh OPEC+ được triển khai tới ít nhất là tháng 6/2019.
OPEC+ trì hoãn quyết định vì họ cho là thị trường dầu vẫn trong tình trạng dư cung trong suốt nửa đầu năm 2019, Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út Khalid al-Falih cho biết tại cuộc họp ủy ban ở Baky, Azerbaijan. Ngoài ra, quyết định trì hoãn cũng cho phép các nhà sản xuất dầu đánh giá liệu các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela (2 thành viên của OPEC) sẽ ảnh hưởng như thế nào tới thị trường dầu trong vài tháng tới, một vài hãng tin ghi nhận.
Nhóm liên minh 14 quốc gia, bao gồm OPEC và một nhóm các quốc gia bên ngoài – dẫn đầu là Nga, đã khởi động vòng cắt giảm sản lượng thứ hai trong tháng 1/2019 sau khi tình trạng dư cung dầu “giáng” đòn nặng nề tới thị trường và giá dầu rơi mạnh vào cuối năm 2018. OPEC+ đã từng cắt giảm sản lượng trong năm 2017, nhưng đã nâng giới hạn sản lượng vào tháng 6/2018, khi giá dầu tăng về gần đỉnh 4 năm và Mỹ chuẩn bị đưa ra lệnh trừng phạt lên Iran – khi đó là nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 của OPEC.
Khi họ đồng ý cắt giảm sản lượng trong tháng 12/2018, liên minh OPEC+ cho biết họ sẽ đánh giá thị trường dầu vào tháng 4/2019, hai tháng trước cuộc họp định kỳ của OPEC trong tháng 6/2019. Thế nhưng, trong ngày thứ Hai (18/03), một ủy ban có nhiệm vụ giám sát thỏa thuận cho biết “các yếu tố cơ bản trên thị trường khó mà thay đổi quá nhiều trong 2 tháng tới”.
Ủy ban Giám sát cấp Bộ trưởng Chung (JMMC) cho biết, họ sẽ gặp vào tháng 5/2019, trong đó cả nhóm OPEC+ sẽ tụ họp vào ngày 25/06/2019 để quyết định xem có nới dài thỏa thuận cắt giảm cho tới cuối năm 2019 hay không.
Vòng cắt giảm sản lượng gần nhất đã thúc đẩy giá dầu phục hồi từ mức đáy 18 tháng trong năm nay. Giá dầu WTI đã leo dốc 29% lên hơn 58 USD/thùng, còn giá dầu Brent tăng vọt 25% lên 67 USD/thùng.
OPEC và các đồng minh đang muốn cắt giảm 1.2 triệu thùng/ngày, nhưng một số nhà sản xuất vẫn bơm dầu vượt mức hạn ngạch, bao gồm cả Nga – nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết trong ngày Chủ nhật (17/03) rằng Nga sẽ đạt mục tiêu cắt giảm trong vài tuần tới. Ông cho biết, vẫn còn quá sớm để bàn luận về việc có nên gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng vượt tháng 6/2019.
Helima Croft, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, cho biết OPEC+ có khả năng tiếp tục cắt giảm sản lượng cho tới cuối năm 2019. Tuy nhiên, việc gia hạn thỏa thuận sẽ làm rõ hơn sự bất đồng quan điểm giữa Nga – nơi có các công ty tư nhân sản xuất dầu – và các thành viên của OPEC như Ả-rập Xê-út – nơi các công ty năng lượng quốc doanh góp phần mang lại ngân sách cho quốc gia.
“Các doanh nghiệp Nga ghét phải cắt giảm sản lượng. Họ kiếm lời nhờ khối lượng sản xuất. Nhà nước thì lại tận hưởng đà tăng của giá dầu, vì vậy đối với họ, họ không thích thỏa thuận”, bà nói trên chương trình “Worldwide Exchange” trong ngày thứ Hai (18/03).
“Thế nhưng, đối với Ả-rập Xê-út và phần còn lại của OPEc, giá hiện tại vẫn còn thấp hơn điểm hòa vốn tài khóa, vì vậy họ sẽ muốn giá tăng cao hơn”.
Các nhà sản xuất dầu cũng muốn xem xét liệu Mỹ có thắt chặt các lệnh trừng phạt lên Iran trong tháng 5/2019 hay không, Croft cho hay. Trong tháng 11/2018, chính quyền Mỹ đã khiến OPEC bất ngờ khi cho phép một số khách hàng lớn nhất tiếp tục mua dầu từ Iran (nhưng với số lượng giới hạn) – ngay khi Ả-rập Xê-út đang bơm dầu ở mức kỷ lục.
Các biện pháp miễn lệnh trừng phạt sẽ chấm dứt vào đầu tháng 5/2019.
Tuần trước, đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Iran, Brian Hook, cho biết chính quyền Mỹ tin rằng họ có cơ hội để thắt chặt lệnh trừng phạt đối với Iran vì thị trường dầu đang trong tình trạng dư cung.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|