Dầu WTI leo dốc 4 phiên liên tiếp, trong khi dầu Brent rút khỏi đỉnh năm 2019
Các hợp đồng dầu thô tương lai diễn biến trái chiều vào ngày thứ Năm (14/03), trong đó dầu WTI tăng phiên thứ 4 liên tiếp sau khi dữ liệu gần đây cho thấy nguồn cung nội địa bất ngờ sụt giảm, trong khi đó dầu Brent lại đảo chiều suy yếu sau sự thông báo trì hoãn trong thảo luận thương mại Mỹ - Trung và sự chậm lại trong cắt giảm sản lượng của OPEC, MarketWatch đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4 trên sàn Nymex tiến 35 xu (tương đương 0.6%) lên 58.61 USD/thùng, tăng phiên thứ 4 liên tiếp. Hợp đồng này đã đóng cửa tại mức cao nhất kể từ giữa tháng 11/2018, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Trong khi đó, hợp đồng dầu Brent giao tháng 5 trên sàn Luân Đôn lùi 32 xu (tương đương 0.5%) xuống 67.23 USD/thùng. Hợp đồng này đã khép phiên trước đó tại đỉnh 4 tháng.
“Sự sụt giảm của nguồn cung dầu tại Mỹ được công bố hôm thứ Tư (13/03) được tiếp nhận ngay như một thông tin tích cực, nhưng lí do cơ bản cho đà sụt giảm này mới là sự phát triển cho đà tăng thật sự”, Tyler Richey, Đồng biên tập tại Sevens Report, nhận định. “Sản lượng dầu thô nội địa suy giảm lần đầu tiên trong năm nay… trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu ròng vẫn chịu sức ép khi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela là yếu tố chính khiến nhập khẩu sụt giảm”.
Hôm thứ Tư (13/03), Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa bất ngờ sụt 3.9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 08/03/2019. EIA cũng cho biết tổng sản lượng dầu thô nội địa đã suy giảm từ mức cao kỷ lục, mất 100,000 thùng còn 12 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, trong một báo cáo định kỳ hàng tháng công bố vào ngày thứ Năm, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết sản lượng của các thành viên đã giảm trong tháng 2/2019, nhưng thấp hơn rất nhiều so với cam kết của Tổ chức này đối với thị trường.
Báo cáo này cũng dự báo tăng trưởng nhu cầu toàn cầu trong năm 2019 không thay đổi so với tháng trước, ở mức 1.24 triệu thùng/ngày, với tổng nhu cầu dự kiến đạt 99.96 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, nhu cầu dầu thô OPEC được dự báo là 30.5 triệu thùng/ngày, thấp hơn 1.1 triệu thùng/ngày so với mức dự báo hồi năm 2018.
Bên cạnh đó, giá dầu đã suy yếu vào đầu phiên ngày thứ Năm sau khi các báo cáo cho biết cuộc họp về thương mại giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, có thể bị trì hoãn. Điều này đã góp phần làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nhu cầu chủ yếu do xung đột thuế quan kéo dài.
Bloomberg News đưa tin vào sáng ngày thứ Năm rằng cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập sẽ bị trì hoãn cho đến ít nhất tháng 4/2019. Điều đó cùng với dữ liệu kinh tế ảm đạm hơn kỳ vọng từ Trung Quốc đã góp phần vào đà suy giảm của các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ trong ngày thứ Năm, từ đó, dẫn đến tâm lý né tránh rủi ro trên thị trường.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 4 lùi 0.4% xuống 1.850 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 4 mất 0.4% còn 1.985 USD/gallon.
Các hợp đồng khí thiên nhiên vẫn giữ đà tăng trong ngày thứ Năm khi EIA ghi nhận rằng nguồn cung khí thiên nhiên tại Mỹ sụt 204 tỷ feet khối trong tuần kết thúc vào 08/03/2019, gần khớp với dự báo giảm 208 tỷ feet khối từ các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 4 cộng 1.2% lên 2.855 USD/MMBtu.
An Trần
Fili
|