NHTW Nhật Bản rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) giữ nguyên chính sách tiền tệ trong ngày thứ Sáu (15/03), nhưng không còn đưa ra quan điểm lạc quan cho rằng hoạt động xuất khẩu và sản lượng nhà máy vững mạnh sẽ củng cố tăng trưởng. Đây là một lời xác nhận về những rủi ro từ bên ngoài, vốn đã đe dọa tới đà hồi phục kinh tế mong manh của xứ sở hoa anh đào.
Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda
|
Các nhà máy trên toàn cầu đã chững lại trong tháng 2/2019 khi nhu cầu hàng hóa bị tác động bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đà giảm tốc kinh tế toàn cầu và bất ổn chính trị ở châu Âu, trước khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) (hay còn gọi là Brexit).
Đồng tình với quan điểm rủi ro đang gia tăng, BoJ đánh giá bi quan về các nền kinh tế nước ngoài, cho rằng họ đang cho thấy dấu hiệu giảm tốc. Ngoài ra, họ cũng hạ dự báo về hoạt động xuất khẩu và sản lượng.
“Hoạt động xuất khẩu cho thấy sự suy yếu trong thời gian gần đây”, BoJ cho biết trong một tuyên bố về chính sách, đưa ra một cái nhìn ảm đạm hơn tháng 1/2019.
Khép lại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày trong ngày thứ Sáu (15/03), BoJ duy trì cam kết dẫn dắt lãi suất ngắn hạn ở mức -0.1% và lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ở quanh mức 0%. Quyết định này đã được đông đảo nhà đầu tư dự báo từ trước.
BoJ cũng cho rằng nền kinh tế Nhật Bản đang tăng trưởng khiêm tốn, nhưng nói thêm “hoạt động xuất khẩu và sản lượng đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đà giảm tốc của kinh tế nước ngoài”. Trong tháng 1/2019, họ chỉ nói nền kinh tế đang tăng trưởng khiêm tốn.
“Đà giảm tốc mạnh của hoạt động xuất khẩu và sản lượng công nghiệp có thể là vấn đề đáng quan ngại đối với BoJ", Masayuki Kichikawa, Trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô tại Sumitomo Mitsui Asset Management, nhận định. “Hiện nay, bạn có thể vẫn cho rằng đà suy yếu kinh tế chỉ là tạm thời, nhưng giờ thì mọi thứ đã trở nên nguy hiểm hơn. 3 tháng kế tiếp là giai đoạn then chốt”.
Hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong hơn 2 năm trong tháng 1/2019, khi hoạt động xuất khẩu tới Trung Quốc giảm mạnh. Sản lượng hàng hóa từ nhà máy tháng 1/2019 cũng giảm mạnh nhất trong 1 năm, một dấu hiệu cho thấy đà giảm tốc của nhu cầu toàn cầu đang tác động tiêu cực tới các công ty Nhật Bản.
Nhiều quan chức BoJ kỳ vọng nền kinh tế Nhật Bản sẽ hồi phục trong nửa sau năm 2019, khi các kế hoạch kích thích của Bắc Kinh có thể nâng nhu cầu Trung Quốc và củng cố tăng trưởng toàn cầu, dựa trên nguồn tin từ Reuters.
Thế nhưng, vẫn còn lắm bất ổn về việc nhu cầu toàn cầu sẽ phục hồi nhanh chóng như thế nào, qua đó gây thêm khó khăn cho những công ty Nhật Bản vốn đã cảm nhận thấy nỗi đau từ đà giảm tốc của nhu cầu Trung Quốc, các chuyên viên phân tích nhận định.
Mục tiêu lạm phát
BoJ đang đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan. Nhiều năm in tiền mạnh đã làm cạn kiệt thanh khoản thị trường và gây tổn thương tới lợi nhuận của các ngân hàng thương mại, làm dấy lên nỗi lo về rủi ro nới lỏng kéo dài.
Tuy vậy, lạm phát thấp đã buộc BoJ phải theo bước những ngân hàng trung ương lớn khác trong việc giảm bớt các chính sách trong chế độ khủng hoảng, giờ thì họ có ít “đạn dược” để đấu tranh với cuộc suy thoái kế tiếp.
Trong khi Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda khăng khăng cho rằng việc đạt mục tiêu lạm phát 2% vẫn là ưu tiên hàng đầu, các chính trị gia và chuyên gia kinh tế ngày càng lo ngại về mục tiêu lạm phá khi căng thẳng từ nhiều năm lãi suất cực thấp tích lũy.
Gần 2/3 chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters tin rằng mục tiêu tối ưu đối với lạm phát tiêu dùng Nhật Bản là quanh mức 1%.
Trong ngày thứ Sáu (15/03), Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết “mọi thứ có thể đi sai hướng” nếu BoJ nhấn mạnh quá mức tới việc đạt mục tiêu lạm phát 2%. “Chẳng ai trong công chúng sẽ trở nên bực mình ngay cả khi không đạt mục tiêu lạm phát”, ông nói với các phóng viên.
Nỗi lo lớn nhất của các nhà hoạch định chính sách BoJ là đà suy yếu về hoạt động xuất khẩu và sản lượng sẽ gây tổn thương tới tâm lý doanh nghiệp, buộc họ phải trì hoãn kế hoạch chi tiêu vốn và nâng tiền lương.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|