Trung Quốc có thể giảm tốc kinh tế mạnh hơn?
Mặc dù dữ liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc đã chỉ ra rằng đà tăng trưởng của quốc gia này đang lao dốc, nhưng hãy nhìn vào những yếu tố mùa vụ khác – và xem xét cả mức độ ô nhiễm không khí – những tín hiệu đó cho thấy nền kinh tế có thể giảm tốc mạnh hơn nữa, các chuyên gia phân tích cho biết.
Dữ liệu được công bố vào ngày thứ năm (14/03) cho thấy sản lượng công nghiệp Trung Quốc giảm từ 5.7% trong tháng 12/2018 xuống còn 5.3% trong tháng 1-2/2019. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 17 năm của Trung Quốc, theo thông tin của Reuters. Vốn đầu tư tài sản cố định tăng 6.1% và doanh thu bán lẻ tăng 8.2%, hai con số này đều vượt mức dự báo của các chuyên gia phân tích tham gia cuộc khảo sát của Reuters.
Những báo cáo kinh tế vào hai tháng đầu năm của Trung Quốc thường được gộp chung lại vì kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán, dịp lễ này thường diễn ra vào đầu tháng 2. Vì đây là dịp để mọi người đi thăm hỏi gia đình và bạn bè nên dẫn đến việc nhiều cửa hàng kinh doanh trên toàn quốc đóng cửa, đây có thể là nguyên nhân làm suy giảm hoạt động kinh tế.
Năm 2019, còn có nhiều yếu tố khác làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế.
“Vì chiến dịch chống ô nhiễm diễn ra hồi tháng 11/2017 và tháng 3/2018, nên các dữ liệu hoạt động kinh tế của tháng 1-2/2019 có thể đã bị thổi phồng lên từ cơ sở thấp”, Ting Lu, Chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Nomura, và nhóm nghiên cứu của ông đã cho biết trong một báo cáo ngày thứ Năm (14/03).
Chính phủ Trung Quốc đang trong hành trình nhiều năm nhằm giảm mức độ ô nhiễm không khí, loại ô nhiễm này đã khiến nhiều thành phố lớn của Trung Quốc chìm trong làn khói bụi, nhất là vào những tháng mùa đông. Tuy nhiên, để giảm lượng hạt độc hại có trong không khí bắt buộc Chính phủ phải giảm sự phụ thuộc vào những nhà máy đốt than, điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến đà tăng trưởng kinh tế trong một ngắn hạn.
Thông thường vào những ngày đầu năm mới, bầu trời ở khu vực đông nam của Trung Quốc, xung quanh Thượng Hải và Hàng Châu, đều sẽ trở nên u ám hơn nhiều.
Một nhà máy thép ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.
|
“Chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến tỷ lệ thất nghiệp (ưu tiên hàng đầu) và đà tăng trưởng GDP”, Junheng Li, Sáng lập viên của công ty nghiên cứu vốn cổ phần tập trung vào Trung Quốc JL Warren Capital, cho biết trong một báo cáo ngày 19/01/2019. “Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những nhà máy vốn đã ngưng hoạt động trước đây nay hoạt động trở lại ở khu đô thị Thượng Hải, tạo ra lượng khói bụi nghiêm trọng trong thành phố gần như hàng ngày – còn tệ hơn nhiều so với năm 2018”.
Ở phía Bắc, phân tích của Reuters cũng cho thấy “chỉ có 6 trong 39 thành phố có khói bụi ở phía Bắc Trung Quốc đã tìm cách cắt giảm nồng độ của loại hạt độc hại có trong không khí – gọi là PM2.5 – trong suốt chiến dịch chống khói bụi mùa đông vừa diễn ra vào tháng 10/2018”. Bài báo cáo còn cho biết nồng độ trung bình của PM2.5 đã tăng 13% trong giai đoạn vừa qua. Ngoài ra, báo cáo này còn trích dẫn lời phát biểu trong tuần trước (10/03) của một quan chức Chính phủ cho rằng, mặc dù thời tiết là một phần nguyên nhân, nhưng một vài thành phố lại muốn “nghỉ ngơi sau nhiều năm vất vả”.
Đà tăng trưởng sẽ còn chậm hơn
Chính phủ Trung Quốc cho biết họ vẫn duy trì ý định giảm bớt ô nhiễm không khí. Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã phát biểu trong báo cáo công việc hàng năm của Chính phủ rằng các quan chức sẽ tăng cường phòng chống và kiểm soát ô nhiễm trong năm 2019.
Cùng lúc đó, ông Lý cho biết mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Trung Quốc sẽ thấp hơn năm 2018 và nói rằng quốc gia này nên được “chuẩn bị đầy đủ cho một giai đoạn khó khăn”.
Triển vọng kinh tế của Trung Quốc không được tốt cho lắm. Ông Lu của Nomura nhấn mạnh rằng nhu cầu bị dồn nén trong tháng 4-5/2018 đã báo trước dữ liệu hoạt động kinh tế cùng kỳ của những tháng sắp tới trong năm 2019 sẽ “bị ảnh hưởng xấu”. Ông Lu đã hạ mức tăng trưởng GDP dự kiến của quý 1/2019 xuống còn 6.2% so với cùng kỳ năm 2018 và vẫn giữ nguyên dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thấp hơn, ở mức 5.7% trong quý 2/2019.
Năm 2018, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức 6.6%, dựa trên dữ liệu chính thức của Chính phủ, vốn đã là đà tăng chậm nhất kể từ năm 1990. Bắc Kinh cho biết họ đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6-6.5% trong năm 2019.
Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng dữ liệu được công bố vào ngày thứ Năm (14/03) cho thấy phần lớn vốn đầu tư tài sản cố định đến từ bất động sản, trong khi mức tăng trưởng chi tiêu trong những lĩnh vực quan trọng hơn đối với nền kinh tế lại không mấy vững chắc:
- Tăng trưởng của lượng vốn đầu tư sản xuất giảm xuống còn 5.9% trong tháng 1-2/2019, từ mức 11.6% của quý 4/2018.
- Vốn đầu tư cơ sở hạ tầng tăng trưởng 2.5%, giảm từ mức 5.7% của ba tháng trước.
“Dữ liệu được công bố vào ngày thứ Năm (14/03) là hồi chuông cảnh báo thứ ba đối với thị trường chỉ trong vòng 6 ngày, sau dữ liệu kim ngạch xuất khẩu công bố ngày thứ Sáu (08/03) và dữ liệu tín dụng công bố ngày Chủ nhật (10/03)”, Larry Hu, Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Macquarie, nói trong một thông báo của ngày thứ Năm (14/03). “Tất cả những số liệu đó đều dự báo về những cơn gió ngược mạnh mẽ sắp ập đến, khiến thị trường trở về như những năm 2012 (điều chỉnh giảm lợi nhuận và điều chỉnh tăng hệ số lợi nhuận) thay vì là một thị trường con bò như năm 2017 (cả lợi nhuận và hệ số đều được chỉnh tăng).”
Một trong những điểm sáng hiếm hoi có lẽ là sự ổn định trong doanh thu bán lẻ, vốn được ông Hu dự báo tăng trưởng 8% trong năm 2019, thấp hơn một chút so với mức tăng 9% của năm 2018.
Ngày thứ Năm (14/03), chỉ số Shanghai Composite giảm 1.2% và giảm hơn 3.5% trong vòng 5 ngày giao dịch vừa qua. Tuy nhiên, tính đến bây giờ chỉ số này đã tăng 19.9% trong năm 2019.
Trân Võ (Theo CNBC)
Fili
|