Thứ Sáu, 01/03/2019 14:56

Ngừng phiên tòa để làm rõ 2.109 tỉ đồng đứng tên bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Chiều nay 1-3, TAND TP.HCM đã không tuyên án vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ - chủ tịch HĐQT Tập đoàn cà phê Trung Nguyên - như dự kiến mà quyết định ngừng phiên tòa để làm rõ số tiền bà Thảo đứng tên ở ngân hàng.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ - ẢNH: HOÀNG ĐÔNG

Theo kế hoạch, 14h chiều nay, Hội đồng xét xử TAND TP.HCM sẽ tuyên án vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ - chủ tịch HĐQT Tập đoàn cà phê Trung Nguyên.

Gần 14h, nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ xuất hiện tại tòa. Nhiều phóng viên các báo, đài cũng có mặt chờ nghe HĐXX tuyên án.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đến tòa với "bộ cánh" quen thuộc.

 Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đến tòa với "bộ cánh" quen thuộc - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Trong khi bà Thảo xuất hiện với áo sơ mi màu kem.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại tòa chiều 1-3 - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Ông Vũ cho biết ông không quan tâm đến kết quả phiên toà như thế nào. Theo ông, ngoài pháp luật còn có đạo lý, đạo làm người. Ông tin HĐXX sẽ xem xét và ra phán quyết hợp lý.

Lúc 14h05, HĐXX bước vào phòng xử án.

Trở lại làm rõ số tiền 2.109 tỉ đồng

Sau khi nghe ý kiến đại diện VKS, HĐXX quyết định quay trở lại phần hỏi để làm rõ số tiền 2.109 tỉ đồng do bà Thảo đứng tên tại các ngân hàng.

Đại diện nguyên đơn đề nghị tách ra để xem xét về khoản tiền này. Tuy nhiên, đại diện bị đơn cho rằng bị đơn đã có phản tố về khoản tiền này vào năm 2017, sau đó mới rút yêu cầu phản tố. Sau đó, tại phiên toà bị đơn yêu cầu giữ nguyên yêu cầu phản tố ban đầu. Tháng 10-2018 toà án xác minh tại 3 ngân hàng. Theo đại diện bị đơn các khoản tiền và ngoại tệ là các con số rất rõ ràng, khoản tiền nằm trong tài khoản cá nhân của nguyên đơn nên ngoài nguyên đơn ra không ai rút được. Bị đơn đã nộp tiền tạm ứng án phí với yêu cầu phản tố này.

Hội đồng xét xử - - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Sau khi hội ý, HĐXX tạm ngừng phiên toà, yêu cầu các đương sự cung cấp chứng cứ về khoản tiền 2109 tỉ đồng của nguyên đơn tại các ngân hàng theo yêu cầu phản tố của bị đơn.

Phiên toà sẽ mở lại vào 8h ngày 27-3.

Đề nghị chấp nhận yêu cầu ly hôn

Trước đó, ngày 25-2, đại diện Viện KSND TP.HCM (VKS) đã phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu ly hôn theo nguyện vọng của bà Thảo và ông Vũ.

Về nội dung vụ án, VKS cho rằng đối với quan hệ hôn nhân, bà Thảo và ông Vũ kết hôn năm 1998. Năm 2015 bà Thảo làm đơn lý hôn với lý do thời gian gần đây hai bên phát sinh mâu thuẫn trong tư tưởng, suy nghĩ, đời sống vợ chồng, trong việc điều hành công ty. Ông Vũ không quan tâm chăm sóc vợ con trong thời gian ông ở trên núi.

Từ khi bà Thảo khởi kiện đến tháng 6-2017, tại các văn bản nêu ý kiến, ông Vũ không đồng ý ly hôn vì cho rằng mặc dù vợ chồng có bất đồng trong quan điểm sống, bà Thảo có hành xử không đúng chuẩn mực nhưng do tình nghĩa vợ chồng, trách nhiệm và tình thương với các con, cũng như sự nghiệp gây dựng đã 20 năm, ông đề nghị tòa cho thời gian để hai bên hòa giải.

Đến thời điểm 15-6-2017 và tại các buổi làm việc sau đó, ông Vũ đồng ý ly hôn vì mâu thuẫn vợ chồng ngày càng trầm trọng, không thể hàn gắn. Tại phiên hòa giải cuối và phiên tòa 21-2-2019, bà Thảo có nguyện vọng hàn gắn nhưng ông Vũ cương quyết ly hôn nên bà Thảo đề nghị giữ yêu cầu ly hôn. Như vậy, bà Thảo yêu cầu ly hôn, ông Vũ đồng ý, tòa án hòa giải nhưng không thành nên đề nghị giải quyết cho ly hôn theo nguyện vọng.

Về 4 con chung (trong đó có 3 con chưa thành niên), ôngVũ cho rằng nếu các con ở với mẹ thì ông cũng chiều ý các con. Nguyện vọng của 3 trẻ chưa thành niên là sống với mẹ nên việc giao 3 trẻ này cho bà Thảo nuôi dưỡng là phù hợp. Bà Thảo và ông Vũ thỏa thuận cấp dưỡng nuôi con mỗi năm 10 tỉ đồng, từ năm 2013 cho đến khi học xong đại học.

Ai đóng góp nhiều hơn?

Về tài sản chung, đối với Công ty Trung Nguyên Singapore, tòa án đã có quyết định tách vụ án  và tháng 5-2017 tòa án mới nhập vụ án nên không có cơ sở giải quyết trong vụ án này. Đối với số tiền 2.109 tỉ đồng bà Thảo đề nghị được chia, do chưa đảm bảo về tố tụng, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ nên VKS chưa đủ cơ sở vững chắc để giải quyết.

Đối với 13 bất động sản, hai bên đã thống nhất cách chia mỗi bên hưởng 50%. VKS đề nghị HĐXX giải quyết theo phương án bị đơn đưa ra. Bà Thảo được sở hữu các bất động sản đang quản lý, sử dụng (7 bất động sản), ông Vũ sở hữu 6 bất động sản. Bà Thảo trả cho ông Vũ số tiền chênh lệch.

Về số cổ phần, phần vốn góp tại các công ty, tại phiên tòa các bên đều thống nhất về giá trị theo chứng thư thẩm định giá. Về phương án phân chia, bà Thảo đề nghị chia đôi trong tổng số của hai vợ chồng tại các công ty trong khi ông Vũ đề nghị chia cho ông 70% và 30% thuộc bà Thảo sẽ được ông trả bằng tiền.

Theo VKS, tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, luật quy định khi ly hôn nếu hai bên không có thỏa thuận thì được chia đôi. Tài sản chung của vợ chồng chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị.

VKS đề nghị HĐXX xem xét yếu tố hoàn cảnh gia đình của vợ/chồng, công sức đóng góp của mỗi bên trong việc tạo lập, duy trì khối tài sản chung, lỗi vi phạm quyền, nghĩa vụ vợ chồng dẫn đến ly hôn…để có quyết định phân chia tỉ lệ phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên và đảm bảo hoạt động bình thường của các công ty.

Tố tụng còn nhiều thiếu sót

Đại diện VKS nhận định quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý đến khi xét xử, HĐXX đã thực hiện đúng quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS) về thủ tục thụ lý vụ án, về xác định tư cách pháp lý của những người tham gia tố tụng.

Tuy nhiên, theo VKS, thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử có một số thiếu sót, trong đó có việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ. VKS đã có công văn yêu cầu TAND TP.HCM thu thập chứng cứ bổ sung. Về phiên họp giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải, nội dung biên bản hòa giải chưa thể hiện được đầy đủ các vấn đề phải tiến hành theo quy định của BLTTDS 2015.

Về thời hạn chuyển hồ sơ cho VKS, tòa án chuyển hồ sơ cho VKS chưa đủ 15 ngày theo quy định cả BLTTDS 2015.

"Về thủ tục tố tụng cơ bản đã được khắc phục nhưng vẫn còn những thiếu sót do vụ án kéo dài đã 3 năm, một số yêu cầu đã đủ cơ sở giải quyết. Phía nguyên đơn, bị đơn, đại diện các công ty đều có nguyện vọng sớm giải quyết vụ án, chấm dứt các tranh chấp để ổn định cuộc sống, công việc và tránh ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty" - đại diện VKS nêu.

Tuyết Mai

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Cuộc chiến gia tộc giành đế chế sòng bạc tỷ "đô" ở Macau (01/03/2019)

>   Từ bà mẹ bỉm sữa thành nữ tỷ phú USD thứ hai của Nga (01/03/2019)

>   Tại sao khả năng đồng cảm là thế mạnh lớn nhất của một doanh nhân? (02/03/2019)

>   Trung Quốc mất hơn 150 tỷ phú vì đà lao dốc trên thị trường chứng khoán (27/02/2019)

>   Vì sao phụ nữ Thái Lan giỏi kinh doanh? (01/03/2019)

>   Vì sao Bill Gates không bao giờ kiệt sức dù làm việc nhiều (27/02/2019)

>   CEO Đại Việt thành công với triết lý tăng trưởng 1.000 phần trăm (25/02/2019)

>   Mèo của Karl Lagerfeld trở thành 'mèo giàu nhất thế giới' (20/02/2019)

>   Karl Lagerfeld - huyền thoại của Chanel - qua đời ở tuổi 85 (19/02/2019)

>   Vì sao sếp Microsoft chưa thành tỷ phú? (18/02/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật