Mỹ-Trung đàm phán về các chi tiết của thỏa thuận thương mại
Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đang đàm phán từng dòng một trong văn bản thỏa thuận thương mại – vốn có thể được trình lên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau này, dựa trên nguồn thông tin thân cận từ Bloomberg.
Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã tổ chức các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh trong ngày thứ Sáu (29/03), một phần là để đảm bảo không có sự khác biệt trong văn bản phiên bản tiếng Anh và tiếng Trung và cũng để cân bằng số lần viếng thăm tới Thủ đô mỗi nước, theo lời của các quan chức thân cận với vấn đề. Vào tuần tới, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ viếng thăm Washington.
Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (từ trái qua phải)
|
Việc tập trung vào soạn thảo văn bản chung trở thành một vấn đề quan trọng sau khi các quan chức Mỹ phàn nàn rằng văn bản bằng tiếng Trung đã bỏ qua một số cam kết của các nhà đàm phán. Hai bên có sự thấu hiểu khác nhau về nhiều từ ngữ trong văn bản, theo một quan chức.
Việc Mỹ và Trung Quốc tăng cường trao đổi trong thời gian gần đây cho thấy cả hai bên vẫn quyết tâm tiến tới một thỏa thuận mà nhờ đó sẽ tránh được sự leo thang căng thẳng thương mại. Cho tới nay, Mỹ và Trung Quốc đã áp thêm thuế lên tổng cộng 360 tỷ USD hàng hóa lẫn nhau.
Các nhà đàm phán Mỹ lên tiếng quan ngại về việc Trung Quốc không tuân thủ theo thỏa thuận trong những lần trước, còn các quan chức Bắc Kinh lại phản đối các đề xuất mà họ cho là chỉ mang tính một chiều. Các kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bị lùi lại ít nhất một tháng cho tới cuối tháng 4/2019 (sớm nhất).
Trung Quốc muốn Mỹ gỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, nhưng tuần trước, ông Trump cho biết các hàng rào thuế quan này sẽ giữ nguyên thêm một khoảng thời gian “rất dài”.
Trong ngày thứ Năm (28/03), Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết hai bên chỉ gần tiến tới chứ vẫn chưa đạt được thỏa thuận thương mại và Mỹ sẵn lòng tiếp tục đàm phán thêm vài tuần hoặc thậm chí vài tháng để tiến tới một thỏa thuận bền vững.
“Cuộc đàm phán không phụ thuộc vào thời gian mà phụ thuộc vào chính sách và cách thức triển khai”, ông Kudlow cho biết trong một bài phát biểu ở Washington trong ngày thứ Năm (28/03). “Nếu mất thêm vài tuần hoặc vài tháng, thì chúng tôi cũng sẽ tiếp tục. Chúng tôi buộc phải có một thỏa thuận tuyệt vời, như Tổng thống Mỹ đã nói, thỏa thuận đó phải có lợi cho nước Mỹ. Đó là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi”.
Khi Trung Quốc gần tiến tới thỏa thuận với Mỹ, các quan chức muốn duy trì số lần viếng thăm bằng nhau giữa hai bên, quan chức này cho biết. Mặc dù các quan chức đã đàm phán qua điện thoại nhiều lần trong tháng qua, nhưng cuộc đàm phán ở Bắc Kinh lần này là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ tháng 2/2019.
Cơ chế triển khai thỏa thuận
Các lĩnh vực chính mà Mỹ yêu cầu cải thiện bao gồm chính sách đối với sở hữu trí tuệ của Mỹ, mở cửa thị trường cho các công ty Mỹ và đồng ý với một cơ chế triển khai thỏa thuận thương mại, ông Kudlow cho biết. Mỹ đã đề xuất gặp mặt định kỳ để đánh giá xem Trung Quốc có tuân thủ theo các lời hứa về cải cách trong thỏa thuận hay không, ông nói. Chính quyền Trump cũng muốn có khả năng áp thêm thuế lên Trung Quốc – mà không có lời đe dọa đáp trả – nếu Trung Quốc không giữ cam kết, ông nói.
Mỹ tập trung vào các vấn đề dịch thuật trong bối cảnh các nhà đàm phán cảm thấy Trung Quốc đã rút lại một vài cam kết trước đó về vấn đề sở hữu trí tuệ và công nghệ. Sau vòng đàm phán trực tiếp mới nhất, các nhà đàm phán Trung Quốc khiến các quan chức Mỹ cảm thấy bực tức khi gửi sang văn bản về sở hữu trí tuệ, trong đó tất cả khoản mục bị gạch bỏ là những khoản mục đã được ông Robert Lighthizer và ông Lưu Hạc nhất trí, dựa trên nguồn thông tin thân cận.
Trong ngày thứ Năm (28/03), ông Kudlow cho biết Mỹ có thể gỡ bỏ một số hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, nhưng không phải tất cả. “Chúng tôi sẽ không từ bỏ đòn bẩy của mình”, ông Kudlow nhận định. “Điều này không nhất thiết có nghĩa là tất cả hàng rào thuế quan sẽ được giữ nguyên. Một số hàng rào thuế quan sẽ ở lại. Một lần nữa, khi ông Bob Lighthizer (Robert Lighthizer) trở lại, ông ấy sẽ làm sáng tỏ điều đó. Đó là một phần của các cuộc đàm phán và hãy chờ xem”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|