Kinh tế chia sẻ: Bộ KHĐT nhận diện 3 nhóm vướng mắc
“Tựu chung lại thì có 3 nhóm vướng mắc trong quá trình xây dựng Đề án kinh tế chia sẻ”, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh, lãnh đạo cơ quan chủ trì xây dựng Đề án.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh.
|
Cách đây hơn một năm, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo về sự cần thiết xây dựng Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ, trong bối cảnh các quy định pháp luật “hầu như còn bỏ ngỏ" đối với mô hình kinh tế này.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung sự phát triển của các dịch vụ này trong thời gian vừa qua còn mang tính tự phát, trong khi các cơ quan quản lý còn khá lúng túng trong việc xác định bản chất và cách thức quản lý mô hình này. Hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của nước ta như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật giao dịch điện tử… và các quy định về thuế hiện nay hầu như còn bỏ ngỏ đối với mô hình kinh tế chia sẻ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong khi xu thế ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh là không thể đảo ngược thì vấn đề quan trọng với Việt Nam hiện nay là làm thế nào để khai thác tối đa điểm mạnh của mô hình kinh tế chia sẻ, đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất những bất cập.
Trong quản lý mô hình kinh tế này, Bộ cho biết các quốc gia có nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng nhìn chung không có pháp luật chung mà điều chỉnh riêng lẻ ở từng lĩnh vực, từng ngành. Việt Nam chưa có các chính sách quản lý, ngoài trường hợp thí điểm với dịch vụ vận tải theo hợp đồng điện tử.
3 nhóm vướng mắc
Nay, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết Bộ được Chính phủ giao chủ trì xây dựng đề án về kinh tế chia sẻ để trình trước tháng 6 năm nay. Bộ sẽ hoàn thành đề án về kinh tế chia sẻ kịp tiến độ thời hạn để trình Thủ tướng Chính thủ xem xét, phê duyệt sớm.
“Nhìn chung, qua đánh giá, qua nghiên cứu khảo sát với kinh nghiệm các quốc gia cũng như từ nhiều cơ quan bộ, ngành thì thấy rằng chúng ta phải xác định kinh tế chia sẻ là một cơ hội mới về thay đổi phương thức kinh doanh từ sở hữu tài sản sang sử dụng tài sản mà không cần sở hữu. Nó là một hình thức kinh doanh phi truyền thống nhưng về nguyên tắc thì chúng ta phải công nhận nó là tất yếu”, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh phân tích.
Do đó, đề án hướng tới xây dựng các biện pháp để thúc đẩy, khuyến khích tranh thủ cơ hội mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đưa các đổi mới sáng tạo cũng như các hình thức kinh doanh mới vào trong nền kinh tế một cách mạnh mẽ, nâng cao được sức cạnh tranh, sự sáng tạo của nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Mạnh cũng chia sẻ, trong quá trình xây dựng đề án cũng có những khó khăn, vướng mắc. Tựu chung lại thì có 3 nhóm vướng mắc.
Thứ nhất là về hình thức pháp lý, liên quan đến một loại hình kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh mới, phi truyền thống chưa có trong các quy định pháp lý, chưa có các nội hàm ý nghĩa một cách chính xác để đảm bảo các hoạt động đăng ký hay quản lý cấp phép. Ngay cả trong phân ngành kinh tế của chúng ta hiện nay cũng phải sắp xếp lại.
Vướng mắc thứ hai là hệ thống pháp luật về thương mại điện tử của chúng ta cũng đã được xây dựng rất sớm. Tuy nhiên đối với hình thức này còn chưa thật đồng bộ và cũng còn những cái điểm chưa thống nhất nên chúng ta phải có những điều chỉnh về mặt pháp lý liên quan đến thương mại điện tử.
Vấn đề thứ ba là những cái vướng mắc trong các hành lang pháp lý về quản lý kê khai thuế và thu thuế đối với hoạt động kinh doanh kinh tế chia sẻ. Bên cạnh các biện pháp chung của Chính phủ để đẩy mạnh các hoạt động xây dựng chính phủ điện tử hay tạo ra các hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo, các thanh toán điện tử thì quan trọng nhất, vai trò của Chính phủ ở đây là phải xây dựng được một khuôn khổ pháp lý mới phù hợp với bối cảnh thay đổi này, với loại hình này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến một số khuyến nghị đối với người dân, nhà cung cấp, người tiêu dùng, doanh nghiệp… như đề cao trách nhiệm cũng như kiến thức của người tiêu dùng trong việc tự bảo vệ mình khi sử dụng những dịch vụ này.
Các nhà cung cấp cũng phải có những bộ quy tắc, quy chuẩn để đảm bảo an toàn cũng như dịch vụ cho hoạt động kinh doanh của mình. Và đối với dịch vụ thanh toán thì có khuyến nghị liên quan đến hệ thống thanh toán hiện đại, đảm bảo an toàn trong thanh toán của kinh tế chia sẻ.
Bảo đảm công bằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
"Về phía quy định pháp luật thì chúng tôi có đưa ra một số khuyến nghị liên quan đến giải pháp", ông Mạnh nói.
Thứ nhất, làm sao giảm thiểu hoặc bảo vệ, bảo đảm được quyền lợi của người tiêu dùng khi sử dụng các dịch vụ kinh tế chia sẻ.
Thứ hai là tạo ra các cơ chế chính sách cũng như các quy định của pháp lý mới có tính chất khuyến khích đổi mới sáng tạo cũng như khuyến khích các hoạt động của kinh tế chia sẻ có dư địa, có điều kiện phát triển.
“Thứ ba là việc xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến thu, quản lý thuế cũng như các quy định của nhà nước thì chúng tôi cố gắng đưa ra một số khuyến nghị chính sách đảm bảo sự công bằng giữa các mô hình kinh doanh truyền thống và mô hình kinh doanh của kinh tế chia sẻ này, tránh sự xung đột cũng như không đảm bảo được sự công bằng giữa các hoạt động kinh doanh”, Thứ trưởng cho biết.
“Đây là một số nội dung có tính chất khái lược ban đầu, chúng tôi báo cáo Chính phủ xem xét. Khi có sự đồng ý của lãnh đạo Chính phủ, chúng tôi sẽ cung cấp chi tiết đầy đủ hơn để báo chí có thể theo dõi và đưa tin”, ông Mạnh chia sẻ.
Tại cuộc họp mới đây cho ý kiến vào Đề án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh thực tiễn trên thế giới chưa có quốc gia nào có pháp luật chung về kinh tế chia sẻ mà chỉ điều chỉnh riêng lẻ ở các lĩnh vực có kinh tế chia sẻ, đây là căn cứ quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh việc tiếp cận và ứng xử với loại hình mới này.
“Nếu để có một nghị định hay một luật để quy định chung về kinh tế chia sẻ sẽ rất khó để xây dựng và triển khai vì thực tiễn của loại hình này thay đổi rất nhanh so với các quy định. Cần xây dựng ngay các quy định để điều chỉnh riêng lẻ ở từng lĩnh vực”, Phó Thủ tướng nêu ý kiến.
“Cách tiếp cận là tạo điều kiện cho nó ra đời, phát triển chứ không thể mặc kệ hoặc là không làm được thì cấm”, ông Vương Đình Huệ bày tỏ với các bộ, ngành.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao thêm cho các bộ, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về việc làm, hợp đồng lao động, quản lý thuế, đánh giá các tác động của kinh tế chia sẻ với kinh tế và các vấn đề xã hội.
Hiện, các Bộ đang xây dựng các quy định để điều chỉnh từng lĩnh vực riêng lẻ của kinh tế chia sẻ, thay vì một nghị định hay luật quy định chung. Chẳng hạn, NHNN đang xin ý kiến các bộ về đề án thí điểm cho vay ngang hàng. Bộ Giao thông vận tải đang hoàn thiện dự thảo thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh vận tải trên tinh thần công bằng, bình đẳng hơn về điều kiện kinh doanh vận tải giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống và quy định về hợp đồng điện tử, làm căn cứ để quản lý và thu thuế...
Hà Chính
BÁO CHÍNH PHỦ
|