Khan hiếm xăng RON 95: Do điều hành còn giật cục?
Bộ Công Thương khẳng định, nguồn cung xăng dầu không thiếu, trong khi thị trường vẫn diễn ra tình trạng nhiều cây xăng trên địa bàn Hà Nội không có xăng RON 95 để cung cấp cho khách hàng, buộc phải chuyển sang bán toàn bộ bằng xăng E5. Ðại diện cơ quan này cho rằng, việc một số cửa hàng thiếu xăng A95 chỉ là gián đoạn tạm thời trong khi chuyên gia cho rằng, đây là hệ quả của việc điều hành giật cục.
Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung xăng dầu không thiếu. Ảnh: PV
|
Cửa hàng đồng loạt hết xăng RON 95
Theo khảo sát của PV Tiền Phong, những ngày gần đây tại Hà Nội có nhiều cây xăng đề biển thiếu xăng RON 95. Các cây xăng này đều thuộc hệ thống của Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội nằm tại một số đường như Giải Phóng, Nguyễn Phong Sắc, Phan Văn Trường, Khâm Thiên, Phạm Hùng… Tại những cây xăng này, đều dán thông báo “hết xăng RON 95” hoặc “chưa có xăng RON 95”, các cột bơm RON 95 được thay thế bằng xăng E5 RON 92.
Tại cây xăng dầu trên đường Phạm Hùng, tình cảnh thiếu xăng RON 95 diễn ra khoảng 10 ngày nay. Chị Lê Thảo (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội), một người thường xuyên đổ xăng tại đây cho biết, 10 ngày trước, khi đổ xăng tại cây xăng này, chị được nhân viên thông báo “dừng bán RON 95”. Sau đó, chị phải chạy lên cây xăng ở đường Mạc Thái Tông, cách đó khoảng 1 km để đổ. “Hôm nay quay lại, nhân viên vẫn thông báo chưa có xăng RON 95 để bán. Chạy đi chạy lại mất thời gian nên tôi đành đổ xăng E5”, chị Thảo chia sẻ.
Tình cảnh thiếu xăng RON 95 diễn ra tương tự tại cây xăng trên đường Khâm Thiên. Theo nhân viên ở đây, từ ngày 20/3, cây xăng này đã không còn xăng RON 95 để bán. “Nhiều khách đến mua xăng hỏi RON 95 nhưng chúng tôi chưa biết khi nào có, nên đành dán thông báo là tay bơm hỏng để trấn an khách hàng”. Cửa hàng trưởng tại cây xăng dầu trên đường Phạm Hùng cho biết, tình trạng thiếu xăng là do giá xăng dầu thế giới đang ở mức cao, trong khi xăng RON 95 trong nước không đủ cung cấp nên buộc phải nhập khẩu. Thời gian nhập khẩu cũng phải mất 12-15 ngày.
Theo vị này, lượng tiêu thụ xăng RON 95 hiện vẫn rất cao, trung bình chiếm khoảng 60-70% tổng sản lượng xăng cung ứng ra thị trường. Trong bối cảnh giá cả biến động phức tạp như hiện nay, nếu nhập vào có thể lỗ vốn. Vị này cho rằng, lẽ ra vừa rồi giá xăng phải tăng thêm 500-700 đồng/lít, thay vì dùng quỹ bình ổn giá để kiềm chế giá. Do đó, trong suốt tuần qua, doanh thu cửa hàng giảm rõ rệt, nhất là khách hàng có ôtô.
Theo khảo sát, không riêng hệ thống cửa hàng của doanh nghiệp đầu mối lớn thiếu nguồn cung RON 95, cửa hàng thuộc doanh nghiệp phân phối cũng trong cảnh tương tự. Việc các trạm xăng thông báo ngừng bán RON 95 diễn ra sau khi nhiều doanh nghiệp xăng dầu phản ánh việc “thiếu xăng để bán” do nguồn cung nhỏ giọt.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của một số đại lý, mức chiết khấu xăng RON 95 hiện thấp hơn nhiều so với trước đây, khiến nhiều đại lý không còn mặn mà. Mức này giảm từ khoảng 1400 đồng xuống còn khoảng 450 đồng/lít.
Ðiều hành giá xăng còn “giật cục”
PGS T.S Ngô Trí Long, thực tế, xăng dầu trong nước có 2 nguồn cung là trong nước và nhập khẩu. Trong nước có Nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn. Trong khi nhà máy Nghi Sơn đang đại tu, còn Dung Quất cũng đã tăng năng suất. Rõ ràng, đây không phải là nguồn duy nhất.
Về việc điều hành xăng dầu trong kỳ vừa qua, ông Long cho hay, khá bất ngờ với việc Bộ Công Thương quyết định tăng mức xả quỹ bình ổn xăng dầu vừa qua. Ông cho rằng, quyết định tiếp tục dùng Quỹ bình ổn khiến khả năng dự phòng quỹ giảm mạnh, tạo áp lực lớn cho công tác điều hành các kỳ tiếp theo khi xu hướng giá xăng dầu thế giới leo thang. “Điều hành như vậy là giật cục, ngắn hạn và chưa có tầm nhìn xa”, ông Long nói.
Ông Long cho rằng, bất kỳ chính sách nào đều đảm bảo lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đáng lý khi xăng dầu thế giới tăng cao, nhà nước phải sử dụng nhiều công cụ để bình ổn như: thuế, quỹ bình ổn, giá. Ở đây, nhà nước để ổn định giá, chỉ sử dụng duy nhất quỹ bình ổn. “Quỹ bình ổn sử dụng đúng nhưng cùng lúc ông phải sử dụng các công cụ khác như nâng giá lên. Ví dụ nâng từ: 3-500 đồng/lít vừa đảm bảo doanh nghiệp và người tiêu dùng”, ông Long ho hay.
Ông Long phân tích, giá xăng điều chỉnh tăng sẽ được ghi nhận và tác động ngay vào CPI của tháng đó. Còn giá điện tăng thì có độ trễ do sang tháng sau các hộ dùng điện mới thanh toán hóa đơn. Vì thế, việc tăng giá điện từ 20/3 phần lớn ghi nhận vào CPI tháng 4 trở đi, trong khi đó, giá dầu thế giới vẫn tiếp đà tăng nên sẽ tạo áp lực lên cho giá dầu ở kỳ điều hành đầu tháng 4.
“Công tác điều chỉnh giá luôn phải chừa lại dư địa đủ để xoay xở trong năm. Khi quỹ còn ít, khó tránh khỏi tình huống giá xăng dầu sau khi bị kìm quá mạnh buộc phải bung ra tăng sốc”, ông Long cảnh báo.
Ông Long cho rằng, việc điều hành sử dụng quỹ bình ổn này không lợi cho doanh nghiệp mà chỉ lợi cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp sử dụng quỹ âm, trước mắt nhà nước chưa trả, doanh nghiệp lúc này phải đi vay ngân hàng. Trước tình hình đó, doanh nghiệp đầu mối cắt giảm chiết khấu cho cửa hàng, cửa hàng không thấy lợi lắm nên buộc phải dùng chiêu tạo khan xăng. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, Quỹ bình ổn xăng dầu nên dự phòng cho những lúc khác quan trọng hơn trong năm, nhất là cuối năm hoặc sau khi tăng giá điện theo lộ trình.
Về việc nhiều cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội ngưng bán xăng A95, ngày 27/3, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) xác nhận có tình trạng một số cửa hàng ở Hà Nội thông báo hết xăng A95. Ông Đông cho rằng, đây chỉ là việc gián đoạn tạm thời nguồn cấp.
Theo ông Đông, nguồn cung xăng A95 hiện không thiếu, tuy nhiên thời gian qua xảy ra sự cố tại Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) gây gián đoạn tại phân xưởng sản xuất xăng A95 trong một tuần, ảnh hưởng đến nguồn cung ứng xăng A95. Trong khi đó nguồn dự trữ xăng A92 để phá chế xăng sinh học E5 vẫn bình thường.
“Lãnh đạo Vụ đã liên hệ với Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, nơi có các cửa hàng dán thông báo hết xăng A95 yêu cầu đảm bảo cung cấp xăng A95 đầy đủ. Ngay trong sáng 27/3, các cửa hàng này đã có xăng A95 trở lại phục vụ người tiêu dùng”, ông Đông nói. Ông Đông cũng cho biết, chiều 27/3, Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị của Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã đi kiểm tra thực tế các cửa hàng xăng dầu. Về ý kiến cho rằng, thiếu xăng RON95 là do các đại lý không mặn mà bán vì chiết khấu hoa hồng thấp, ông Đông cho rằng, đây mới chỉ đúng một phần. Theo ông Đông, việc giữ giá xăng dầu trong nước, kết hợp xả quỹ bình ổn trong bối cảnh giá thế giới tăng cao sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Ðợt điều hành xăng dầu lần thứ 2 của tháng 3 (ngày 18/3), Quỹ Bình ổn xăng dầu đã được xả ở mức kỷ lục để bù chênh lệch với giá cơ sở, hơn 2.800 đồng một lít xăng E5 RON 92 và trên 2.600 đồng một lít với RON 95. Các mặt hàng dầu cũng được quỹ này “gánh” 1.340-1.640 đồng một lít, tùy mặt hàng.
|
Ngọc Mại - Dương Hưng - Phạm Tuyên
Tiền Phong
|