Bộ Công Thương bác thông tin khan hiếm xăng dầu
Trả lời Thanh Niên chiều 25.3, đại diện Bộ Công Thương đã bác bỏ thông tin trên một số phương tiện truyền thông về việc nguồn cung xăng dầu khan hiếm.
Vị này cho biết sau khi có thông tin trên, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện cây xăng nào găm hàng sẽ xử phạt nghiêm. Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp (DN) đầu mối, Bộ Công Thương yêu cầu không để xảy ra tình trạng thiếu nguồn. Các DN đầu mối đảm bảo đủ hàng, không để xảy ra tình trạng đứt nguồn và các DN này đã cam kết có phương án nhập khẩu thay thế nguồn trong nước trước mắt.
Đại diện Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng cho hay việc bán ra các sản phẩm chủ yếu như xăng RON95, RON92 và dầu DO của nhà máy vẫn diễn ra bình thường, thậm chí sản lượng tăng đáng kể so với thời gian trước. Cụ thể, trong 10 ngày qua (từ 15 - 24.3), tổng sản lượng của 3 loại kể trên là hơn 210.000 m3, tăng hơn 40.000 m3 so với cùng thời gian đó của tháng 2. Trong đó, xăng 95 là gần 57.000 m3, tăng hơn 7.000 m3 so với cùng kỳ tháng trước. Xăng 92 cũng tăng hơn 9.500 m3 và dầu DO tăng hơn 26.000 m3.
Ông Cao Hoài Dương, Tổng Công ty Dầu VN (PVOil), thì cho hay do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có vấn đề kỹ thuật nên DN này thời gian qua phải chuyển sang nhập khẩu từ Hàn Quốc. Dù nguồn cung có khó khăn hơn, nhập hàng vất vả hơn nhưng PVOil vừa qua đã nhập được một số lô nên vẫn đảm bảo nguồn cung cho hệ thống. Các cây xăng của PVOil không bị đứt hàng.
Trước đó, một số đại lý kinh doanh xăng dầu phản ánh rằng mấy ngày gần đây, việc nhập hàng từ thương nhân đầu mối diễn ra khó khăn hơn, hàng bán ra nhỏ giọt và nguồn cung có dấu hiệu khan hiếm do từ đầu năm 2019, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ngưng cung cấp hàng. Các DN đang phải vay mượn nguồn hàng của nhau.
Theo một chuyên gia xăng dầu, mấu chốt của việc xuất hiện thông tin khan hiếm nguồn hàng có thể xuất phát từ việc chênh lệch giữa giá bán ra với giá cơ sở của các mặt hàng xăng dầu phổ biến trên thị trường hiện rất lớn, có mặt hàng chênh nhau gần 3.000 đồng/lít do việc “kìm giá” bán lẻ trong những kỳ điều hành vừa qua bằng cách liên tục xả Quỹ bình ổn xăng dầu. Hệ quả là hầu hết DN đầu mối đang khó khăn do âm quỹ này.
Lãnh đạo PVOil cho biết, Quỹ bình ổn đặt tại DN đang bị âm khoảng 400 tỉ đồng. “Quỹ này âm nghĩa là tổng công ty đang phải dùng tiền của DN hoặc vay ngân hàng để thực hiện nghĩa vụ cho Nhà nước. Thêm nữa, hiện chiết khấu cho bán lẻ không bù được chi phí do giá bán lẻ mấy lần rồi không tăng. Bán lẻ đang rất vất vả đến mức chúng tôi nói với nhau rằng DN bán lẻ nào vừa qua mà kinh doanh có lãi là phải giải trình vì lỗ là điều hiển nhiên”, ông Dương nói.
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, cho rằng theo quy định, nếu giá biến động trong khoảng 3% thì không cần dùng đến Quỹ bình ổn. Quỹ được dùng chỉ khi nào giá biến động khoảng 3 - 7%. Còn khi nào giá cả đột biến thì Nhà nước phải can thiệp vào thị trường. “Tuy nhiên, vừa qua, việc điều hành quỹ liên tục, dường như theo ý chủ quan nên làm méo mó giá cả thị trường”, ông Ruệ nhận xét.
TRUNG ĐỨC
THANH NIÊN
|