10 thành phố chiếm gần một nửa số người siêu giàu của thế giới
Sở hữu máy bay tư nhân và nhiều bất động sản, tầng lớp siêu giàu của thế giới chính là những người di chuyển xuyên lục địa nhiều hơn ai hết.
Tuy nhiên, khoảng một nửa trong số những người siêu giàu của thế giới có nơi ở chính thuộc một nhóm gồm 10 thành phố - hãng tin Bloomberg dẫn Báo cáo tài sản (Wealth Report) 2019 của công ty môi giới bất động sản Knight Frank cho hay. Trong danh sách này, những thành phố như London, Tokyo và Singapore là nơi được số lượng nhiều nhất những cá nhân sở hữu tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên gọi là nhà.
Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng New York là thành phố duy nhất của nước này lọt vào nhóm 10 thành phố nói trên.
Bản danh sách cho thấy mức độ tập trung cao của dân số siêu giàu tại những đô thị lớn nhất hành tinh. Cơ hội kinh doanh, phong cách sống cao cấp, cơ sở vật chất tiện lợi như bệnh viện và giao thông đều là những yếu tố thu hút giới siêu giàu chọn những thành phố như vậy làm nơi ở chính.
Điều này đặc biệt đúng với London - thủ đô chính trị và cũng là trung tâm tài chính của nước Anh, đồng thời là nơi tích tụ tài sản lớn nhất thế giới, nơi khách nước ngoài mua bất động sản bị chỉ trích là nguyên nhân đẩy giá nhà lên cao ngất ngưởng.
10 thành phố có số lượng lớn nhất những người sở hữu tài sản từ 30 triệu USD trở lên:
1. London 4.944 người
2. Tokyo 3.732 người
3. Singapore 3.598 người
4. New York 3.378 người
5. Bắc Kinh 1.673 người
6. Paris 1.667 người
7. Seoul 1.594 người
8. Đài Bắc 1.519 người
9. Zurich 1.507 người
10. Sao Paulo 1.352 người
Theo báo cáo trên, thế giới có khoảng 200.000 cá nhân siêu giàu trong 2018, trong đó hơn 1/3 tập trung ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Châu Âu là khu vực có nhiều người siêu giàu nhất trên toàn cầu.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở khu vực châu Á đang giúp sản sinh thêm nhiều triệu phú cho thế giới. Knight Frank dự báo 2019 sẽ là năm đầu tiên thế giới có hơn 20 triệu người sở hữu tài sản từ 1 triệu USD trở lên.
Tăng trưởng kinh tế châu Á cũng được xem là động lực phía sau sự gia tăng mạnh mẽ của các khoản đầu tư vào lĩnh vực xa xỉ trên toàn cầu. Năm ngoái, khách mua từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông chiếm khoảng 1/4 số vụ mua căn hộ có trị giá từ 2 triệu Bảng (2,6 triệu USD) trở lên ở London, một tỷ lệ cao gấp đôi so với cách đó 2 năm.
Giới nhà giàu châu Á cũng mua mạnh các mặt hàng sưu tầm cao cấp, như rượu quý và các tác phẩm nghệ thuật. Nhờ đó, chỉ số Rare Whisky 100 Index - một thước đo giá của các loại rượu whisky quý hiếm, đã tăng khoảng 40% trong 2018.
Mức tăng giá của những kênh đầu tư xa xỉ trong 10 năm qua:
Rượu whisky hiếm 582%
Xe hơi cổ 258%
Tiền xu 193%
Tem 189%
Đồng hồ 173%
Tác phẩm nghệ thuật 158%
Rượu vang 147%
Trang sức 112%
Kim cương màu 102%
Doanh thu của thị trường các tác phẩm nghệ thuật và xe hơi cổ cũng đạt những mức cao mới trong 2018.
Trong đó phải kể đến vụ bán đấu giá thành công chiếc Ferrari 250 GTO đời 1962 với giá 48 triệu USD, và lời chào mua 90,3 triệu USD cho một bức họa của David Hockney, đánh dấu mức giá cao nhất từng được trả khi đấu giá tác phẩm hội họa của một họa sỹ đương thời.
Thăng Điệp
VNECONOMY
|