11 ý tưởng kỳ quặc đáng giá triệu đô
Nhiều người có những ý tưởng đáng giá cả triệu USD, nhưng hiếm có ai thực hiện chúng. Đôi khi những sai lầm cũng có thể giúp bạn có hàng triệu USD – chỉ cần chúng xảy ra vào đúng thời điểm.
Đối với các nhà khởi nhiệp, chỉ cần một ý tưởng tốt là đã có thể mang lại một kết quả phi thường – cho dù đó là một ý tưởng ngu ngốc như là cái chăn có tay Snuggie. Hay ví dụ như lò xo xoắn ốc Slinky được tạo ra sau khi một kỹ sư hải quân đã phạm phải một tai nạn ngớ ngẩn; trong khi đó, con thú nuôi điện tử khét tiếng Furby được ra đời sau khi người phát minh ra nó biết đến trò nuôi gà ảo Tamagotchi và có một cảm giác thôi thúc anh ta phải cưng nựng cho được con thú nuôi ảo này.
Hãy cùng xem qua một số ý tưởng kỳ quặc đã khiến người ta trở thành triệu phú.
1. Beanie Babies, được tạo ra bởi Ty Warner vào năm 1993, là một món đồ chơi phủ đầy lông, được nhồi đầy bằng đậu của thập niên 90. Món đồ chơi này đã đem về cho Warner’s Ty Inc. doanh thu 700 triệu USD một năm, với giá bán mỗi một con Beanie là 5 USD. Năm 1999, công ty này đã đạt được doanh thu hơn 1 tỷ USD cũng nhờ vào Beanie Babies.
Warner quyết định không bán con thú bông này ở những chuỗi cửa hàng đồ chơi nổi tiếng như Toys-R-Us và Walmart, mà lại bán nó ở những cửa hàng độc quyền của công ty. Nhờ đó, Beanie thành một cơn sốt thật sự. Một số cửa hàng còn nhận được yêu cầu từ Ty Inc. là không được bán quá số lượng cho phép của một mẫu Beanie nhất định. Với những lý do trên, những mẫu thú bông Beanie bắt đầu trở nên cực kỳ nổi tiếng ở thị trường bán lại – rất nhiều mẫu đã được bán lại với giá lên đến 5 con số.
Kể từ khi ra đời cho đến nay, Beanie Babies ước tính đã đem về cho Warner gần 6 tỷ USD.
Hiện nay, tổng giá trị tài sản ròng của Warner đã hơn 2 tỷ USD.
2. Khi còn là một cậu nhóc học đại học 21 tuổi, Alex Tew đã tạo ra Trang web Triệu đô (The Million Dollar Homepage). Trang web này có kích thước là 1 triệu pixel, Alex sẽ bán không gian quảng cáo cho các thương hiệu với giá 1 USD cho 1 pixel. Vậy cậu nhóc này thu lại được bao nhiêu lợi nhuận? Đoán thử xem.
Trang web Triệu đô này đã bán hết chỉ trong vòng 4 tháng kể từ khi ra mắt vào năm 2005. Ý tưởng này ra đời bởi vì cậu sinh viên Alex Tew muốn thử kiếm tiền trong khi đang học tại Đại học Nottingham ở Anh. Và sau khi trang web bắt đầu nhận được sự chú ý của giới truyền thông và tất cả những không gian quảng cáo đều được mua hết, cậu bỏ ngang việc học và bắt đầu con đường làm doanh nhân của mình.
Cậu sinh viên này gần đây là đồng sáng lập của một dự án khởi nghiệp kỳ lân tỷ đô và tạo ra ứng dụng thiền có tên là Calm.
3. Bạn nghĩ gì khi mình có thể “mặc” một cái chăn lên người? Scott Boilen, Chủ tịch của Allstar Products, là người đưa ra ý tưởng đó, kết quả là chăn có ống tay Snuggie ra đời. Từ năm 2008, đã có hơn 30 triệu cái Snuggie được bán ra, tạo ra doanh thu hơn 500 triệu USD.
Rất nhiều người vẫn còn nhớ cái quảng cáo ngớ ngẩn khi ra mắt của Snuggie: Một gia đình đang chơi thể thao, cả nhà đều được bọc trong những cái Snuggie xanh lè, xung quanh là những người khác được giữ ấm bằng áo khoác, mũ trùm đầu và khăn choàng, mọi người đều đang hò hét, tay thì giơ hết cả lên.
Nhưng cũng có một số người khác nhớ đến Slanket, chiếc chăn này cũng đã từng được xuất hiện trên kênh quảng cáo QVC và được xuất bản trên SkyMall nhiều năm trước khi Snuggie ra đời.
“Chúng tôi nhớ là đã từng thấy những sản phẩm giống như thế này trong danh sách lúc nào đó – trước cả khi Slanket ra đời, tôi nhớ là vậy”, Boilen trả lời với tờ New York Times năm 2009. “Và chúng tôi nghĩ nếu tạo ra được một đoạn quảng cáo thông minh hơn cho Snuggie và bán nó với giá rẻ hơn, thì mọi người sẽ mua nó”.
Và rõ ràng là, Snuggie đã rất đắt hàng.
4. Lò xo xoắn ốc Slinky, được Richard James tạo ra nhờ một tai nạn, đang được vinh danh trong Đại sảnh Danh vọng Đồ chơi, với 350 triệu sản phẩm được bán ra và thu về cho James lợi nhuận gần 3 tỷ USD.
James đã vô tình làm rớt một cái lò xo đang bị ép căng trong khi làm việc và thấy nó lượn vòng xung quanh sàn nhà – và thế là lò xo xoắn ốc Slinky đã ra đời. Nhưng mà thực tế thì không nhanh như vậy: James phải mất đến 2 năm để phát triển món đồ chơi này từ việc canh độ dài của cái lò xo và thử nghiệm với những công thức khác nhau để chế tạo ra món đồ chơi lượn vòng-xuống-cầu thang hoàn hảo nhất mà ông đã tưởng tượng trong đầu. Vợ của ông, bà Betty, đã tiếp quản việc kinh doanh Slinky khi James chuyển đến Bolivia để tham gia một giáo phái nào đó. Betty mất năm 2009.
Trong cáo phó của bà, tờ new York Times đã tìm thấy bảng ghi chép về số lượng Slinky đã được bán, số lượng đám Slinky đó có thể cuốn vòng quanh trái đất hơn 150 vòng.
5. Gary Dahl, Giám đốc quảng cáo, được biết đến vì những trò đùa. Sau khi nghe những người bạn của mình than thở về những nguy hiểm khi chăm sóc thú cưng, ông đã nghĩ ra Hòn đá thú cưng Pet Rock vào năm 1975 và đã thu vào túi gần 6 triệu USD.
Ông ấy đã gọi Pet Rock là những con thú cưng “không cần chăm sóc”, một bộ sản phẩm hoàn chỉnh gồm có một bảng hướng dẫn huấn luyện thú cưng và một hộp các-tông được thiết kế như là nơi ở cho thú cưng. Hòn đá thú cưng ngay lập tức trở thành một cơn sốt và trở thành xu hướng dở hơi nhất mọi thời đại.
Trụ sở tại San Jose của Dahl đã cố gắng gây dựng lại sự thành công của Pet Rock bằng những dự án khác nhau, tuy vậy dự án nào cũng thất bại, bao gồm cả việc phát hành một cuốn sách về “câu chuyện chưa kể” đằng sau con thú cưng nhại lại này và một dự án bắt chước khác.
6. Thú cưng điện tử Furby, một món đồ chơi điện tử phát ra những tiếng vô nghĩa, lông lá, có hình dáng của một con chuột hamster lai với cú, được phát minh ra vào những năm 90, nhưng độ nổi tiếng của nó cũng giảm đi nhanh chóng sau đó.
Tuy nhiên, Furby đã trở thành món đồ chơi nổi tiếng đủ lâu để mang về cho công ty sản xuất 500 triệu USD mỗi năm vào thời kỳ đỉnh cao của mình.
Fun fact: Năm 1999 Cơ quan An ninh Quốc gia đã cấm Furby không được xuất hiện tại văn phòng của họ, theo như bài báo của CBS số ra cùng ngày thì món đồ chơi trẻ em này là “gián điệp được Trung Quốc cài vào” với khả năng nghe lén những cuộc hội thoại tình báo.
Theo Roger Shiffman, nhà lãnh đạo của Tiger Electronics, đồng thời là người chế tạo ra món đồ chơi này, đã công bố rằng Furby không có chức năng ghi âm. Tuy nhiên, những con Furby được báo cáo lại là hay xảy ra trục trặc – như là phát ra tiếng, bước đi, và rung lên mà không có ai chạm vào, đôi khi là vào … giữa đêm.
7. Vào những năm 1980, Scott Stillinger đã phát minh ra những trái banh Koosh Ball – một quả banh cao su có gắn những cái dây tua rua nhiều màu sắc. Công ty Hasbro đã mua lại quyền sở hữu Koosh Ball với giá 100 triệu USD vào năm 1997. Tạp chí Time đã gọi nó là đồ chơi tuyệt vời nhất mọi thời đại.
Koosh Ball là sự kết hợp của một quả bóng nảy và một túi đậu, theo thông tin của tờ Los Angeles Times năm 1995.
Khi công ty của Stillinger phát triển hơn, họ đã làm ra Koosh Ball với những kích thước khác nhau. Ngày nay bạn vẫn có thể tìm thấy cả chục kiểu dáng Koosh Ballđược bày bán. Và vào năm 1995, khi việc kinh doanh mặt hàng này đang phá triển tốt: OddzOn, nhà sản xuất đầu tiên loại đồ chơi này, đã nói rằng “hàng triệu và hàng triệu” Koosh ball đã được bán ra với giá 5 USD một cái.
8. Big Mouth Billy Bass, con cá biết nói nổi tiếng được biết đến là dùng để treo trong phòng khách hoặc nhà để xe, được tạo ra bởi Gemmy Industries vào năm 200 và đã sản xuất được hàng triệu sản phẩm. Mặc dù doanh thu của sản phẩm này chưa từng được công bố nhưng có một vài báo cáo ước tính rằng món quà tuyệt vời nhất thập kỷ này đã đem về doanh thu là 100 triệu USD.
Phải mất hai năm mày mò Joe Pellettieri mới tạo ra được con Billy Bass hoàn hảo – đầu nhúc nhích, đuôi vẫy vẫy, miệng mấp máy, tất cả đều cùng hòa hợp khi hát “Đừng lo lắng, hãy vui lên” và “Đưa tôi ra sông”.
Ngày nay, bạn có thể mua con cá biết hát của Alexa này trên Amazon với giá là 40 USD một con.
9. Ken Hakuta đã trở thành triệu phú vào năm 1985 nhờ vào món đồ chơi Thú dính tường Wacky Wall Walker của ông – đó là một thứ đồ chơi nhầy nhụa có tám chân, được tạo hình giống bạch tuột, mà khi dính nó lên tường, nhờ trọng lực kéo xuống nó sẽ trông giống nhưu đang bước đi trên tường. hàng triệu con đã được bán ra.
Nhưng Hakuta không phải là “cha đẻ” của món đồ chơi này. Ông ấy đã mua lại bản quyền của nó từ một công ty đồ chơi Trung Quốc với giá 100,000 USD và bắt đầu tiếp thị nó ở Washington D.C.
Doanh thu của món đồ chơi tiến chậm chạp cho đến khi một phóng viên của tờ The Washington Post phát hiện ra món đồ chơi này và viết về nó. Tin tức từ bài báo đã nhanh chóng trở thành sự tiếp thị dở hơi nhất mọi thời đại. Trong vòng vài tháng sau đó, hơn 240 triệu sản phẩm này đã được bán đi, đem về cho Ken khoảng 80 triệu USD.
Nhiều năm trước, bạn có thể tìm thấy món đồ chơi này trong các hộp ngũ cốc, như là Corn Pops, nhưng ngày nay bạn chỉ có thể mua được nó trên Amazon và một số cửa hàng độc quyền.
10. Thú cưng hạt chia – một mô hình đất sét được nhồi bằng đất và cấy hạt chia vào để nó mọc thành cây xanh – một biểu tượng văn hóa. Bạn có mua món đồ chơi này với hình dạng chó, mèo, thỏ hay thậm chí là hình ảnh của Tổng thống vẫn có. Công ty sản xuất đã bán được 500,000 sản phẩm này vào mỗi mùa lễ. Với giá là 16 USD một con, đã đem lại doanh thu hàng triệu USD mỗi năm.
Những hạt chia thảo mộc của Mexico này sẽ mọc thành những cây xanh tươi tốt khi được tưới nước.
Người phát minh ra nó, Joe Pedott đã nghĩ ra ý sản phẩm này trong căn nhà của mình ở San Francisco và một công ty tiếp thị đã quảng cáo cho sản phẩm này, tạo nên một tiếng kêu nổi tiếng “ch-ch-ch-Chia!” một thời luôn được nghe trên các chương trình quảng cáo của tivi trong những năm 2010. Món đồ chơi này còn có mặt trong cẩm nang của tờ New York time.
11. Năm 1963, Harvey Ball đã vẽ một cái mặt cười được bao quanh bởi một vòng tròn và tô màu vàng với giá 45 USD để làm nổi bật cho mấy cái nút bấm và huy hiệu. Tuy vậy, ông ấy không đăng ký bản quyền cho bản vẽ đó. Ngày nay, SmileyWorld đã sở hữu bản quyền thiết kế này, và kiếm về số tiền 250 triệu USD mỗi năm.
Lúc đầu, ông Ball vẽ cái hình mặt cười này cho khách hàng của công ty quảng cáo mà ông ấy đang làm việc, State Mutual Life Insurance. Món tiền duy nhất mà ông nhận được từ bức vẽ đơn giản này là 45 USD, số tiền mà họ đã bán cái mặt cười này cho khách hàng của mình..
Hai anh em, Bernard và Murray Spain, đã tình cờ phát hiện ra tiềm năng của cái mặt cười này. Với ý tưởng mở một cửa hàng mới lạ, Bernard và Murray đã mua lại để được quyền sở hữu hợp pháp hình ảnh này để gắn nó vào câu nói nổi tiếng, “Chúc một ngày tốt lành”. Hai anh em này đã dán hình ảnh mặt cười lên mọi thứ có thể dán – bao gồm cả sản phẩm phổ biến nhất hiện nay, túi ni-lông.
Vũ Hạo (Theo Business Insider)
Fili
|