Chủ Nhật, 24/02/2019 09:59

Trả công viên 23.9 về đúng chức năng

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, trước ngày 30.4, công viên 23.9 (Q.1) sẽ được thu hồi trả lại đúng nghĩa là công viên theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. “Số phận” của một công viên đã trải qua thăng trầm gần 25 năm, để đến bây giờ vẫn là một nơi rất... bát nháo.

Công viên 23.9 đang bị xẻ nhỏ làm bãi giữ xe, sân khấu, khu mua bán... ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Phá sản một công trình “chào thế kỷ 21” !

Tháng 3.1995, Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (sau này là Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cấp giấy phép cho dự án xây dựng Trung tâm văn hóa thương mại Sài Gòn. Dự án hoành tráng ngay giữa lòng TP.HCM được gắn tên rất kêu “Công trình chào thế kỷ 21” và được cấp phép gồm 6 hạng mục. Đó là trung tâm thương mại, công viên, siêu thị, khách sạn 21 tầng, khu sân khấu nhạc nước và tòa nhà cao ốc văn phòng 38 tầng, được xem là điểm nhấn của TP.

Toàn bộ các công trình sẽ được triển khai thực hiện trên diện tích 53.500 m2 thuộc khu vực công viên 23.9 và khu tiếp giáp nối dài, nằm trong phạm vi tứ giác Nguyễn Trãi - Lê Lai - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thị Nghĩa (Q.1). Hợp tác đầu tư dự án này có Công ty dịch vụ du lịch Bến Thành, Công ty công viên cây xanh và Công ty dịch vụ phát triển đô thị góp 30% vốn pháp định bằng giá trị quyền sử dụng đất và đối tác nước ngoài là Tập đoàn JinWen (Đài Loan) góp 70% vốn để đầu tư xây dựng đã cho ra đời liên doanh Vietnam JinWen Enterprise (VIJICO). Nhưng những vụ lùm xùm về chuyện giải tỏa đền bù tại khu vực dự án này đã khiến lãnh đạo TP.HCM lúc ấy rất đau đầu, bởi những tiêu cực trong việc đền bù giải tỏa dẫn đến phát sinh khiếu nại tố cáo triền miên khiến cho một số thành viên của tổ giải tỏa đền bù phải ngồi tù.

Theo báo cáo của 3 đơn vị đối tác phía VN gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư vào ngày 24.3.2001 thì trong vòng 5 năm, từ khi có giấy phép đầu tư, phía nước ngoài chỉ góp được khoảng 27,4 triệu USD. Đây cũng là một trong những lý do khiến các công trình không được khởi công đúng như dự kiến. Chưa hết, tháng 4.2000, Tập đoàn JinWen lại gửi văn bản lên Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Chủ tịch UBND TP.HCM xin chuyển đổi dạng đầu tư liên doanh thành 100% vốn nước ngoài và xin tạm hoãn tiến độ 1 năm việc thực hiện đầu tư. Mặc dù theo bản cam kết ban đầu là 3 tháng sau khi được cấp phép, các hạng mục công trình sẽ được lần lượt xây dựng nhưng mãi trong một thời gian dài như vậy, những hoạt động đàm phán hoặc thương thảo về cách thức, vốn liếng tiến hành dự án hầu như đi vào bế tắc.

Kéo dài đến năm 2001, Tập đoàn JinWen liên tục trì hoãn và cuối cùng là xin rút khỏi dự án, để lại một khu đất trống trải, hoang hóa ngay giữa trung tâm TP, khiến cho khoảng thời gian từ năm 1998 đến 2003, khu đất này trở thành nơi tụ hội của bao nhiêu thứ tệ nạn.

Lãng phí

Vào thời điểm năm 2001, lúc Tập đoàn JinWen “chạy làng”, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực địa ốc nhận định: Với mức giá “khiêm tốn” là chỉ khoảng 30 triệu đồng/m2 thì khu đất này (chỉ riêng khu B, là khu đất của dự án) đã có giá trị lên đến hơn 1.500 tỉ đồng. Đây là số tiền rất lớn vào thời điểm đó.

Chỉ tính riêng thời gian bỏ hoang phế từ năm 1998 (là thời điểm mà các đối tác phía VN bàn giao mặt bằng cho Tập đoàn JinWen đầu tư xây dựng) đến 2002, khu vực này đã bị che khuất bởi một hàng rào kín như bưng. Đến năm 2003, TP phải cải tạo lại thành một khu vực “nửa công viên, nửa rạp xiếc” và cũng tiếp tục trở thành nơi tụ hội của bao nhiêu thứ tệ nạn. Mãi đến những năm sau đó, là giao cho các sở ngành tổ chức cho từng khu vực kinh doanh như bãi giữ xe, tụ điểm ăn uống, quán cà phê và một trung tâm thương mại được xây dựng ngầm, cho đến nay.

Nhiều đơn vị vẫn chây ì

Đến khoảng giữa năm 2018, Chủ tịch UBND TP đã ra “tối hậu thư” chấm dứt, không gia hạn hợp đồng cho thuê đối với các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại công viên 23.9, những hợp đồng không ghi rõ thời gian phải di dời trước ngày 30.4. Thế nhưng theo ông Trần Văn Thạch, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), hiện có 4 đơn vị kiến nghị không di dời là bến xe buýt tại khu C (thuộc Trung tâm giao thông công cộng, Sở Giao thông vận tải), bãi xe hai bánh (thuộc Khu quản lý giao thông đô thị số 1, Sở Giao thông vận tải), Trung tâm thông tin và hỗ trợ khách du lịch (thuộc Sở Du lịch) và khu Sân khấu Sen Hồng (thuộc Sở Văn hóa - Thể thao). Chỉ có Công ty Cửu Long đơn vị thuê toàn bộ phần hầm và nóc tầng hầm với diện tích gần 11.000 m2 và Trung tâm phát triển quỹ đất (thuộc Sở TN-MT) đang sử dụng một phần tòa nhà văn phòng cũ của Công ty liên doanh VN JinWen Enterprise để làm trụ sở cho biết sẽ di dời để trả mặt bằng.

Từ khi có thông tin thu hồi, các sạp hàng ở công viên 23.0 đã vắng vẻ

KTS Trần Anh Tuấn nhận xét, hiện nay công viên 23.9 gần như đã bị “biến dạng” khi rất nhiều đơn vị, trong đó phần lớn là cơ quan của nhà nước xà xẻo sử dụng đất công viên cây xanh vào các mục đích khác nhau. Thậm chí trong thời gian dài công viên này bị biến thành nơi tổ chức các sự kiện bán hàng, triển lãm, hội chợ… rất nhếch nhác. Do đó, các đơn vị nói trên cần phải nghiêm túc làm gương để các tiểu thương và các doanh nghiệp thuê đất noi theo.

Mới đây, UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở Giao thông vận tải nghiên cứu phương án bố trí tạm bến xe buýt và bãi giữ xe 2 bánh đang nằm trong công viên để triển khai đề án xây dựng công viên trên. Sở Văn hóa - Thể thao cũng được yêu cầu sớm bàn giao mặt bằng khu Sân khấu Sen Hồng trước khi triển khai xây dựng công viên. Sau khi được xây dựng hoàn chỉnh, toàn bộ phần trên mặt đất của công viên 23.9 sẽ được sử dụng đúng chức năng là công viên cây xanh, mặt nước; không tổ chức triển lãm, hội chợ, mua bán kinh doanh trong công viên.

Thi tuyển thiết kế công viên

UBND TP.HCM vừa duyệt nhiệm vụ thi tuyển ý tưởng thiết kế quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực công viên 23.9. Theo đó, công viên 23.9 có diện tích hơn 16 ha phải được thiết kế đảm bảo tính chất chung của công viên công cộng; môi trường hài hòa thích hợp tổ chức không gian công cộng, sinh hoạt cộng đồng cho dân cư TP và du khách. Hệ thống giao thông cơ giới liên kết với khu vực hợp lý, các lối tiếp cận khu vực hầm ngầm để xe và bến xe buýt ngầm phù hợp.

Thực tế, dù một số đơn vị vẫn đang xin gia hạn hoạt động nhưng khách hàng đến mua sắm, ăn uống ở khu vực này đã giảm hẳn. Nhiều tiểu thương cũng đã treo bảng cho thuê lại hoặc bán cầm chừng được ngày nào hay ngày đó. 

Trần Thanh Bình - Đình Sơn

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Hà Nội xin cơ chế đặc thù để có thể lập 4 quận mới (22/02/2019)

>   Tập đoàn FLC đề nghị đầu tư nhà ga T3 cảng hàng không Tân Sơn Nhất (22/02/2019)

>   Đà Nẵng bán đất vàng sai phạm tràn lan, thất thoát số tiền lớn (22/02/2019)

>   TP.HCM: Chậm thanh toán cho nhà thầu metro là vô cùng nghiêm trọng (22/02/2019)

>   Hạn chế xây nhà tái định cư bằng vốn ngân sách (20/02/2019)

>   TP.HCM đề xuất chuyển cầu tàu Ba Son thành bến du thuyền (18/02/2019)

>   Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ bê bối của Khu liên hợp Mỹ Đình (18/02/2019)

>   57 dự án BOT thu hơn 12.000 tỷ đồng trong năm 2018 (17/02/2019)

>   Đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam chạy thương mại vào tháng 4 (16/02/2019)

>   Tổng cục Đường bộ kiểm tra đột xuất thu phí tại trạm Dầu Giây (16/02/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật