Thứ Ba, 12/02/2019 09:47

Thu phí tự động tại trạm BOT: Làm đi, hứa hoài!

Hai đối tượng nổ súng ở trạm thu phí BOT Dầu Giây (Đồng Nai) cướp số tiền hơn 2,2 tỉ đồng vào ngày mùng 3 tết. Sự việc khiến mọi người nghĩ đến việc quản lý khoản tiền mặt rất lớn ở các trạm thu phí và cách thu phí hiện nay.

Trạm thu phí Dầu Giây, nơi xảy ra vụ cướp. Trạm đã thu phí tự động nhưng vẫn thu phí thủ công tiền mặt - Ảnh: Q.ĐỊNH

Từ những chuyện về gian lận, trốn thuế đã được báo chí phát hiện, giờ đến những mối nguy hiểm liên quan đến khoản tiền không nhỏ thường có ở các trạm thu phí. Nếu thu phí tự động không sử dụng tiền mặt có thể đã tránh được vụ cướp, minh bạch khoản thu từ các trạm BOT này. Vậy, vì sao có trạm thu phí tự động, lại có trạm không áp dụng?

Thiệt hại do thu phí thủ công?

Cả nước có cả trăm trạm thu phí BOT. Cơ quan chức năng đã nhiều lần đặt ra lộ trình về việc thu phí không dừng thay cho thu tiền mặt nhưng thực tế triển khai rất chậm.

Dự kiến, các trạm thu phí sử dụng đường bộ trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh sẽ áp dụng công nghệ tự động trong năm 2018, các trạm còn lại trên cả nước sẽ áp dụng trong năm 2019.

Theo thống kê, quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh được cho là đẩy nhanh lộ trình thu phí tự động không dừng nhưng chỉ có 26/44 trạm áp dụng. Tính tới tháng 12-2018, chỉ có khoảng 700.000 ôtô được dán thẻ thu phí tự động, trong khi cả nước có gần 3 triệu ôtô đang lưu thông.

Ở các trạm thu phí đã áp dụng công nghệ tự động không dừng vẫn thu phí thủ công tiền mặt. Nguyên do nhiều khi chủ thẻ thích dùng tiền mặt hoặc thẻ thanh toán hết tiền vẫn có thể sử dụng tiền mặt qua trạm.

Ngoài ra, có nguyên nhân chủ đầu tư không thu phí tự động. Bạn tôi chạy xe tải chở hàng ra vào thành phố, từng dán thẻ thu phí tự động (Etag) cho rằng rất tiện lợi, đỡ tốn thời gian nhưng cũng phải chuẩn bị tiền mặt vì nhiều trạm thu phí không áp dụng công nghệ tự động, không chấp nhận trả tiền qua thẻ.

Thu phí tự động không dừng nếu được áp dụng cho các trạm BOT, ước tính sẽ tiết kiệm hơn 3.000 tỉ đồng/năm. Theo tính toán, mỗi lần dừng xe nộp phí sẽ làm chậm hành trình phương tiện từ 2-3 phút, tiêu tốn thêm nhiên liệu.

Thu phí không dừng tiết kiệm thời gian lưu thông cho hành khách và hàng hóa khoảng 2.800 tỉ đồng/năm, tiết kiệm nhiên liệu mỗi lần dừng đỗ và tăng tốc trở lại ở mỗi trạm thu phí khoảng 233 tỉ đồng/năm, giảm ùn tắc giao thông, giảm nhân sự trực tiếp thu phí... Ngoài ra, cơ quan chức năng có thể quản lý các giao dịch qua trạm một cách công khai, giám sát được việc thu phí tại các trạm và minh bạch nguồn thu.

Thu phí tự động rất phổ biến trên thế giới. Hầu hết các nước đều đa dạng hóa phương thức thanh toán: áp dụng công nghệ tự động không dừng, trả tiền qua thẻ thanh toán, có thể thanh toán qua thẻ ngân hàng.

Ở nước ta, thực trạng thiếu minh bạch tại các trạm thu phí được đặt ra từ lâu, cơ quan chức năng nhiều lần đốc thúc các chủ đầu tư thu phí tự động, không dùng tiền mặt nhưng triển khai rất chậm. Nếu tình trạng này kéo dài gây lãng phí lớn cho xã hội. Chưa kể thiệt hại khi có ai đó cố tình trì hoãn thu phí tự động, việc thu phí bằng tiền mặt khó kiểm soát, không đảm bảo công khai minh bạch khoản đóng góp từ người dân.

Nên bắt buộc thu phí tự động

Ngân hàng hay dịch vụ nước, điện, viễn thông đều có thể đóng phí trực tuyến, qua thẻ, lẽ nào không áp dụng được cho các trạm BOT? Có nhiều nguyên nhân các trạm thu phí chưa áp dụng công nghệ tự động, trong đó có công tác quản lý chưa quyết liệt.

Thử nghĩ trên cả nước có bao nhiêu chủ đầu tư, đơn vị được ủy quyền thu phí? Nơi này nhìn nơi kia, nơi áp dụng công nghệ không dừng, nơi không áp dụng vẫn thu tiền mặt mà không bị xử lý hay chế tài, các nơi đều chọn thanh toán tiền mặt. Vậy liệu có thể giảm thất thoát nguồn thu? Chỉ có cách buộc các trạm BOT đều phải thu phí tự động.

Nên buộc chủ đầu tư, đơn vị thu phí áp dụng ngay công nghệ tự động sao cho không thể hoặc không có sự tác động của nhân viên và đặc biệt là có thể trích xuất bất cứ lúc nào vì lưu trữ tất cả số liệu, lượt xe, biển số, giá vé, file ảnh, video...

Cần có xử phạt những nơi nào chậm áp dụng, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để ai cũng có thể theo dõi.

Trường hợp chủ đầu tư, đơn vị thu phí chần chừ triển khai thiết bị tự động không dừng, cơ quan nhà nước có thể sử dụng vốn ngân sách đầu tư. Khi hết thu phí ở dự án này có thể dời hệ thống tự động thu phí sử dụng cho dự án khác. Chi phí đầu tư thu phí tự động sẽ khấu trừ trong phương án thu hồi vốn cho chủ đầu tư hoặc lấy trực tiếp trên doanh thu tại trạm BOT, không cần chờ sự tự giác của chủ đầu tư.

Đa dạng hóa phương thức trả tiền tự động

Đồng thời, cần phổ biến hướng dẫn chủ phương tiện cách sử dụng thẻ, mua phí, trả phí khi qua trạm BOT. Đa dạng hóa phương thức tự động trả tiền khi qua trạm bằng cách cho tích hợp các loại thẻ thanh toán ngân hàng đều có thể trả tiền theo dịch vụ trực tuyến tại tất cả các trạm thu phí BOT. Nếu tài khoản nào không đủ tiền sẽ ghi nợ, quá thời hạn chưa trả thì ngưng sử dụng dịch vụ đường bộ.

TRẦN VĂN TƯỜNG

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Điều chỉnh tổng mức đầu tư 2 tuyến đường sắt đô thị ở TP.HCM (12/02/2019)

>   "Nếu được tham gia đầu tư, FLC đủ khả năng hoàn thành nhà ga T3 Tân Sơn Nhất trong 9 tháng" (12/02/2019)

>   Trên 80% công nhân trở lại Bình Dương làm việc (11/02/2019)

>   Mỗi ngày cả nước tiêu thụ gần 391 triệu kWh điện dịp Tết (11/02/2019)

>   Kinh tế tư nhân bứt phá: 'Bà đỡ' thể chế (11/02/2019)

>   Kinh tế tư nhân bứt phá (11/02/2019)

>   Xuất khẩu 2019: Nhiều cơ hội để bứt phá (11/02/2019)

>   Hàng không đua mở đường bay ngoại, ai có lợi? (10/02/2019)

>   Việt Nam là tâm điểm của các nhà quảng cáo toàn cầu trong giai đoạn này. (10/02/2019)

>   Giá thực phẩm sau Tết: Chợ dân sinh tăng giá 30-50% (08/02/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật