Nhờ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, giới đầu tư ngày càng chú ý tới chứng khoán Việt
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội đang là tâm điểm chú ý ở Việt Nam – một thị trường đang thu hút nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư chứng khoán trên thế giới sau một vài lần rớt mạnh trong năm 2018.
Thị trường cổ phiếu Việt Nam hồi phục mạnh mẽ hơn các thị trường châu Á khác, ngoại trừ Trung Quốc và Hồng Kông. Chỉ số VN-Index – vốn bao gồm 376 cổ phiếu – đã phục hồi 13% so với mức đáy xác lập hồi tháng 1/2019. Trong ngày thứ Tư (27/02), chỉ số này tăng 0.33% và lấy lại cột mốc 990 điểm, trong khi chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương gần như xóa sạch đà tăng trước đó trong bối cảnh căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan diễn ra.
Đối với nhà đầu tư chứng khoán, Việt Nam là một thị trường rất được yêu thích, trong đó chỉ số VN-Index đã tăng 6 năm liên tiếp – bao gồm cả đà leo dốc 48% trong năm 2017 – trước khi va vấp phải làn sóng bán tháo trong năm 2018. Ngay cả là vậy, mức giảm 9.3% của VN-Index cũng thấp hơn nhiều so với đà lao dốc 17% của các chỉ số MSCI thị trường cận biên và MSCI thị trường mới nổi. Nhà đầu tư vẫn đang hồi hộp mong đợi thông tin nâng hạng của thị trường Việt Nam. Liệu nhà cung cấp chỉ số MSCI có thêm Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm nay hay không? Đây là câu hỏi đang khắc sâu trong tâm trí của các nhà đầu tư.
Nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh hơn 5%/năm kể từ năm 2000, thị trường cổ phiếu Việt Nam đã tăng hơn 7 lần kể từ năm 2012, vượt qua mọi thị trường châu Á và đạt tới mức vốn hóa 190 tỷ USD, gần mức kỷ lục năm 2018. Với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dồi dào, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6.6% trong năm nay và 6.5% trong năm 2020, dựa trên dữ liệu tổng hợp từ Bloomberg.
Mặc dù không kỳ vọng quá nhiều về những gì mà cuộc đàm phán giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ đạt được ở Hà Nội, nhưng “đây quả thực là một sự kiện thú vị”, Dominic Scriven, Giám đốc quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital, cho hay. “Sẽ có nhiều nhà báo quốc tế viết về Việt Nam, nhờ đó thu hút nhiều sự chú ý vào thị trường này”.
Ông Scriven cho biết, ông đang đặt cược vào khả năng leo dốc của chứng khoán Việt Nam và đã đầu tư phần lớn lượng tiền mặt vào cổ phiếu. Ông kỳ vọng tăng trưởng EPF sẽ đạt 10% trong năm 2019, giữa lúc tiền Đồng ổn định.
“Chúng tôi tiếp tục đưa ra quan điểm tích cực về thị trường cổ phiếu Việt Nam”, ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở Hà Nội, đồng thời nói thêm ông không cho là mức định giá đang đắt đỏ. Những gì đã tác động tới thị trường cổ phiếu trong năm 2018 – chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và quá trình thắt chặt chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – có thể không thực sự tác động tới Việt Nam, ông cho biết.
Vị Giám đốc quản lý quỹ này còn lên kế hoạch tập trung đầu tư vào các ngành như bán lẻ, tài chính và công nghệ, đồng thời tiếp tục dõi mắt theo sát các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cũng như quá trình thoái vốn của Chính phủ.
Hiện mức P/E của chỉ số VN-Index được ước tính ở mức 15.6 lần (xét trên lợi nhuận dự phóng cho 12 tháng tới), thấp hơn nhiều so với mức đỉnh hơn 20 lần trong năm 2018. Và nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang đầu tư vào thị trường Việt Nam. Cụ thể, họ đã rót ròng 193 triệu USD vào cổ phiếu Việt kể từ tháng 1/2019 sau khi mua gần 1.9 tỷ USD cổ phiếu trong năm 2018 bất chấp làn sóng bán tháo và hạn chế về sở hữu nước ngoài.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|