Lừa trúng thưởng, chia tài sản… đánh cắp thông tin tài khoản
Một số ngân hàng tiếp tục cảnh báo tình trạng đối tượng lừa đảo thông báo khách hàng trúng thưởng, được chia tài sản để đánh cắp thông tin tài khoản, chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SHB) vừa cảnh báo tình trạng này và cho biết đã phát hiện trường hợp cá nhân có tên nước ngoài trên mạng xã hội nhắn tin với khách hàng của SHB mong muốn chia đôi số tiền thưởng rất lớn, đề nghị khách hàng đăng nhập vào website giả mạo ngân hàng.
Cụ thể, chủ tài khoản sẽ nhận được thông điệp qua tin nhắn, email, chat qua mạng xã hội… với nội dung thông báo trúng thưởng hoặc phân chia tài sản, đề nghị hỗ trợ nhận thưởng, phân chia tài sản kèm theo yêu cầu nhấp vào các đường link, trang web do kẻ lừa đảo cung cấp để có cơ sở nhận thưởng.
Khi truy cập vào website giả mạo và đăng nhập thông tin trên Internet Banking, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng của nạn nhân sẽ bị đánh cắp và gửi cho tin tặc (hacker) để thực hiện một số hành vi phạm pháp như: chiếm đoạt tiền trong tài khoản thanh toán của khách hàng, thanh toán hàng hóa hoặc các dịch vụ bất hợp pháp khác…
Một giao diện website giả mạo SHB để lừa đảo, chiếm đoạt thông tin của khách hàng. Ảnh: Linh Anh
|
Các thông tin về mã PIN, tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP chủ thẻ cần tuyệt đối không tiết lộ cho người khác. Ảnh: Linh Anh
|
Để tránh bị lợi dụng, SHB khuyến cáo khách hàng cần cẩn trọng với email, tin nhắn, cuộc gọi trên mạng xã hội với những nội dung chuyển tiền, trúng thưởng, chia tài sản, đồng thời không nhấp vào các trang website kèm theo yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, mã đăng nhập dịch vụ Internet Banking, số thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, mã CVV…
Trước đó, nhiều ngân hàng thương mại như Vietcombank, ACB, Techcombank, MSB… cũng liên tục cảnh báo những chiêu thức lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin, tài khoản ngân hàng của khách hàng.
Một số chiêu thức lừa đảo mới như với khách hàng đang sử dụng ví điện tử ZaloPay, MoMo, Payoo... đăng tải câu hỏi lên website, fanpage của nhà cung cấp, đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh là nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ để liên hệ khách hàng và hỏi về vướng mắc khi sử dụng. Sau đó, lừa khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng điện tử như là 1 bước yêu cầu để khắc phục lỗi rồi lợi dụng thông tin này thực hiện giao dịch gian lận.
Với khách hàng đang có nhu cầu vay tín dụng trực tuyến, đối tượng giả mạo là người cho vay yêu cầu khách hàng cung cấp hồ sơ và thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử rồi lợi dụng các thông tin này để thực hiện giao dịch gian lận.
Theo các ngân hàng, khách hàng phải tuyệt đối giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng điện tử bao gồm mã PIN thẻ, mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ email cá nhân cho bất cứ ai và bằng bất cứ hình thức nào (nhắn tin, trả lời điện thoại, tiết lộ trực tiếp...).
Thái Phương
Người Lao Động
|