Kỳ 2
Kinh nghiệm đầu tư năm 2018 – Bình cũ rượu mới
Có nhiều bài học đã cũ nhưng giá trị vẫn còn nguyên. Tất nhiên, nhà đầu tư không thể thành công nếu áp dụng y nguyên một cách máy móc lý thuyết cũ mà phải có điều chỉnh tương ứng với thời kỳ mới.
Kỳ 1: Tin xấu đến thì làm gì
Kiên quyết cắt lỗ - Bài học cũ nhưng ai cũng quên
Vào giai đoạn đầu tháng 04/2018, khi giá cổ phiếu HSG rơi về vùng 17,000-18,000 thì rất nhiều nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy. Đây là điều dễ hiểu bởi vùng này đã từng test thành công khá nhiều lần vào tháng 07/2016, tháng 12/2016 và tháng 11/2017. Sau những lần test thành công ấy giá đều tăng ít nhất 20%.
Vì vậy, vùng giá 17,000-18,000 được coi là vùng hấp dẫn và cũng khá an toàn cho các nhà đầu tư ưa thích việc bắt đáy.
Nguồn: https://ta.vietstock.vn/
Tuy nhiên, nhiều người đã không để ý rằng, HSG đang hình thành mẫu hình đảo chiều Vai-Đầu-Vai lớn nên rủi ro giá tiếp tục lao dốc là rất cao. Rất nhiều nhà đầu tư trong trường hợp này đã cố gắng bắt đáy HSG và sử dụng phương pháp bình quân giá xuống để chờ đợi cơ hội giá tăng trở lại nhưng không thành công. Cổ phiếu HSG sau đó đã phá thủng hoàn tùng vùng này và sụt giảm đến hơn 50% giá trị.
Giải pháp phù hợp trong trường hợp này là sau khi bắt đáy thất bại HSG, nhà đầu tư cần cắt lỗ từng phần để đảm bảo không bị ”bán hớ”. Sau đó, sử dụng nguyên lý đối xứng để xác định vùng bắt đáy tiếp theo (trong trường hợp này là vùng 10,000-11,000) để "phục thù”.
Một ví dụ điển hình nữa trên thị trường là cổ phiếu VCS. Từ đầu tháng 04/2018 đến nay, giá đã liên tục lao dốc từ vùng đỉnh 139,000 và phá vỡ đáy cũ 85,000-90,000. Kể từ đó, các đợt bắt đáy khoảng tháng 07/2018, tháng 11/2018 và tháng 01/2019 vẫn chưa đem lại lợi nhuận.
Theo lý thuyết sóng Elliott thì sóng C của VCS vẫn đang diễn ra nên dự kiến sẽ khó có phục hồi mạnh xảy ra. Mục tiêu dài hạn của VCS là ngưỡng Fibonacci Retracement 161.8% (tương đương vùng giá 36,000-38,000). Cấu trúc sóng trong trường hợp này là A–B-C điển hình.
Nguồn: https://ta.vietstock.vn/
Các ví dụ trên chỉ ra hai điều quan trọng:
Thứ nhất, nhà đầu tư chỉ nên bắt đáy ở mức vừa phải (khoảng 20%-30%) trong trường hợp giá giảm mạnh bất ngờ xuống vùng hỗ trợ. Khi nào giá hồi phục trở lại thì tiếp tục mua thêm theo kiểu bình quân giá lên sẽ đỡ rủi ro hơn.
Thứ hai, khi các vùng hỗ trợ dài hạn bị thủng thì việc cắt lỗ phải được thực hiện. Nếu không đủ quyết đoán để cắt lỗ hết 100% ngay lập tức thì ít nhất cũng phải bán ra từ từ để phòng ngừa rủi ro giảm mạnh quá mức sẽ gây ra các cú sốc tâm lý.
Nhà đầu tư cần tránh suy nghĩ ”cứ kiên nhẫn nắm cổ phiếu dài hạn thì cuối cùng cũng lời” mà cần suy nghĩ thoáng hơn theo kiểu ”tạm thời bán đi để vài bữa nữa mua lại rẻ hơn”. Đây cũng là quan điểm phù hợp trong bối cảnh thị trường chứng khoán ngày càng trở nên khó lường hơn.
Sử dụng phân kỳ nhưng phải có chọn lọc và kết hợp với các công cụ khác
Phân kỳ (divergence) là hiện tượng kỹ thuật thường thấy trên thị trường thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tín hiệu này dễ nhận biết và khá hữu dụng nếu dùng đúng cách. Tuy nhiên, phân kỳ được sử dụng trên nhiều chỉ báo (MACD, Relative Strength Index, Stochastic Oscillator, v.v...) nên tín hiệu nhiễu cũng theo đó thường xuyên xuất hiện.
Theo như biểu hiện trong năm 2018 thì MACD nổi lên như một chỉ báo cho tín hiệu phân kỳ hiệu quả nhất. Đây cũng là một trong những chỉ báo có độ tin cậy cao và rất phổ biến trong cộng đồng phân tích kỹ thuật. Chỉ báo MACD được cấu thành bởi 3 thành phần chính là đường MACD, đường tín hiệu (signal) và đường 0 (zero).
Trong giai đoạn sáu tháng đầu năm 2018, VN-Index đã lao dốc một mạch từ 1,200 điểm về mức 920 điểm. Trong giai đoạn này, MACD đã sớm cảnh báo về sự sụt giảm khi tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước vào đầu tháng 04/2018. Phân kỳ giá xuống chính thức hình thành và báo hiệu sớm cho đà sụt giảm mạnh của VN-Index sau đó.
Nguồn: https://ta.vietstock.vn/
Tuy nhiên, ngay cả khi là công cụ nổi bật nhất trong nhóm có phân kỳ thì nhà đầu tư cũng cần lưu ý khi sử dụng MACD như sau:
Phân kỳ giá lên/giá xuống xuất hiện trên MACD chỉ biểu hiện động lượng của giá đang có hướng giảm, nghĩa là tốc độ giảm giá/tăng giá đang chậm dần. Điều này không đồng nghĩa với việc giá đã chính thức thay đổi xu hướng.
Một ví dụ điển hình trong năm 2018 vừa qua là giá cổ phiếu CTG. Cổ phiếu này lao dốc từ đỉnh tháng 04/2018 và tiếp tục lao dốc 1 lần nữa từ đỉnh tháng cuối 09/2018 về vùng 21,000-22,000. Tại đây, hiện tượng phân kỳ giá lên xuất hiện trên MACD. Nhiều nhà đầu tư cho rằng đây là cơ hội tốt để bắt đáy và kiếm lợi nhuận lớn khi kỳ vọng vào giá cổ phiếu sẽ hồi phục trở lại như giai đoạn ngay trước đó. Tuy nhiên, CTG chỉ chững lại đà giảm và hồi phục nhẹ. Sau đó, giá tiếp tục lao dốc khi không thể vượt qua trendline kháng cự trung hạn (tương đương vùng 23,500-24,200).
Nguồn: https://ta.vietstock.vn/
Nhà đầu tư nên kết hợp tín hiệu phân kỳ của MACD cùng với các công cụ xác định xu hướng. Tín hiệu phân kỳ trên MACD nên kết hợp với tín hiệu đảo chiều xu hướng sẽ cho ta những nhịp bắt đáy chính xác và có kết quả lợi nhuận lớn.
Giá cổ phiếu GMD sụt giảm và tạo đáy về ở vùng 22,000-23,000. Trong khi đó, MACD tạo đáy sau cao hơn đáy trước và cho thấy tín hiệu phân kỳ giá lên đang hình thành. Các phiên sau đó GMD tiếp tục phá vỡ trend giảm điểm và bật tăng mạnh mẽ.
Việc mua bán theo tín hiệu phân kỳ ở đây hoàn toàn chính xác và giúp nhà đầu tư có khoản lợi nhuận khá lớn khi giá GMD bật tăng.
Nguồn: https://ta.vietstock.vn/
Rõ ràng, các phương pháp đầu tư dù hay đến đâu cũng cần phải có những nâng cấp, chỉnh sửa để phù hợp với thời đại mới. Hi vọng với những chia sẻ ở trên, nhà đầu tư sẽ ngày càng tự tin hơn và đầu tư hiệu quả hơn.
Lee Nguyễn
FILI
|