Kháng nghị VKSND Cấp cao vụ Vinasun-Grab: Tín hiệu đáng mừng
Kháng nghị mới đây của VKSND cấp cao Tp HCM đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử lại vụ Vinasun kiện Grab theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun với Grab được nhận định là tín hiệu đáng mừng và các chuyên gia kỳ vọng với kháng nghị này phiên toà phúc thẩm sẽ khép lại vụ án bằng một kết luận có căn cứ và công bằng hơn cho Grab cũng như cho xu hướng phát triển công nghệ hiện nay.
Vinasun yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại là không có căn cứ pháp luật
Trong quyết định bổ sung quyết định kháng nghị phúc thẩm vụ án Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab), VKSND Cấp cao TP HCM đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử lại vụ kiện theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.
Nhận định về tính hợp pháp trong hoạt động kinh doanh của Grab, VKSND Cấp cao viện dẫn ra hàng loạt văn bản quyết định của Bộ GTVT, Sở Kế hoạch Đầu tư Tp HCM và xác định Grab là đơn vị vận chuyển hành khách có thẩm quyền của Nhà nước cho phép dựa theo Đề án 24 của Bộ GTVT; hoạt động kinh doanh của Grab không vi phạm pháp luật. VKSND cho rằng bản án sơ thẩm nhận định Grab vi phạm Đề án 24 và Nghị định 86 là không có cơ sở.
VKSND Cấp cao tại TP.HCM cũng chỉ ra việc Vinasun yêu cầu bồi thường 41,2 tỉ vì thiệt hại do hoạt động của Grab gây nên, Tòa sơ thẩm căn cứ vào giám định thiệt hại của Công ty Cửu Long xác định khoản thiệt hại thực tế của Vinasun là phiến diện, không có cơ sở thực tiễn và pháp lý.
Theo VKSND, thực chất, việc sụt giảm doanh thu, liên quan rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan: Năng lực quản trị doanh nghiệp của Vinasun, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình thị trường, sự cạnh tranh của nhiều loại hình phương tiện kinh doanh vận tải khác, sự thay đổi nhu cầu của hành khách… và những vấn đề này chưa được đề cập trong kết luận giám định. Do đó, việc Vinasun cho rằng Grab gây thiệt hại cho mình và đòi bồi thường là hoàn toàn không có căn cứ.
VKSND Cấp cao cũng bổ sung căn cứ kháng nghị, cho rằng doanh thu sụt giảm của Vinsun (nếu có) có phần do người tiêu dùng đã lựa chọn Grab vì ưu thế của nó so với Vinasun cũng như các hãng taxi truyền thống khác. Những tồn tại, hạn chế của doanh nghiệp này khi hoạt động tại Việt Nam (nếu có) không phải là nguyên nhân gây thiệt hại cho Vinasun. Vì vậy, VKSND Cấp cao nhận định không thể bắt Grab phải bồi thường cho Vinasun.
Từ những phân tích này, VKSND Cấp cao tại TP.HCM nhận thấy bản án của Tòa sơ thẩm nhận định Grab có hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho nguyên đơn và tuyên buộc Grab phải bồi thường 4,8 tỉ đồng là hoàn toàn không có cơ sở pháp luật.
Kháng nghị có căn cứ, kỳ vọng vào phiên phúc thẩm công bằng hơn
Đánh giá về động thái mới của VKSND Cấp cao TpHCM, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho biết ông hoàn toàn ủng hộ và hoan nghênh kháng nghị trên. Theo chuyên gia này, lập luận của Vinasun với tư cách là bên bị hại với con số thiệt hại nêu lên bao gồm số xe không hoạt động, chi phí đậu trong bãi và cho rằng thiệt hại là do Grab gây ra là thiếu căn cứ.
Do đó, chuyên gia này đánh giá cao kháng nghị của VKSND và khẳng định đây là một kháng nghị có căn cứ thực tế, có căn cứ pháp luật. Ông cũng hy vọng với kháng nghị này, phiên toà phúc thẩm sẽ có 1 kết luận có căn cứ pháp luật và công bằng hơn.
Cùng quan điểm một chuyên gia khác trong ngành giao thông đưa ra câu chuyện về mâu thuẫn tất yếu giữa công nghệ mới và cũ đồng thời cho rằng Vinasun thay vì tìm cách ngăn chặn hay triệt tiêu Grab cần phải tập trung bắt tay hợp tác với các hãng taxi truyền thống khác hoặc thậm chí thay đổi quan điểm, hợp tác với Grab để cùng phát triển bởi "ngăn chặn Grab là điều không phù hợp với việc thúc đẩy khoa học công nghệ".
Mô hình mới cần được khuyến khích
Trước đó, bình luận về vụ kiện này, chuyên gia Lương Hoài Nam từng cho rằng Grab là công ty công nghệ, cung cấp kết nối giữa người vận tải và khách hàng chứ không phải doanh nghiệp taxi hay bất kỳ doanh nghiệp vận tải nào khác. Grab không có phương tiện vận tải, chẳng có lái xe nên nếu Grab bị xử thua sẽ tạo ra án lệ hủy hoại “nhiều thứ tốt đẹp khác” và người tiêu dùng sẽ chính là người bị thiệt hại nhiều nhất.
Thực tế, trong 5 năm hoạt động tại Việt Nam, Grab đã góp phần tạo nên một thói quen di chuyển mới cho mọi người. Nền tảng công nghệ của Grab giúp việc di chuyển trở nên tiện lợi và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người, giúp giảm thời gian di chuyển của hành khách đến 51% so với việc sử dụng phương tiện vận chuyển công cộng. Hơn 175.000 đối tác tài xế của Grab cũng có cơ hội nâng cao thu nhập.
Thu nhập trung bình tính theo tháng của đối tác tài xế toàn thời gian của Grab cao hơn gấp đôi so với mức bình quân của cả nước. Hiệu suất sử dụng xe Grab đạt đến hơn 70%, điều này có nghĩa là cứ mỗi 10 giờ các đối tác tài xế Grab chạy trên đường thì có hơn 7 giờ được tận dụng để kiếm thu nhập, góp phần giảm đáng kể tình trạng xe chạy rỗng, giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường do khói xe.
Grab cũng là đơn vị ứng dụng gọi xe đầu tiên thực hiện việc xuất hóa đơn điện tử tại Việt Nam và chủ động phối hợp với cơ quan thuế trong việc truyền, quản lý dữ liệu chuyến đi của đối tác, khách hành tới cơ quan thuế như là một trong các biện pháp chống thất thu thuế.
Quá trình hoạt động của Grab đã đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước, cụ thể là hơn 440 tỉ trong năm 2018 (theo Thông báo số 195/ TB-CCT-KK, KTT&TH từ cơ quan quản lý thuế trực tiếp Grab - Chi cục Thuế Quận 10, TP.HCM), tăng hơn 232% so với 189 tỉ đồng trong năm 2017.
LA
LAO ĐỘNG
|