Đại gia đổ tiền vào nông nghiệp bây giờ ra sao?
Các chủ đầu tư vẫn hào hứng đổ thêm vốn vào mảng nông nghiệp, hướng tới mục tiêu xuất khẩu
Hai cách thức được các thương hiệu lớn lựa chọn khi đầu tư vào nông nghiệp là bắt tay hợp tác để tận dụng lợi thế mỗi bên hoặc đầu tư "đơn thương độc mã".
"Người mới" tham vọng lớn
Chỉ ít ngày nữa, Công ty Phân phối bao tiêu sản phẩm cho Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sẽ ra mắt với nhiệm vụ xuất khẩu 300.000 tấn trái cây tươi và sản phẩm chế biến từ trái cây, tương ứng 15.000 container trong năm 2019. Tiếp đến, Nhà máy Sản xuất chế biến trái cây có công suất thiết kế trên 120.000 tấn/năm và Nhà máy Sản xuất vật tư nông nghiệp công suất thiết kế trên 200.000 tấn/năm sẽ được khởi công xây dựng tại Chu Lai (Quảng Nam).
Đây là những "đứa con" đầu tiên của cuộc "hôn nhân" giữa Công ty CP Ôtô Trường Hải (THACO) - đại gia ôtô hàng đầu Việt Nam và HAGL của ông Đoàn Nguyên Đức. Với tổng chi phí đầu tư khoảng 3.425 tỉ đồng, dự kiến đi vào hoạt động ngay trong nửa đầu năm 2020, các nhà máy này rất có ý nghĩa với HAGL, giúp hoàn thiện chuỗi giá trị trái cây khép kín của doanh nghiệp (DN) này tại khu vực Tây Nguyên - Nam Lào, gạt đi nỗi lo về đầu ra sản phẩm.
Trang trại chăn nuôi bò Mỹ của Tập đoàn Hòa Phát
|
THACO không chỉ bắt đầu lấn sâu vào nông nghiệp khi hợp tác với HAGL mà từ năm 2017 đã cùng Tập đoàn Lộc Trời khảo sát, nghiên cứu và lập chiến lược phát triển nông nghiệp ngũ cốc (chủ yếu là lúa) cho đồng bằng Bắc Bộ. Con đường THACO theo đuổi là sản xuất quy mô lớn, khép kín, áp dụng cơ giới - tự động hóa và quản trị dựa trên nền tảng số hóa. "Qua hơn 2 năm dấn thân vào nông nghiệp, chúng tôi nhận thấy tiềm năng ngành nông nghiệp Việt Nam rất lớn và có thể phát triển một cách bền vững" - ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO, chia sẻ.
THACO không giấu tham vọng dựa trên nền tảng và thành quả có được sẽ dần hình thành một KCN chuyên nông - lâm nghiệp nằm trong KCN - đô thị Chu Lai trong vòng 5 năm tới.
Đáng lưu ý, THACO lựa chọn làm "nông nghiệp không đất", tức là phát triển dựa trên nền tảng vững chắc của công nghệ. Con đường này không chỉ giúp tránh được nỗi lo khó tiếp cận đất đai, bất ổn thời tiết, tỉ suất lợi nhuận thấp… mà còn đánh trúng điểm yếu của ngành công nghiệp Việt Nam là cần sản phẩm có giá trị gia tăng lớn để xuất khẩu.
Nông nghiệp sạch vẫn giữ sức hút
Ba năm trở lại đây, mỗi tháng VinEco (thuộc Tập đoàn Vingroup) - đơn vị sở hữu 14 nông trường công nghệ cao hiện đại nhất Việt Nam - cung cấp ra thị trường gần 3.000 tấn nông sản sạch thông qua kênh phân phối độc quyền tại Adayroi.com và hơn 1.800 siêu thị VinMart cùng cửa hàng VinMart+. Được đánh giá là đơn vị có tốc độ ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nhanh, VinEco chủ động ký hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, giống và thiết bị nông nghiệp với các đối tác uy tín trên thế giới với mục tiêu mang đến nông sản an toàn, chất lượng tốt nhất cho người Việt Nam.
Kết quả là tất cả nông trường VinEco trên toàn quốc đều đạt tiêu chuẩn VietGAP và đang chuyển sang GlobalGAP trong năm 2019, hướng đến thị trường xuất khẩu. "Mục tiêu của VinEco là trở thành DN sản xuất và kinh doanh nông sản uy tín trong nước và quốc tế" - đại diện VinEco cho biết.
Tập đoàn Hòa Phát cũng lấn sân sang nông nghiệp khoảng 3 năm trước và bắt đầu ghi nhận thành quả trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, công nghệ cao từ chăn nuôi tới thức ăn chăn nuôi. Doanh thu năm 2018 của mảng hoạt động này đạt mức tăng trưởng hơn 40% so với năm 2017. Đặc biệt, tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm thức ăn chăn nuôi của Hòa Phát năm 2018 tăng 150% so với cùng kỳ năm 2017.
Đối với chăn nuôi bò thịt, Công ty TNHH Thương mại Hòa Phát (thuộc Công ty CP Phát triển nông nghiệp Hòa Phát) đã có một năm kinh doanh ấn tượng với doanh thu cao gấp 2 lần, lợi nhuận tăng 176% so với năm 2017. Sản lượng bò Úc chiếm 42% thị phần toàn quốc, chính thức đưa Hòa Phát lên vị trí số 1 về cung cấp bò Úc chỉ sau chưa đầy 3 năm gia nhập thị trường. 2018 cũng là năm Hòa Phát gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực chăn nuôi heo khi sản lượng bán hàng tăng gấp 4,5 lần so với năm 2017.
Không phải làm đâu trúng đó!
Công ty CP Tập đoàn Trung Thủy được biết đến với kế hoạch góp 59 tỉ đồng để nhận gần 800 ha đất của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) nhằm thực hiện dự án hợp tác đầu tư khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tổng vốn đầu tư 820 tỉ đồng tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP HCM. Tuy nhiên, đến nay, dự án đã chính thức bị dừng lại. Theo đại diện công ty này, dự án "không dễ làm", phải dừng vì "không có điều kiện để triển khai tiếp".
Một tập đoàn công nghiệp lớn khác ở phía Bắc cũng cho biết đã từng thành lập một công ty sản xuất nông nghiệp nhưng tạm thời chưa thể phát triển nông nghiệp trở thành mảng chính.
|
THÙY DƯƠNG
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|