Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 châu Á, và đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Hiện Việt Nam có đến 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Ảnh minh họa.
|
Thông tin này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra tại Diễn đàn "Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019 tổ chức sáng 22/2.
Theo đó, sau 14 năm phát triển, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Theo thống kê năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản vượt ngưỡng 9,3 tỷ USD, chiếm trên 25% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp, giá trị xuất siêu đạt trên 7,1 tỷ USD.
Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 châu Á và đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Đến nay, Việt Nam cũng có đến 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó 95% là doanh nghiệp tư nhân, 3,5% là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng.
Số doanh nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu là trên 1.800 doanh nghiệp, tăng hơn 300 doanh nghiệp so với năm 2017. Trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm 65%, còn lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư hoặc liên kết, liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài.
Về thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản ngày càng được mở rộng. Nếu như năm 2005, sản phẩm gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam mới xuất khẩu đến 60 quốc gia và vùng lãnh thổ thì đến năm 2018 đã có mặt ở hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong năm 2018, những thị trường xuất khẩu chủ lực của gỗ Việt Nam là Hoa Kỳ 3,98 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2017, chiếm 42,5%; Nhật Bản 1,21 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2017; Trung Quốc 1,09 tỷ USD, giảm 0,36% so với năm 2017; Hàn Quốc 0,96 tỷ USD, tăng 41,5% so với năm 2017; EU 0,9 tỷ USD, tăng 5,28% so với năm 2017.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao mức tăng trưởng trên 800% trong thời gian hơn 10 năm qua của cộng đồng các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Thủ tướng cũng cho rằng, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã trở thành ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực, giúp giải quyết nhiều lao động và là một trong ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu là còn rất khiêm tốn. Hội nhập quốc tế, sự tham gia các hiệp định thương mại, cùng xu hướng nguồn nguyên liệu hợp pháp trong nước ngày càng chủ động, sẽ tạo lợi thế cạnh tranh, mở ra cơ hội cho xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam thời gian tới.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương tìm kiếm các giải pháp về liên kết, giải quyết tốt bài toán về thị trường tiêu thụ trên cơ sở bám sát các hiệp định tự do thương mại, tiến tới mở rộng và thâm nhập sâu rộng vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU)..., phấn đấu đưa Việt Nam trở thành công xưởng, trung tâm sản xuất, chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của thế giới.
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt trên 11 tỷ USD, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để kịp thời tuyên truyền và xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn cơ chế, chính sách thực thực hiện các cam kết quốc tế mới như CPTPP, VPA/FLEGT để hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển ổn định.
Đồng thời, sẽ duy trì tăng trưởng ổn định tại các thị trường hiện có và tìm kiếm mở rộng thị trường tiềm năng, thị trường mới nổi.
"Ngành cũng đảm bảo cung ứng khoảng 37,5 triệu m3 gỗ nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Theo đó, sẽ tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo thông lệ, tiêu chí quốc tế; hạn chế xuất khẩu nguyên liệu gỗ thô", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Duyên Duyên
Vneconomy
|