Bật mí ba điều cần biết để tiết kiệm tiền hiệu quả
Tại một thời điểm nào đó trong đời, chúng ta sẽ được nhắc là hãy tiết kiệm tiền đi, nhưng không phải ai trong chúng ta cũng được dạy về cách để tiết kiệm tiền – hoặc nói rõ hơn là, phải tiết kiệm bao nhiêu để đạt được mục tiêu bản thân đã đề ra.
Hầu hết các chuyên gia tài chính đều khuyên thế này: Nếu đủ khả năng chi trả, hãy dành từ 20 đến 30% tiền thu nhập hàng tháng của bạn cho việc tiết kiệm và trả nợ. Nhưng lời khuyên đó không áp dụng được cho tất cả mọi người.
Trong dòng tweet mới đây của Eric Roberge, chuyên gia hoạch định tài chính và nhà sáng lập của Beyond Your Hammock, cho biết ba điều có thể giúp bạn xác định mức tiết kiệm phù hợp với mỗi người, bao gồm:
- Mục tiêu của bạn cần bao nhiêu tiền
- Bạn cần bao nhiêu tiền để phục vụ cách sống lý tưởng của bản thân
- Khoảng thời gian giữa hiện tại và thời điểm bạn cần số tiền đó
Mục tiêu của bạn cần bao nhiêu tiền
Bước đầu tiên là bạn phải xác định được mục tiêu của mình. Mục tiêu có thể kể đến như tiền để trả nợ, tiền dành cho những trường hợp nguy cấp, tiền để mua nhà, tiền để nuôi con, tiền để con học đại học hoặc học trường tư, tiền để nghỉ việc đi du lịch, tiền để dành nghỉ hưu sớm, hoặc để dành cho những mốc thời gian đặc biệt khác trong đời mà cần phải có tiền mới được.
“Đây có lẽ là quan điểm riêng của tôi, nhưng mục tiêu bạn đặt ra càng tốn nhiều tiền, thì bạn càng cần phải tiết kiệm cho đủ”, ông Roberge trả lời với Business Insider. “Có một điều rõ ràng là: Nếu mục tiêu của bạn không cần quá nhiều tiền, thì bạn đâu nhất thiết phải tiết kiệm quá nhiều tiền cho nó đâu”.
Một khi những mục tiêu đã được đặt ra, bạn có thể truy ngược lại để tính ra thử mỗi mục tiêu sẽ cần bao nhiêu tiền. Ví dụ, tiền mua nhà sẽ khoảng 400,000 USD với 10% tiền dành trả trước – cao hơn mức trả trước thông thường của những người mua nhà lần đầu tiên, nhưng thấp hơn mức 20% tiêu chuẩn – tức là yêu cầu trả trước sẽ khoảng 40,000 USD.
Nhưng, ông Roberge cũng cảnh báo, “Chúng ta đều phải thật cẩn thận để không tiết kiệm quá mức cần thiết và nếu không sẽ dư ra một khoảng tiền không biết dùng làm gì; thay vì cứ tiết kiệm quá mức, bạn có thể dùng số tiền dư ra đó để tận hưởng thêm một chút cho hôm nay”.
Bạn cần bao nhiêu tiền để phục vụ cách sống lý tưởng của bản thân
Bây giờ hãy cùng tính đến chuyện bạn cần bao nhiêu tiền để tiêu xài hàng ngày, cả khoảng tiền cần thiết cũng như những khoảng xài tùy ý, ông Roberge nói. Nếu bạn là kiểu người hầu như mỗi ngày đều ăn tối ở ngoài hoặc là người yêu thích việc được cầm trên tay mẫu iPhone mới nhất, thì khoảng tiền này cần phải tính cẩn thận đấy.
Về cơ bản thì hãy vẽ ra một bức tranh về phong cách sống lý tưởng của bạn. Nó sẽ là cách sống như thế nào, và quan trọng nhất là, bạn cần bao nhiêu tiền để duy trì lối sống đó?
“Nếu bạn thích sống kiểu khiêm tốn và thấy ổn với cách sống đó và có ý định tiếp tục sống như vậy, thì có lẽ bạn sẽ tiết kiệm được 10% đến 20% tiền từ thu nhập của mình”, ông Roberge nói. “Còn nếu bạn cần hơn 100,000 USD mỗi năm mới đủ sống, thì tốt hơn hết là bạn nên thực sự nghiêm túc mà tiết kiệm cho đủ số tiền đó để còn tiếp tục đủ chi tiêu trong tương lai, và còn để xài vào những khi bạn không còn kiếm được tiền để trả cho lối tiêu xài đó nữa”.
Khi nào thì cần tiền
Bước cuối cùng là thiết lập thứ tự ưu tiên cho những mục tiêu bạn đã đặt ra và gắn mốc thời gian cho mỗi mục tiêu. Cố gắng tìm ra khi nào là lý tưởng để đạt được mục tiêu đó – bạn có thể dùng số tuổi của mình để làm mốc cũng được – và hãy thử chia nhỏ mục tiêu của bạn thành những phần nhỏ hơn.
Đây là một ví dụ, hãy sử dụng công thức được Grant Sabartier, nhà triệu phú tự lập và về hưu sớm, chia sẻ trong cuốn sách “Tự do tài chính” của ông: Một người 30 tuổi muốn về hưu sớm ở tuổi 55 với 1.25 triệu USD trong tài khoản ngân hàng sẽ cần phải tiết kiệm khoảng 1,647 USD một tháng. Đấy là giả sử trong trường hợp số tiền tiết kiệm được gửi trong ngân hàng và kiếm được 7% lãi suất mỗi năm.
“Yếu tố thời gian có vai trò quan trọng trong việc đầu tư dài hạn, bởi vì bạn càng có nhiều thời gian thì số tiền tiêu chuẩn tiết kiệm mỗi tháng sẽ càng ít lại”, ông Roberge nói. Ông còn nói thêm, đối với những mục tiêu ngắn hạn “bạn phải tiết kiệm nghiêm túc hơn bởi vì bạn không thể dựa vào số tiền đó ‘sinh’ thêm tiền cho bạn được”.
Trân Võ (Theo CNBC)
Fili
|