VPBank: Nợ xấu tăng lên 3.51%, thu nhập của nhân viên sụt giảm
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2018, lãi trước thuế của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) đạt 9,199 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2017 và thực hiện được 85% mục tiêu đặt ra trong năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng lên 3.51%.
Trong năm 2018, thu nhập lãi thuần hợp nhất của VPBank tăng 20% so với năm trước, đạt gần 24,702 tỷ đồng. Còn theo báo cáo tài chính riêng lẻ, thu nhập thuần của Ngân hàng mẹ đạt 10,459 tỷ đồng, do vậy ước tính thu nhập lãi thuần mà 2 Công ty con bao gồm Công ty TNHH Quản lý tài sản (VPB AMC) và Công ty Tài chính TNHH MTV FEcredit (VPB FC) đóng góp cho VPBank là hơn 14,243 tỷ đồng.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 10%, đạt gần 1,613 tỷ đồng. Đáng chú ý là lãi từ hoạt động khác tăng 85% so với năm trước, đạt hơn 4,681 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm lỗ so với năm trước, chỉ còn lỗ 104 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 159 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ gần 57 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi hơn 180 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động tăng 20% so với năm trước, chiếm gần 10,634 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tăng 41% so với năm trước, chiếm hơn 11,253 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước và sau thuế của VPBank lần lượt tăng 13% và 14% so với năm trước, đạt lần lượt gần 9,199 tỷ đồng và 7,356 tỷ đồng. Như vậy, lãi ròng năm 2018 của VPBank là mức cao nhất mà Ngân hàng đạt được từ trước đến nay.
Tính riêng trong quý 4/2018, hầu hết các hoạt động kinh doanh đều không khả quan, đa phần đều bị tăng lỗ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối (lỗ 355 tỷ đồng), mua bán chứng khoán đầu tư (lỗ gần 17 tỷ đồng) và mua bán chứng khoán kinh doanh (lỗ hơn 16 tỷ đồng) trong khi 2 hoạt động này đều lãi trong quý 4/2017.
Tính đến ngày 31/12/2018, VPBank có tổng tài sản là 323,308 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm chủ yếu là nhờ cho vay khách hàng tăng và đặc biệt tiền gửi tại NHNN tăng 68% và chứng khoán kinh doanh tăng gần gấp 3 lần so với đầu năm.
Kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2018 của VPBank. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2018 của VPB
|
Và như vậy, tính đến 31/12/2018, dư nợ cho vay của VPBank đạt 221,460 tỷ đồng, thực hiện được 97% kế hoạch; tổng tiền gửi của khách hàng ghi nhận 170,851 tỷ đồng.
Trong năm, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của VPBank đạt 8,686 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm, trong đó chứng khoán kinh doanh chuyển từ dương 2,689 tỷ đồng sang âm 2,149 tỷ đồng và các khoản nợ Chính phủ và NHNN chuyển từ âm 1,078 sang dương 3,755 tỷ đồng.
Ngoài ra, dòng tiền thuần cho hoạt động đầu tư từ dương 161 tỷ đồng sang âm 117 tỷ đồng là do trong năm khoản tiền thanh lý, nhượng bán tài sản cố định giảm. Dòng tiền thuần cho hoạt động tài chính từ dương 6,078 tỷ đồng còn âm 4,801 tỷ đồng do trong năm phát sinh mua lại cổ phiếu quỹ, chi tiền thanh toán giấy tờ có giá dài hạn.
Do nợ dưới tiêu chuẩn tăng 33% và nợ nghi ngờ chỉ giảm 14% cùng với nợ có khả năng mất vốn tăng cao (74%), nên tổng nợ xấu chỉ tăng 25% so với đầu năm, chiếm 7,766 tỷ đồng. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng lên 3.51% so với mức 3.39% hồi đầu năm.
Chất lượng nợ vay năm 2018 của VPBank. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2018 của VPB
|
Tính đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân tháng của nhân viên VBPbank sụt giảm từ 19.36 triệu đồng xuống còn 17.68 triệu đồng với lý do tăng thêm số lượng nhân viên từ 20,607 người hồi đầu năm lên 25,628 người.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2018 của VPB
|
Ái Minh
FILI
|