Vinachem đề nghị tiếp sức
Tại hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) ngày 12/1, lãnh đạo tập đoàn và nhiều đơn vị cho biết đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh và cần sự tiếp sức để vượt qua khó khăn.
Công ty CP Đạm và Hóa chất Hà Bắc tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2018. Ảnh: Thanh Thúy
|
Dù đạt mức lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) khoảng 609 tỷ đồng, giảm 33 tỷ đồng so với kế hoạch năm. Con số lợi nhuận dù không cao so với quy mô tập đoàn nhưng cũng có thể coi là thành tích khi tăng 446 tỷ đồng và gấp 3,7 lần lợi nhuận so với năm 2017. Tình hình kinh doanh tổng thể của các đơn vị trong tập đoàn, nếu không tính gánh nặng thua lỗ từ các dự án đạm, phân bón đầu tư nghìn tỷ, cũng không đến mức tệ.
Riêng 4 đơn vị nặng gánh, khó khăn nhất của tập đoàn ước lỗ tới 1.312 tỷ đồng, giảm thấp hơn con số 2.000 tỷ đồng của năm 2017. Trong đó, điểm sáng nhất là DAP-Vinachem có lợi nhuận 196 tỷ đồng. Ba đơn vị khác là DAP số 2 – Vinachem 246 tỷ đồng; Đạm Hà Bắc lỗ 340 tỷ đồng. Cỗ máy ngốn tiền Đạm Ninh Bình lỗ tới 926 tỷ đồng.
Theo báo cáo của lãnh đạo Vinachem, tập đoàn và các đơn vị thành viên đã rất nỗ lực vượt qua khó khăn trong năm qua. Tuy nhiên, các yếu tố tác động từ thế giới, các chính sách, quy định và cả cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) thuộc tập đoàn gặp khó. Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND tăng mạnh từ cuối tháng 6/2018 và giữ ở mức cao ảnh hưởng rất lớn đến các ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu nhập khẩu như sản phẩm cao su, hóa chất cơ bản, pin - ắc quy và các sản phẩm phân bón. Với những DN có vốn vay đầu tư, trong đó chủ yếu là các DN làm ăn thua lỗ, đây là cú bồi rất lớn khiến DN gần như mất hết lợi nhuận và phải căng mình ra trả nợ.
Về giải pháp gỡ khó cho các DN, lãnh đạo Vinachem cũng kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định nhiều giải pháp để hỗ trợ gỡ khó cho các dự án Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và dự án DAP Lào Cai. Cùng đó, VDB điều chỉnh lãi suất tiền vay cho các dự án với mức lãi suất 3%/năm trong 5 năm, tính từ 2018 đến 2022. Từ năm 2023 trở đi các khoản vay có lãi suất trên 8,55%/năm điều chỉnh về mức lãi suất tín dụng đầu tư của nhà nước. Các kiến nghị tương tự về không tính nợ quá hạn, cân đối trả nợ, giảm lãi suất tiền vay… cũng được lãnh đạo Vinachem đề xuất để hỗ trợ cho DN.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho hay Ủy ban kế thừa quản lý DN từ Bộ Công Thương được khoảng 3 tháng. Việc tập đoàn và các đơn vị thành viên đã cầm cự được trong lúc khó khăn của năm 2018 cũng là việc được ghi nhận.
Cũng theo ông Hùng, Ủy ban sẽ có trách nhiệm cùng tập đoàn giải quyết các vấn đề khó khăn của từng đơn vị. Ủy ban không từ chối và không né tránh, sẵn sàng cùng Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo của Chính phủ xử lý các khó khăn của các dự án thua lỗ nghìn tỷ. Trước mắt Ủy ban sẽ kết nối các DN trong cùng ủy ban để tìm cách hỗ trợ các DN gặp khó.
Phạm Tuyên
Tiền phong
|