Tuýt còi việc thông đồng với chủ thẻ tín dụng giao dịch khống
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc đơn vị chấp nhận thẻ thông đồng với chủ thẻ thực hiện giao dịch thanh toán khống nhằm rút tiền từ thẻ tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải giám sát chặt chẽ các đơn vị chấp nhận thẻ. Ảnh minh họa cà thẻ tại cửa hàng - Ảnh: T.L.
|
Trước tình trạng nhan nhản các điểm chấp nhận thẻ quảng cáo các dịch vụ rút tiền từ thẻ tín dụng với mức phí dao động từ 1,2 đến 1,5% trên số tiền rút, đặc biệt rút càng nhiều phí càng thấp, Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các ngân hàng phải có biện pháp nhằm siết lại lỗ hổng này.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải có biện pháp giám sát, kiểm tra, quản lý chặt chẽ các đơn vị chấp nhận thẻ. Trường hợp phát hiện thực hiện giao dịch thanh toán khống cần thực hiện ngay các biện pháp xử lý nghiêm và phản ánh cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.
Song song đó, các ngân hàng phải rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quy trình nội bộ, thủ tục, hồ sơ đăng ký phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng, đảm bảo tuân thủ các quy định.
Đối với thẻ tín dụng, ngân hàng phải có quy định rõ về việc thẻ tín dụng không được sử dụng để chuyển khoản. Không cho phép khách hàng sử dụng hạn mức thẻ tín dụng để nạp tiền, ghi có vào tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ nội địa hoặc thẻ trả trước.
Ngoài ra cần có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn các hình thức lợi dụng thẻ tín dụng để để nạp tiền vào ví điện tử, thanh toán hàng hóa, dịch vụ không đúng quy định.
Các ngân hàng cũng phải tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ phạm vi sử dụng thẻ, hạn mức giao dịch thẻ, đặc biệt là thẻ ghi nợ quốc tế ở nước ngoài.
Nếu phát hiện việc sử dụng thẻ ngân hàng tại nước ngoài với giá trị lớn, tần suất giao dịch nhiều, nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền các ngân hàng phải báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.
Thẻ tín dụng là loại thẻ "xài trước trả sau", ngân hàng cấp cho chủ thẻ một hạn mức và được khuyến khích dùng để thanh toán. Ngân hàng không khuyến khích rút tiền mặt từ thẻ tín dụng do vậy thường áp mức phí rút tiền mặt khá cao, lên đến 4-5% số tiền rút tùy ngân hàng.
Tuy nhiên hiện nay phổ biến tình trạng các cửa hàng bắt tay với chủ thẻ thực hiện giao dịch khống để rút tiền. Theo đó khách hàng không mua hàng nhưng chủ cửa hàng "dựng" lên giao dịch khống để cà thẻ, sau đó đưa tiền mặt cho chủ thẻ.
Mức phí chỉ từ 1,2-1,5% số tiền rút, "rẻ" hơn nhiều so với việc khách hàng rút qua ATM. Chưa kể do núp bóng dưới hình thức thanh toán mua hàng nên chủ thẻ lại được ngân hàng miễn lãi 45 ngày. Trong khi nếu rút tiền mặt tại ATM ngân hàng sẽ tính lãi ngay. Do vậy nhiều người đã rút tiền theo hình thức lách luật này.
Không chỉ vậy, trên thị trường đang xuất hiện dịch vụ kết nối giữa người có nhu cầu thuê và người cho thuê thẻ tín dụng, nhằm tận dụng hạn mức chưa sử dụng hết của thẻ tín dụng. Dịch vụ này đánh vào nhu cầu muốn tận dụng ưu đãi, khuyến mãi của nhiều ngân hàng.
Phân khúc khác là những cá nhân chưa đủ điều kiện để ngân hàng cấp thẻ tín dụng nhưng muốn có thẻ để thanh toán vé máy bay, mua hàng qua mạng, đặt tour, thậm chí là thanh toán trên Google, Facebook.
Tuy nhiên các ngân hàng cho biết không khuyến khích hình thức trên vì ngân hàng cấp thẻ tín dụng dựa trên việc thẩm định nhân thân và tài chính của bản thân khách hàng. Ngoài rủi ro cho chủ thẻ còn có thể xảy ra rủi ro cho ngân hàng khi chủ thẻ thông qua hình thức này đã rút tiền mặt quá mức sau đó chi xài hết mà không có khả năng thanh toán.
A.HỒNG
TUỔI TRẺ
|