Tích cực triển khai chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam
Ngày 25/1, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ và cán bộ chủ chốt Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Lãnh đạo PVN đã có báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 41 ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Tập đoàn PVN.Ảnh: VGP/Huy Thắng
|
PVN đã tổ chức tốt việc tuyên truyền, quán triệt, xây dựng ban hành chương trình, kế hoạch hành động để thể chế hoá các chủ trương trong Nghị quyết 41… Về hoạt động kinh doanh, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng trong 3 năm qua (nhất là trong năm 2018), PVN đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Nhiều mục tiêu cụ thể và chỉ tiêu sản xuất được hoàn thành hoặc tiệm cận hoàn thành như khai thác, tiêu thụ khí, sản xuất các loại sản phẩm xăng dầu, điện, đạm… Hằng năm PVN đều hoàn thành các chỉ tiêu về tài chính như doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước (NSNN) ở mức cao; đảm bảo bảo toàn và phát triển vốn; kiểm soát được công nợ. Công tác tái cơ cấu đạt yêu cầu đề ra theo hướng rút gọn bộ máy điều hành để nâng cao hiệu quả quản trị (cơ quan Tập đoàn giảm từ 28 đầu mối xuống còn 16 đầu mối); công tác cổ phần hoá (CPH) được triển khai quyết liệt, có hiệu quả…
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết cũng còn một số hạn chế. Cơ chế, chính sách cho phát triển ngành dầu khí nói chung và Tập đoàn Dầu khí quốc gia còn nhiều vướng mắc, chưa thực hiện đầy đủ theo chủ trương, yêu cầu của Kết luận 41 của Bộ Chính trị như: Còn thiếu cơ chế đặc thù riêng cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát triển; việc phân cấp, phân quyền chưa phù hợp; nhiều luật liên quan còn chồng chéo, còn nhiều hạn chế; việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao cho các bộ ngành còn nhiều bất cập, chưa đạt yêu cầu đề ra …
Trong từng lĩnh vực cụ thể vẫn còn một số việc cần khắc phục, nhất là chưa đạt được 3 chỉ tiêu quan trọng về gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu khí và đầu tư ra nước ngoài; một số mục tiêu chiến lược về phát triển hoá dầu, nhất là hoá dầu từ khí (tăng cường chế biến sâu từ khí), gia tăng dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu, phát triển nhiên liệu sinh học cũng chưa được thực hiện; các dự án trọng điểm Nhà nước về dầu khí cũng như các dự án điện đều có những vướng mắc lớn, bị chậm tiến độ; 5 dự án yếu kém vẫn chưa được xử lý triệt để…
Đáng chú ý, năm 2018, Tập đoàn đã cơ bản vượt qua các khó khăn thách thức để hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch được Chính phủ, Bộ Công Thương giao; hầu hết các chỉ tiêu của Tập đoàn đều hoàn thành kế hoạch cả năm 2018 trước 10 ngày đến 2 tháng.
Cụ thể, PVN đã gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2018 đạt 12 triệu tấn quy dầu (kế hoạch cả năm 10-12 triệu tấn quy dầu)…; khai thác dầu thô ở nước ngoài hoàn thành kế hoạch cả năm (1,92 triệu tấn) trước 10 ngày, năm 2018 đạt 1,98 triệu tấn, vượt 60.000 tấn (vượt 3,1%) kế hoạch năm… Công tác tái cấu trúc doanh nghiệp triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1182/TTg-ĐMDN ngày 11/8/2017; đã CPH thành công 3 đơn vị thành viên (PVOil, BSR và PV Power), thu về thặng dư 7.500 tỷ đồng cho nhà nước. Bộ máy cơ quan Tập đoàn đã được tinh gọn (từ 28 Ban/Văn phòng trước đây, hiện còn 16 Ban/Văn phòng, giảm 12 Ban/Văn phòng), tính chuyên nghiệp đã được thiết lập lại và chất lượng hơn.
Đáng chú ý, việc xử lý các tồn tại ở 5 dự án yếu kém khó khăn, dự án nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 được triển khai thực hiện nghiêm túc, với quyết tâm cao nhất và sự tham gia đồng bộ của toàn bộ hệ thống chính trị, đoàn thể trong Tập đoàn…
Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2019 - là năm mang tính quyết định trong thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2016-2020, lãnh đạo PVN khẳng định, Tập đoàn sẽ nỗ lực, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu thực hiện tốt những nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch được Đảng và Nhà nước giao như: Gia tăng trữ lượng dầu khí khoảng 10-15 triệu tấn quy dầu; khai thác dầu khoảng 12,37 triệu tấn (trong nước 10,43 triệu tấn, nước ngoài là 1,94 triệu tấn)…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị PVN thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm lớn. Thứ nhất, PVN cần tập trung hoàn thiện thể chế cho phát triển ngành dầu khí và các cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam theo Kết luận 41 của Bộ Chính trị, trọng tâm là hoàn thiện Luật Dầu khí, Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật Quản lý vốn số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014) và Nghị định số 124/2017/NĐ-CP ngày 15/11/2017 quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí. Thời gian tới, các đơn vị liên quan sẽ xem xét tổng thể các luật như: Luật Dầu khí, Luật Đầu tư 2014, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng… để có quy định thống nhất giữa các văn bản pháp luật này vì hiện nay quy định liên quan đến thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án chưa có sự thống nhất.
Thứ hai, đơn vị cần sơ kết việc thực hiện Kết luận 41 để trình Bộ Chính trị ban hành một Kết luận mới góp phần tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của Tập đoàn cũng như của ngành dầu khí. Tập đoàn PVN cần chuẩn bị tốt để báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ, đồng thời phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương trong công tác thẩm định.
Thứ ba, đối với những khó khăn, vướng mắc trong xử lý 5 dự án, doanh nghiệp yếu kém, PVN cần có cách tiếp cận đúng, sớm có các kiến nghị để ban hành các chủ trương, chính sách cụ thể. “Đối với một số vấn đề lớn, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp để báo cáo Bộ Chính trị sớm có chỉ đạo để tạo điều kiện cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát triển trong thời gian tới”, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho hay.
Huy Thắng
BÁO CHÍNH PHỦ
|