Thứ Sáu, 25/01/2019 15:06

Kho cà phê tạp chất 'qua mặt' 7 ngân hàng: Sếp doanh nghiệp lãnh án chung thân

Sau 3 ngày xét xử, TAND TP.HCM tuyên phạt 5 bị cáo trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Công ty TNHH Trường Ngân...

Các bị cáo nghe HĐXX tuyên án. PHAN THƯƠNG

Sau 3 ngày xét xử sơ thẩm, ngày 25.1, TAND TP.HCM tuyên phạt 5 bị cáo trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Công ty TNHH Trường Ngân (gọi tắt là Công ty Trường Ngân) và Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Nam Sài Gòn.

Theo đó, đối với 2 bị cáo thuộc Công ty Trường Ngân, gồm: Nguyễn Xuân Bình (nguyên Chủ tịch HĐTV) bị xử phạt chung thân và Nguyễn Đăng Sơn (nguyên Giám đốc) bị tuyên phạt 16 năm tù, tổng hợp hình phạt 6 năm tù của Tòa án quân sự Quân khu 7, buộc Bình mức hình phạt chung là 22 năm tù.

Trước đó, liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt 71,2 tỉ đồng của Ngân hàng Quân đội (MBBank) chi nhánh Sài Gòn, cuối tháng 8.2018 vừa qua, Tòa quân sự cấp cao xử lưu động tại Tòa án quân sự Quân khu 7 (TP.HCM) đã tuyên y án 18 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Xuân Bình; 6 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Đăng Sơn.

3 bị cáo nguyên cán bộ Vietinbank chi nhánh Nam Sài Gòn, gồm: Phan Công Hiếu (nguyên Phó giám đốc) 3 năm tù treo, Phan Viết Kỳ (nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp) 3 năm tù treo và Trần Thanh Hải (nguyên cán bộ tín dụng) 3 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc Nguyễn Xuân Bình bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các ngân hàng. Riêng gần 19 tỉ đồng thu được sau khi xử lý vật chứng, HĐXX chia theo tỷ lệ và ngân hàng được nhận thấp nhất là 1 tỉ đồng, cao nhất là 5 tỉ đồng.

Những bao "cà phê rác" trong kho của Công ty Trường Ngân. ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, năm 2010, 2011, Công ty Trường Ngân có quan hệ tín dụng với 7 ngân hàng.

Đến đầu năm 2012, mặc dù số lượng cà phê của công ty không đủ để cầm cố, thế chấp đảm bảo dư nợ cho 7 ngân hàng, nhưng do thua lỗ, cần tiền để trả nợ các khoản vay tại các ngân hàng và sử dụng cá nhân, Nguyễn Xuân Bình đã chỉ đạo Nguyễn Đăng Sơn sử dụng số hàng hóa là cà phê đã cầm cố, thế chấp ở ngân hàng này tiếp tục cầm cố, thế chấp ở ngân hàng khác; chỉnh sửa các hợp đồng xuất khẩu cà phê để hợp thức hóa nguồn hàng ra, nhằm vay tiền các ngân hàng với cam kết sau khi xuất khẩu cà phê sẽ trả nợ các khoản vay, nhưng thực tế Nguyễn Xuân Bình chỉ dùng một phần tiền trả nợ cũ, số còn lại sử dụng cá nhân.

Cụ thể, hợp đồng thế chấp tại 7 ngân hàng ghi tổng số lượng hàng hóa là gần 21.000 tấn cà phê, nhưng trong kho của Công ty Trường Ngân chỉ khoảng 8.600 tấn cà phê (thời điểm tháng 9.2012).

Quá trình điều tra, đến tháng 3.2017, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định trong kho của Công ty Trường Ngân có gần 1.300 tấn cà phê, 820 tấn tạp chất và gần 5.300 tấn cà phê hư hỏng.

Như vậy, với số lượng hàng hóa không có thật, dùng để đảm bảo, thế chấp chồng chéo giữa các ngân hàng dẫn đến không có khả năng trả nợ, các bị cáo đã chiếm đoạt của các ngân hàng hơn 500 triệu đồng, trong đó chiếm đoạt của Vietinbank chi nhánh Nam Sài Gòn hơn 5,2 triệu USD, tương đương 109 tỉ đồng.

Số cà phê thu giữ của Công ty Trường Ngân tại thời điểm tháng 3.2017 được xác định cầm cố, thế chấp cho 6 ngân hàng. Cơ quan điều tra đã tiến hành xử lý vật chứng, bán đấu giá, thu được gần 20 tỉ đồng. Sau khi thanh toán chi phí tổ chức đấu giá, số tiền gần 19 tỉ đồng còn lại được chuyển cho Cục thi hành án dân sự TP.HCM.

Phan Thương

Thanh Niên

Các tin tức khác

>   Trị giá 4.316 tỷ USD, Viettel gia nhập 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới (25/01/2019)

>   Học thầy không tày học... láng giềng (25/01/2019)

>   Xử lý cán bộ vụ Con Cưng: Cục trưởng, cục phó tạm thời làm kiểm soát viên (25/01/2019)

>   Việt Nam lần đầu lọt top 60 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới (24/01/2019)

>   Việt Nam chi 1,72 tỷ USD nhập khẩu thủy sản trong năm 2018 (24/01/2019)

>   Thủ tướng tiếp lãnh đạo các Tập đoàn đa quốc gia bên lề WEF Davos (24/01/2019)

>   Cấp phép thử nghiệm 5G tại Hà Nội, Tp.HCM cho Viettel (24/01/2019)

>   Dự án nhà máy nước 16 triệu USD “bấp bênh” về hiệu quả tài chính (23/01/2019)

>   Xuất khẩu gạo rộng cửa quý đầu năm (23/01/2019)

>   Khoảng trống pháp lý trong vụ Vinasun kiện Grab (23/01/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật